Dùng thẻ tín dụng thế nào để không lâm cảnh "nợ nần"?
Những chiếc thẻ tín dụng đang trở thành "phao cứu sinh" của nhiều người dân tại Mỹ. Tuy nhiên, thao tác quẹt thẻ quá dễ dàng sẽ làm nhiều người "vung tay quá trán".
Tạp chí Kinh tế cuối tuần VTV mới đây đưa tin theo một khảo sát được CNBC mới công bố, 10 người Mỹ, sẽ có 6 người sẵn sàng chi tiêu cho chuyến du lịch của mình bằng thẻ tín dụng, tức chấp nhận vay nợ để đi chơi. Thói quen chi tiêu này khá là phổ biến ở những người độ tuổi U40 ở nhiều nền kinh tế chứ không chỉ Mỹ.
Tại sân bay quốc tế O'Hare ở Chicago, dòng người đi du lịch nhân dịp Quốc khánh Mỹ 4/7 vừa qua vô cùng tấp nập. Nhiều hành khách, đặc biệt là người trẻ, thừa nhận tình hình giá cả sinh hoạt tăng cao hiện nay là một khó khăn, nhưng không đủ để họ gác lại mong muốn đi chơi xa vào kỳ nghỉ lễ.
Chị Madison Tilner - Hành khách đi máy bay chia sẻ: "Tôi là sinh viên nên tài chính cũng không quá dư dả, đặc biệt là lãi vay học đại học đang cao. Nhưng tôi nghĩ là mình còn cả đời đi làm kiếm tiền phía trước, nên bây giờ tôi muốn tận dụng thời gian rảnh để nghỉ ngơi và đi du lịch".
Cuối tuần trước, giới chức giao thông Mỹ đã ghi nhận gần 3 triệu lượt người đi lại bằng máy bay mỗi ngày, con số kỷ lục từ trước đến nay khi người dân chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ. Với một số người, động lực chi tiêu và du lịch còn được thúc đẩy khi kinh tế Mỹ được dự báo có thể chững lại trong thời gian tới.
"Công việc của tôi vẫn thuận lợi, thu nhập ổn nhưng cũng không theo kịp được lạm phát hiện nay. Nhiều người cũng kém lạc quan hơn về tương lai, nên chúng tôi không nghĩ nhiều về dài hạn, mà sẵn sàng tiêu nhiều tiền hơn ở hiện tại", anh Matthew Keene - Hành khách đi máy bay cho biết.
Tâm lý trên đang phần nào giúp mùa lễ Quốc khánh Mỹ năm nay trở nên bùng nổ với hoạt động tiêu dùng và du lịch. Ước tính sẽ có tổng cộng hơn 70 triệu lượt người Mỹ đi du lịch trong dịp nghỉ lễ này - một con số từng bị cho là không tưởng khi lạm phát tiêu dùng tại Mỹ hiện vẫn ở mức trên 3% kể từ đầu năm.
Nợ thẻ tín dụng tại Mỹ cán mốc 1,15 nghìn tỷ USD
Theo thống kê mới nhất các cố vấn của tạp chí Forbes công bố, trong tháng 5, gần 30% người Mỹ ở mọi độ tuổi, không có nổi 1.000 USD trong tài khoản ngân hàng nên chiếc thẻ tín dụng trở thành "phao cứu sinh" của họ. Có những chủ thẻ quẹt và ghi nợ cả khi đi chợ mua thức ăn. Nhưng cũng vì thế mà nợ thẻ tín dụng cũng trở thành một vấn đề trầm trọng. Số liệu mới nhất cho thấy nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đã cán mốc 1,15 nghìn tỷ USD.
Tháng 3, thống kê cho thấy các hộ gia đình Mỹ bắt đầu cắt giảm triệt để các khoản chi tiêu và nợ tín dụng của mình lại. Không phải vì họ tiết kiệm hơn, mà vì các ngân hàng không dám cấp thẻ tín dụng một cách dễ dàng nữa. Một phần là vì lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cao hơn, khiến các ngân hàng lo sợ rằng nợ thẻ tín dụng sẽ biến thành nợ xấu.
Tại Mỹ hầu như mọi người ai cũng có thẻ tín dụng credit card, vì nó tạo nhiều thuận tiện trong mua sắm, giao dịch. Thậm chí một số dịch vụ mà người Mỹ hay sử dụng, như thuê xe ô tô, gửi xe ô tô ở các bãi đỗ xe công cộng, đặt phòng khách sạn, bên bán yêu cầu khách hàng phải có thẻ tín dụng credit card, hoặc chỉ nhận thẻ credit, không nhận debit hay tiền mặt.
Người Mỹ quan niệm ai có thẻ tín dụng credit, tức là khả năng tài chính của người đó đã được ngân hàng thẩm định và chỉ có được sau một quá trình chi tiêu lâu dài, tích luỹ điểm và có uy tín với ngân hàng. Uy tín của không phải ở chỗ có bao nhiêu tiền trong túi, mà người đó được ngân hàng tín chấp, cho phép tiêu bao nhiêu một tháng.
Với tình hình lạm phát như hiện nay, chiếc thẻ tín dụng sẽ càng chứng minh tác dụng của mình trong việc giúp người sở hữu thẻ trang trải cuộc sống. Vậy làm thế nào để không "chết chìm" trong núi nợ?
Điều đầu tiên người dùng phải nhớ đến ngày trả nợ thẻ. Chỉ cần muộn một ngày, người dùng sẽ phải nộp phạt tiền trả muộn. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có lần than phiền các ngân hàng của Mỹ kiếm được hàng tỷ đô la mỗi năm từ tiền phạt trả muộn của cac chủ thẻ tín dụng.
Không nên mở quá nhiều thẻ tín dụng, cũng cần cảnh giác và đọc kỹ các lời mời tham gia làm thẻ tín dụng từ các trung tâm mua sắm, bán lẻ. Lúc đầu có thể họ khuyến mãi ít tiền, nhưng nhiều người có quá nhiều thẻ, quên mất thời hạn thanh toán và phải trả oan tiền nộp chậm. Chậm nộp, điểm tín dụng sẽ thấp và sau nhiều lần, thì hạn mức tín dụng sẽ bị hạ xuống, từ đó sẽ gặp nhiều bất tiện khi chi tiêu.
Người trẻ thu vén chi tiêu như thế nào?
Một tháng có 30-31 ngày và không ít người lao động than thở rằng vừa có lương đã lại phải chia tay ngay. Tại Singapore, với mức sinh hoạt đắt đỏ, thì dù lương cao, đôi khi nếu không kiểm soát chi tiêu người lao động cũng dễ rơi vào cảnh thiếu hụt tiền và lại phải dựa dẫm vào thẻ tín dụng. Theo số liệu mới nhất của cơ quan tiền tệ Singapore, chi tiêu tín dụng quý II vẫn ở mức cao hơn 20 tỷ đô Singapore. Một số người trẻ tại đây đã bắt đầu hình thành những thói quen "thu vén" khéo léo chi tiêu của mình.
"Hầu hết các đồ nội thất trong nhà tôi đều là đồ đã qua sử dụng. Tôi mua giường và đệm ở trang Carousel chuyên bán đồ cũ của những người không cần chúng nữa. Cái kệ sách này tôi mua trên chợ của facebook. Tôi tận dụng biến nó thành bức tường ngăn giữa chỗ ngủ và phòng khách luôn", Joey - cô gái 28 tuổi chia sẻ.
Joey đang thuê một căn hộ và hầu hết đồ dùng thiết yếu đều đến từ những sàn thương mại điện tử bán đồ cũ, đồ đã từng qua sử dụng. Tính ra, cô gái này đã tiết kiệm được tới 4.000 đô la Singapore tiền mua sắm đồ nội thất nhờ cách này.
Chị Joey chia sẻ thêm: "Thu nhập của tôi khoảng hơn 5.500 đô la Singapore, thì tôi dành 3.000 đô cho những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, mua sắm đi lại. Tôi bỏ ra hơn 1.000 đô cho tiền thuê nhà mỗi tháng. Tôi dành 300 đô đóng bảo hiểm và cuối cùng là tôi bỏ vào tiết kiệm được hơn 1.000 đô mỗi tháng".
Công thức tài chính như thế trên cho phép chị Joey ứng phó với những khoản phát sinh trong tháng. Theo học viện chính sách Singapore, cứ 10 người trẻ độ tuổi 21 - 29 tuổi tại Singapore thì 3 người phụ thuộc hoàn toàn vào thẻ tín dụng để có thể trang trải cuộc sống.
Nhưng những chiếc thẻ không phải là cái bẫy duy nhất. Nhiều trang bán hàng online bây giờ cho phép khách hàng mua trước, trả sau, không hề tính tiền lãi. Dễ dàng như vậy, nên mỗi khi cơn ghiền mua sắm tới, nhiều người đã kịp tích luỹ rất nhiều đồ shopping, nhưng lại không hề nhìn thấy khoản nợ đang chờ đợi họ trong những tháng tới.
Dùng thẻ tín dụng thế nào để không lâm cảnh "nợ nần"?
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 42 triệu thẻ tín dụng đang được lưu hành. Thẻ tín dụng được xem là phương tiện thanh toán khá tiện ích, có thể giúp kích cầu, chi tiêu tiêu dùng.
Nhiều người đã quen thuộc với những chiếc thẻ tín dụng "tiêu trước trả sau". Nhưng cách dùng thẻ tín dụng sao cho hợp lý, để chiếc thẻ phát huy công dụng tối đa những ưu điểm, mà không rơi vào cảnh "nợ nần" thì không phải ai cũng để ý.
Được "tiêu trước trả sau" trong hạn mức cho phép; được miễn lãi trong khoảng 45 - 55 ngày; được hoàn tiền một phần, được tích điểm, đổi quà… đây là những ưu điểm của chiếc thẻ tín dụng.
Nhận thấy thẻ tín dụng mang lại nhiều tiện ích, anh Nguyễn Hoàng Long (Hà Nội) đã mở cho mình một chiếc. Chiếc thẻ này đã giúp anh dễ dàng hơn trong chi tiêu, ngay cả khi chưa có lương, anh vẫn có thể quẹt thẻ tín dụng mua sắm.
Sở hữu một chiếc thẻ tín dụng không khó nhưng chi tiêu, thanh toán quá dễ dàng, ngay cả khi không có tiền cũng khiến không ít người đôi lúc "vung tay quá trán", dẫn đến lâm vào cảnh nợ nần. Chưa kể nếu không kịp thời trả đúng hạn sẽ bị tính lãi suất từ 20 - 36%/năm.
Do đó, để dùng thẻ tín dụng một cách thông minh, các chuyên gia khuyến cáo, người dùng hãy lập hạn mức chi tiêu theo khả năng của bản thân.
"Khách hàng có thể sử dụng tính năng tự động thanh toán khi đến kỳ thanh toán; thứ hai chủ động cài đặt hạn mức dựa trên nhu cầu thực tế sử dụng. Và có thể quản trị tổng chi tiêu của tất cả các thẻ.", ông Nguyễn Vũ Công - Phó phòng phụ trách Phát triển đối tác Thẻ, Ngân hàng Vietinbank khuyến cáo.
Thanh toán dư nợ đúng hạn là phương pháp tốt nhất giúp người dùng không phải chịu thêm bất kỳ khoản phí phát sinh nào. Thậm chí với những người mở thẻ nhưng không sử dụng, vẫn cần chú ý đến khoản phí duy trì thẻ thường niên. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không có nhu cầu sử dụng, hãy khóa hoặc hủy thẻ để tránh phát sinh những rắc rối không đáng có sau này./.
- Gen Z lương 10 triệu/tháng nhưng ngày uống Starbucks, tối ăn ngoài 400.000 đồng: 0 đồng tiết kiệm, nợ chồng chất vì quẹt thẻ tín dụng
- Ngày 20 lại đến, bạn dự định chi tiêu gì với thẻ tín dụng?
- Có thể trả một lần, vì sao nhiều chủ thẻ tín dụng vẫn chuộng trả góp?