Gen Z lương 10 triệu/tháng nhưng ngày uống Starbucks, tối ăn ngoài 400.000 đồng: 0 đồng tiết kiệm, nợ chồng chất vì quẹt thẻ tín dụng
Thời điểm hiện tại, 10 triệu đồng/tháng là mức lương phổ biến của nhiều Gen Z mới ra trường. Mức lương này thấp cũng không hẳn, nhưng chắc chắn chưa phải là cao. Nếu biết cách chi tiêu đúng đắn, có người hàng tháng vẫn tiết kiệm được vài triệu đồng. Ngược lại, cũng có những người kiếm 10 triệu đồng/tháng nhưng lại tiêu xài như mức lương 20-30 triệu đồng/tháng, tiết kiệm không được mà còn nợ đầm nợ đìa.
Lối sống xa xỉ so với mức lương 10 triệu đồng/tháng
Chia sẻ với Nhịp Sống Thị Trường, Hồng Nhung (25 tuổi, Hà Nội) cho biết, mức lương hiện tại của cô nàng là 10-11 triệu đồng/tháng. Cô nàng cho hay, chi phí sinh hoạt của bản thân thời còn là sinh viên chỉ là vài ba triệu đồng/tháng, tương ứng với số tiền trợ cấp của bố mẹ.
Đến khi ra trường và đi làm được 2 năm, tiền lương ngày càng tăng lên, cao gấp 2-3 lần tiền trợ cấp của bố mẹ khi xưa nhưng tháng nào Hồng Nhung cũng tiêu hết sạch. Hiếm hoi lắm mới có tháng Gen Z này tiết kiệm được 1-2 triệu đồng/tháng.
Cô nàng cũng liệt kê mức tiêu dùng cá nhân hàng tháng với mức lương dao động trong khoảng 10 triệu đồng như sau:
Chi phí dành cho nhà ở khi ở ghép cùng với bạn bè: 2 triệu đồng/người.
Tiền mua đồ gia dụng và thực phẩm hàng tháng: 2 triệu đồng.
Tiền xăng xe, chi phí đi đám cưới cùng với các trường hợp phát sinh: 1-1,5 triệu đồng.
Tiền mua đồ mỹ phẩm và quần áo hàng tháng: 3 triệu đồng.
Chi phí dành cho du lịch, ăn uống cùng bạn bè: 2-3 triệu đồng.
Hồng Nhung cũng tự mình đánh giá cách tiêu dùng của bản thân mình như sau: “Thời sinh viên, hàng tháng mình vẫn sống tốt với mức chi phí sinh hoạt là 5 triệu đồng. Đây là khoản tiền được bố mẹ trợ cấp cùng với lương đi làm thêm của mình. Đến khi ra trường, lương mình đã tăng hơn gấp đôi nhưng bản thân vẫn chẳng tiết kiệm được đồng nào. Tháng nào phải cân đo đong đếm, tính toán kỹ lắm mới để ra được 1-2 triệu đồng.
Đến giờ nghĩ lại mới thấy, cuộc sống của mình quá xa xỉ so với đồng lương bản thân kiếm được. Ví dụ, lương 10 triệu/tháng nhưng có tuần ngày nào mình cũng uống Starbucks, tối đi ăn ngoài với bạn bè 300-400 nghìn đồng/bữa. Cũng có tháng mình tiết kiệm được vài ba triệu, nhưng tháng sau lại dùng hết để du lịch với bạn bè. Đôi lúc nhìn lại, mình khá ngỡ ngàng vì lương 10 triệu/tháng nhưng bản thân lại tiêu như thể lương 20-30 triệu đồng/tháng”.
Nợ đầm đìa vì quẹt thẻ tín dụng
Nhiều Gen Z cho rằng, với mức lương 10 triệu đồng/tháng thì không nên sử dụng thẻ tín dụng, bởi sẽ rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần. Đồng tình với nhận định này, Đức Huy (24 tuổi) cho biết anh từng có thời gian lệ thuộc rất nhiều vào thẻ tín dụng với mức lương khoảng 9-12 triệu đồng/tháng.
Nếu như muốn tiết kiệm, mọi người cần phải vượt qua được cám dỗ tiêu tiền. Điều đáng tiếc ở chỗ, Đức Huy lại không thể nào làm nổi. Dù sở hữu mức lương dao động trong khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng tháng nào Gen Z này cũng tiêu hết sạch số tiền mình kiếm được. Dù ví 0 đồng, nhưng đến khi cần tiền để mua đồ đạc mới, Đức Huy lại tìm ngay đến thẻ tín dụng.
Gen Z này chia sẻ, thời gian đầu anh còn thanh toán được hết nợ thẻ tín dụng, bởi bản thân chỉ quẹt thẻ vào trường hợp khẩn cấp với những giao dịch hàng tháng khiêm tốn ở mức 1-2 triệu đồng. Thế nhưng, vì chưa biết cách để kiểm soát dòng tiền, thời gian sau đó Đức Huy thường xuyên rơi vào cảnh âm tiền lương; trong khi bản thân vẫn có nhu cầu mua thêm đồ đạc, đi du lịch, sắm máy tính… nên lại dùng thẻ tín dụng.
Cứ như thế, Đức Huy trở thành ‘con nợ’ của thẻ tín dụng lúc nào không hay. Cứ tháng trước vay tín dụng thì tháng sau sẽ phải vay mượn bạn bè, người thân mới đủ để trả nợ. Có thời điểm vì không vay được ai, anh chàng đã phải bán bớt đồ đạc để trả lãi tín dụng tăng giá cao.
Đến giữa năm 2023, thanh niên 24 tuổi mới chợt tỉnh ngộ, quyết định phải trả hết nợ thẻ tín dụng càng sớm càng tốt. Gen Z này gần như bỏ hết những khoản chi tiêu không cần thiết và không mong muốn, chỉ trả tiền cho các loại chi phí cần thiết cần phải sử dụng mỗi tháng như tiền thuê nhà, tiền mua thực phẩm, xăng xe… Với mức lương 10 triệu đồng, anh chàng chỉ tiêu 3 triệu đồng/tháng, còn lại dùng để trả nợ.
Sau 5 tháng ròng rã như thế, cuối cùng Đức Huy cũng đã trả hết khoản nợ thẻ tín dụng, bắt đầu một ‘cuộc sống mới’. Anh chàng bắt đầu được sử dụng khoản lương của mình, thay vì cứ kiếm được bao nhiêu tiền là trả nợ hết ngân hàng hoặc tiêu xài phung phí.
Đức Huy tổng kết lại, thực tế lương 10 triệu đồng/tháng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến nợ thẻ tín dụng. Nguyên nhân là do mình chưa biết cách dùng tiền, tiêu xài hoang phí khiến lãi cứ đẻ thêm, đẩy bản thân rơi vào cảnh chật vật. Vì thế, điều quan trọng là phải biết cách tính toán, chi tiêu cẩn thận, tránh việc ‘vung tay quá trán’ hay quá lạm dụng thẻ tín dụng.
Gen Z cần học cách tiêu tiền đúng đắn
Đây chính là bài học quý báu mà Hồng Nhung có được sau những tháng ngày theo đuổi lối sống hoang phí dù mức lương chỉ 10 triệu đồng/tháng. Trước kia, mỗi tháng cô nàng chi tiêu đến 15 triệu đồng, tức là vượt quá ‘ngân sách tối đa’ 5 triệu đồng. Nhưng hiện tại đã khác, nếu kiếm được 10 triệu đồng thì cô nàng Gen Z chỉ tiêu 5 triệu, 5 triệu còn lại để tiết kiệm hoặc đầu tư cho bản thân.
Hồng Nhung cho biết, bản thân trước kia dù nghèo nhưng vẫn tiêu tiền không suy nghĩ. Cho đến hiện tại, Gen Z hễ tiêu đồng nào là lại cân đo đong đếm, tính toán tỉ mỉ. Mức lương dù không thay đổi, vẫn là 10 triệu đồng nhưng Hồng Nhung đã có khoản tiền tiết kiệm hàng tháng, thậm chí có tháng cao nhất cô nàng còn tiết kiệm được 5 triệu đồng.
Gen Z này bộc bạch, trong cuộc sống chẳng có ai định nghĩa được như thế nào là đủ. Ngày trước, ‘đủ’ với Hồng Nhung phải là mua được vài cái quần cái áo, giá mỗi cái vài trăm nghìn, sáng gọi nước uống ở bên ngoài, cuối tuần cà phê ăn uống cùng bạn. Mỹ phẩm tháng nào cũng phải mua mới. Nhưng hiện tại đã khác, bản thân cô nàng cảm thấy ‘đủ’ vì tháng nào cũng có tiền tiết kiệm, hạn chế việc mua quần áo và mỹ phẩm, thèm ăn gì sẽ tự mua đồ về nhà nấu cho tiết kiệm.
Còn với Đức Huy, sau một thời gian dài chật vật với thẻ tín dụng, Gen Z này đã đúc rút ra một nguyên tắc quan trọng, đó là: Tiết kiệm trước - chi tiêu sau. Tháng nào cũng thế, anh chàng 24 tuổi sẽ trích riêng 30% thu nhập vào quỹ tiết kiệm, mua chứng chỉ và thiết bị đầu tư cho công việc. Số tiền còn lại, Đức Huy mới dùng để chi tiêu sinh hoạt. Đồng thời, Gen Z này cũng quyết định nói không với vay nợ cũng như quẹt thẻ tín dụng.
Đức Huy bộc bạch: “Chỉ khi nhẵn túi mình mới hiểu được rằng, bản thân có thể chấp nhận được một mức sống thấp như thế nào. Miễn là mỗi tháng mình vẫn có tiền để đầu tư cho bản thân là được. Quan trọng nhất là, dù lương bao nhiêu đi chăng nữa nhưng nợ nần vẫn là lỗi của bản thân, mọi người không nên đổ lỗi cho thu nhập hoặc yếu tố bên ngoài. Càng lớn mình càng nhận ra, đôi khi tiêu tiền còn quan trọng hơn kiếm tiền, đặc biệt trong trường hợp này”./.
- Gen Z sẵn sàng chi 40 triệu đồng để cải tạo phòng trọ 2 triệu đồng: Nhà đi thuê nhưng cuộc sống là của mình
- Gen Z mới 22 tuổi đã kiếm đến 50 triệu đồng/tháng: Không chạy đua theo công nghệ hay đồ hiệu
- Làm thế nào để Gen Z gia tăng dòng tiền với mức lương 8 triệu đồng/tháng?