ISSN-2815-5823
Duy Khánh
Thứ hai, 10h27 05/08/2024

Được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?

(KDPT) - Ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng trong kết luận công bố ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Vậy tiêu chí của Hoa Kỳ về vấn đề này là như thế nào? Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ có ý nghĩa ra sao?
Được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam? - ảnh 1

Tiêu chí của Hoa Kỳ về nền kinh tế thị trường

Tiến sĩ Lê Thị Vân Nga, Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trong bài viết: "Tiêu chí của Hoa Kỳ về nền kinh tế thị trường và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam" đăng trên Thông tin khoa học số 3/2019 cho biết, theo George Hoff man (2004), kinh tế thị trường là hệ thống mà trong đó các quyết định liên quan đến đầu tư, sản xuất và phân phối được dẫn dắt bởi các dấu hiệu về giá cả do cung và cầu thị trường quyết định. Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế thị trường là sự tồn tại của thị trường các yếu tố đóng vai trò chi phối trong việc phân bổ vốn và các yếu tố sản xuất (Gregory andStuart, Paul and Robert, 2004: 538). 

Theo định nghĩa về nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện đại của Kimberly Amadeo(2018), nền kinh tế thị trường là một hệ thống mà trong đó các quy luật cung và cầu định hướng việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Cung bao gồm tài nguyên thiên nhiên, vốn và lao động. Cầu bao gồm sức mua của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ (Amadeo, 2018). Nhìn chung, kinh tế thị trường là hệ thống kinh tế mà trong đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Các học giả ở Hoa Kỳ cho rằng, nền kinh tế Hoa Kỳ được định hướng bởi cơ chế thị trường tự do, dựa trên cơ sở tự do của cá nhân và tự do của doanh nghiệp. Một đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường ở Hoa Kỳ là cá nhân và doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn hàng hóa và dịch vụ theo sở thích và thị hiếu của họ. Quyết định sản xuất cái gì, sản xuất cho ai với một số nguồn lực hạn chế được giải quyết bởi các lực lượng của thị trường, gọi là cung và cầu về hàng hóa và dịch vụ. Trong nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ, các cá nhân tự do đưa ra những quyết định có trách nhiệm và được cung cấp đầy đủ thông tin, nhà sản xuất có thể tự do tăng khối lượng sản xuất của một loại hàng hóa nào đó, người tiêu dùng có thể tự do mua bất kỳ sản phẩm nào từ nhiều sự lựa chọn và người lao động có thể tự do làm việc với bất kỳ chủ doanh nghiệp nào trong số nhiều doanh nghiệp phù hợp với họ (Economy Watch, 2010).

Luật Thuế quan của Hoa Kỳ năm 1930 quy định, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thể tiến hành điều tra xác định về “kinh tế phi thị trường” đối với bất cứ nước ngoài nào và vào bất cứ thời điểm nào. Đạo luật 19 U.S. Code 1677 của Hoa Kỳ xác định, một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường là quốc gia “không vận hành các nguyên tắc thị trường về cơ cấu chi phí và giá cả, do đó việc mua bán không phản ánh giá trị thật của hàng hóa” (https://www.gpo.gov/fdsys/pkg/USCODE-2010-title19/pdf/USCODE-2010-title19-chap4.pdf).

Theo Đạo luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ, các quốc gia sẽ mặc nhiên được coi là nền kinh tế thị trường, trừ khi Hoa Kỳ chính thức coi quốc gia đó là nền kinh tế phi thị trường. Đối với những quốc gia mà Hoa Kỳ xác định là nền kinh tế phi thị trường, theo quy định tại Phần 773 của Đạo luật Thuế quan năm 1930, trong điều tra chống bán phá giá, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tính toán giá trị thông thường qua các thông số dữ liệu của nước thay thế có nền kinh tế thị trường (https://www.law.cornell.edu/cfr/text/19/351.408). Để được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, chính phủ của quốc gia bị coi là nền kinh tế phi thị trường phải gửi một yêu cầu chính thức để đề nghị Hoa Kỳ rà soát quy chế kinh tế thị trường của quốc gia đó. Việc xác định một quốc gia là có nền kinh tế thị trường, theo pháp luật Hoa Kỳ, dựa trên các tiêu chí sau đây: 1:i) Khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ sang các đồng tiền khác: Các yếu tố được đưa ra đánh giá bao gồm: khả năng chuyển đổi của các tài khoản vãng lai và tài khoản vốn, tỷ giá hối đoái, các xu hướng chính sách ngoại hối. ii) Mức độ tự do thỏa thuận tiền lương giữa người quản lý và người lao động ở (1) quốc gia đó: Tiền công lao động phải đượcxác định trên cơ sở thị trường, tại đó người lao động và người sử dụng lao động được tự do thỏa thuận về các điều khoản và điều kiện thuê mướn lao động. Khi điều tra về tiêu chí này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xem xét cả các yếu tố quyền được tham gia công đoàn của công nhân, tính độc lập trong hoạt động của công đoàn, khả năng tự xây dựng chế độ tiền công của doanh nghiệp, v.v... iii) Mức độ mà các hoạt động liên doanh hoặc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài được cho phép trên lãnh thổ nước sở tại: Một số yếu tố có thể được xem xét như: sự cởi mở của môi trường đầu tư, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, các quy định liên quan đến việc chuyển lợi nhuận về nước. iv) Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất: Đây là một tiêu chí rất quan trọng để Hoa Kỳ xác định nền kinh tế thị trường. Các yếu tố liên quan đến tiêu chí này bao gồm: mức độ cổ phần hóa doanh nghiệp, tỷ lệ các khu vực kinh tế trong nền kinh tế, vai trò và mức độ can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế. v) Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định về giá cả, sản lượng của các doanh nghiệp: Tiêu chí này gắn với các yếu tố: sự tự do về giá cả, tình hình cải cách khu vực ngân hàng, sự tự do tham gia vào hoạt động kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp. vi) Các yếu tố khác mà cơ quan tiến hành điều tra thấy cần thiết: Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng có thể điều tra một số vấn đề khác như: sự tuân thủ các quy định của Luật Chống độc quyền, Luật Chống bán phá giá, v.v… Một nền kinh tế chỉ thực sự được hội nhập vào hệ thống kinh tế thị trường thế giới khi được các quốc gia khác xem xét và công nhận là nền kinh tế thị trường. Hoa Kỳ là quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, vì vậy việc được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Theo Bộ Công thương, kết luận của DOC khi không công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, có nghĩa rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa
Theo Bộ Công thương, kết luận của DOC khi không công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, có nghĩa rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa

Những lợi ích của hai bên 

Ông Murray Hiebert, Giám đốc Nghiên cứu tại Bower Group Asia ở Washington, ủng hộ Mỹ nâng bậc Việt Nam lên nền kinh tế thị trường, và cho rằng “Mỹ nên trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”.

Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cũng ủng hộ quyết định nâng hạng Việt Nam. “Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường từ trước”, Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nhận định. “Họ đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất, như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng cho việc nâng hạng”.

“Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của đất nước này”, ông Osius, người từng là đại sứ Mỹ ở Việt Nam, chia sẻ. Nhiều ông lớn như Apple, Google, Intel đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo đánh giá của SSI Research, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, cho biết trong văn kiện gia nhập WTO những năm 2007, do bối cảnh đàm phán, Việt Nam phải chấp nhận có thể bị coi là kinh tế phi thị trường bởi nước nhập khẩu.

"Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn với các doanh nghiệp", đại diện Cục Phòng vệ Thương mại nói.

Ví dụ khi tính toán biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì dùng dữ liệu do các đơn vị này cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt.

"Chưa kể nhiều khi các nhà sản xuất ở nước thay thế lại chính là đối thủ cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam, họ có thể đưa ra các số liệu gây bất lợi trong các điều tra này", bà Trang giải thích thêm.

Ngoài ra, việc coi Việt Nam là kinh tế phi thị trường cho phép Mỹ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Mỹ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao, được duy trì trong tất cả đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ là người được hưởng lợi, bởi họ sẽ được tiếp cận nguồn hàng hóa Việt Nam chất lượng với mức giá cả phải chăng. Việc này cũng sẽ giúp kích thích sức cạnh tranh của các đối thủ tại thị trường này.

Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước

Khi mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được thắt chặt, tăng cường sự tin cậy, dòng đầu tư, thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được mở rộng. Hoa Kỳ là thị trường rất lớn, hiện mỗi năm chúng ta mới xuất khẩu sang thị trường này vài chục tỷ USD, trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của thị trường này hàng nghìn tỷ USD.

Nếu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ được tăng lên, thì vị thế của Việt Nam cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Ở chiều ngược lại, phía Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi rất nhiều. Vì những ngành hàng mà Hoa Kỳ không có lợi thế cạnh tranh sẽ được thay thế bằng hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi đó, Hoa Kỳ tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng lợi thế của mình, từ đó, thúc đẩy quá trình cải tiến cơ cấu kinh tế của Hoa Kỳ sang một giai đoạn mới cao hơn.

Công nhân sản xuất tại một nhà máy ở Hải Phòng
Công nhân sản xuất tại một nhà máy ở Hải Phòng

Việt Nam cần tiếp tục làm gì để được công nhận có nền kinh tế thị trường

Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá… Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Các bản lập luận mà Bộ Công Thương cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện 6 tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Hoa Kỳ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, thời gian tới, chúng ta tiếp tục phải chuyển đổi, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận và gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đặc biệt, là tiếp tục tăng cường các thông tin, phối hợp giải trình, giải thích, cũng như vận động cộng đồng thế giới.

Đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản... Việt Nam cũng đã tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác, trải rộng khắp các châu lục.

Về việc vừa qua Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, đây không phải thông tin xấu.

Bà Hiền lý giải, Mỹ hiện đang là đối tác lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đóng góp 25% - 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào Mỹ tăng hơn 22% - là đầu kéo quan trọng khi đưa xuất khẩu của Việt Nam lên mức tăng trưởng gần 15%.

"Nếu chưa được công nhận kinh tế thị trường, về tự nhiên thị trường Mỹ vẫn là đầu kéo đối với xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Hơn nữa, nếu được công nhận ở thời điểm hiện nay, chúng ta cũng không thể sản xuất hay xuất khẩu ồ ạt trong một sớm một chiều. Tất nhiên, nếu được công nhận, chúng ta có thêm yếu tố kỳ vọng trong tương lai, bởi quyết định này có tác động dài hạn nhiều hơn ngắn hạn", bà Hiền nhấn mạnh.

(1): (Xem: https://defi nitions.uslegal.com/n/nonmarket-economy-country/Tiêu chí của Hoa Kỳ… 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024