ISSN-2815-5823
THIÊN VÂN
Thứ năm, 16h34 04/01/2024

Dưới thời ông Trịnh Văn Chiến nhiều doanh nghiệp được ưu ái, “ăn nên làm ra”

Cover image
(KDPT) - Trong khoảng 12 năm, bắt đầu từ khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh (tháng 8/2008) cho đến lúc kết thúc nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá (năm 2020), ông Trịnh Văn Chiến luôn có sự ưu ái, quan tâm, tạo điều kiện cho các "doanh nghiệp ruột" phát triển. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã “ăn nên làm ra”, phất lên nhanh chóng một cách "thần tốc" và bất thường, thậm chí vướng vào những sai phạm...
Dưới thời ông Trịnh Văn Chiến nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hoá “ăn nên làm ra”
Hạc Thành Tower là một trong số các dự án nằm ở vị trí đất "vàng" do Công ty Sông Mã làm Chủ đầu tư.

Công ty Sông Mã sở hữu nhiều dự án nằm ở vị trí đất “vàng”

Là người Thanh Hoá chắc hẳn không ai là không biết đến tên tuổi của Công ty Sông Mã, Công ty Sông Mã tiền thân là Công ty TNHH MTV Sông Mã, là doanh nghiệp Nhà nước. Ngày 20/6/2008, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1795 về việc tiến hành cổ phần hóa Công ty Sông Mã. Tiếp đó, ngày 10/7/2008, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2036 về việc thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu, năm 2013, Công ty TNHH MTV Sông Mã thực hiện cổ phần hóa, với số vốn điều lệ 35 tỷ đồng, tương ứng với 3.500.000 cổ phần, phát hành với mệnh giá 10.000 đồng/1 cổ phần. Trong đó, Nhà nước giữ 395.000 cổ phần (chiếm 11,29% vốn), cổ phần ưu đãi cho người lao động là 42.200 cổ phần (chiếm 1,29%), cổ phần bán ra bên ngoài là 3.062.800 cổ phần (chiếm 87,51% vốn).

Trước thời điểm cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Sông Mã có tổng tài sản hơn 462,3 tỷ đồng, sở hữu khoảng 21 ha bất động sản và là chủ đầu tư của nhiều dự án trên địa bàn TP. Thanh Hóa. Điển hình như: Dự án Trung tâm thương mại Bờ Hồ; Dự án Khu dân cư phường Phú Sơn, Nam Cầu Hạc, Đông Thọ, Tân Sơn 1, 2, Hồ Thành Công, Nam Đại lộ Lê Lợi; Dự án Công viên thể thao phường Trường Thi; Dự án khu dân cư Mai Xuân Dương; Dự án Khu dân cư Đông Vệ 1, 2, 3, 4... Trong và sau quá trình cổ phần hóa, Công ty Sông Mã còn là chủ đầu tư của nhiều dự án khác. Cụ thể là: Hạc Thành Tower, khu đô thị Núi Long...

Trong quá trình cổ phần hoá, Tổng công ty Anh Phát đã mua 87,51% vốn của Công ty Sông Mã, trở thành cổ đông lớn nhất và sở hữu công ty này. Tháng 3/2018, Công ty Sông Mã tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này, Tổng công ty Anh Phát đột nhiên thoái toàn bộ vốn tại Công ty Sông Mã, đến tháng 12/2021, Công ty Sông Mã tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Để trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ, sở hữu khối tài sản khổng lồ, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân mình, Công ty Sông Mã còn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có cá nhân ông Trịnh Văn Chiến.

Khách quan mà nói, trước tháng 8/2008 (trước khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá), sự quan tâm của ông Trịnh Văn Chiến đối với Công ty Sông Mã dường như có phần mờ nhạt. Tuy nhiên, sau khi lên giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá sự quan tâm của ông Chiến đối với công ty này có phần rõ nét hơn.

Có lẽ, sự quan tâm đặc biệt nhất mà ông Trịnh Văn Chiến dành cho Công ty Sông Mã là vào năm 2012. Tại thời điểm này, khi đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Chiến đã ký, ban hành Công văn số 5815 cho phép Công ty Sông Mã (Chủ đầu tư cấp I) chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với khu đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp 15 tầng thuộc dự án Hạc Thành Tower cho Công ty Huy Hoàng (Chủ đầu tư cấp II), trong khi, ngày 29/01/2013, UBND tỉnh Thanh Hoá mới ban hành quyết định giao đất cho Công ty này.

Dưới thời ông Trịnh Văn Chiến nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hoá “ăn nên làm ra”
Tổng kho và bến cảng xăng, dầu của Công ty Anh Phát tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Liên quan đến dự án Hạc Thành Tower, cuối tháng 7/2022, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Bá Hùng (56 tuổi, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân) và ông Văn Xuân Hùng (63 tuổi, cựu Trưởng phòng Quản lý công sản giá cả thuộc Sở Tài chính) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Tiếp đó, ngày 5/10/2022, bà Đinh Cẩm Vân, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam cũng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Mới nhất, ông Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Sông Mã cũng vừa bị khởi tố, bắt giam.

Điều tra mở rộng vụ án, chiều 13/8/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành khởi tố bị can và thi hành Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các ông Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Sông Mã và ông Đinh Xuân Hướng, Bí thư Huyện ủy huyện Như Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" quy định tại khoản 3, điều 219 Bộ luật Hình sự.

Công an tỉnh Thanh Hóa xác định: Năm 2013, ông Trịnh Văn Chiến với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp chỉ đạo việc tính tiền sử dụng đất cho Công ty Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower theo đơn giá xác định trước đó 4 năm và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 55,8 tỷ đồng.

Công ty Anh Phát và loạt dự án đình đám ở Khu kinh tế Nghi Sơn

Được thành lập từ năm 2005, từ một doanh nghiệp nhỏ, những năm qua, Tổng công ty đầu tư Xây dựng và Thương Mại Anh Phát - CTCP (Công ty Anh Phát) đã không ngừng lớn mạnh, sở hữu loạt dự án “khủng” phủ khắp xứ Thanh. Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, doanh nghiệp đã và đang đầu tư nhiều dự án đình đám, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Dễ nhận thấy rằng, sự phát triển của Công ty Anh Phát ngẫu nhiên có những nét tương đồng với "đường quan lộ" của cựu Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến.

Theo đó, năm 2010, ông Trịnh Văn Chiến được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cũng trong năm này, để phù hợp quy mô, ngành nghề kinh doanh đa lĩnh vực, Công ty TNHH Anh Phát đã chuyển đổi thành Tổng công ty đầu tư Xây dựng và Thương Mại Anh Phát - CTCP.

Có thể nới, giai đoạn 2010-2020, là giai đoạn phát triển cực thịnh của Công ty Anh Phát. Bên cạnh kinh doanh một số lĩnh vực hiện có, Công ty này còn tham gia vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác, trong đó, nổi bật là khai thác mỏ luyện kim, dịch vụ vận tải biển, dịch vụ cho thuê mặt bằng…

Ngoài việc mở rộng hoạt động kinh doanh, Công ty Anh Phát còn đầu tư, góp vốn liên doanh lập các doanh nghiệp khác như: Công ty Cổ phần Khoáng sản và phụ gia xi măng, Công ty Công nghiệp thủy sản Nam Thanh, Công ty Cổ phần gang thép Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Việt Nam Xanh, Công ty Cổ phần Nông sản và du lịch Thanh Hóa, Nhà hàng Hoàng Nhị Lan, Khu du lịch ẩm thực giải trí số 47 đường Lê Hữu Lập (TP. Thanh Hoá), Công ty Cổ phần Quản lý và khai thác bến xe Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ Nghi Sơn…

Ngoài ra, vào năm 2015, Công ty Anh Phát đã mua lại 87,51% vốn điều lệ (tương đương 30,627 tỷ đồng) của Công ty Sông Mã. Đây là doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án bất động sản nằm ở vị trí đất vàng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Tính đến ngày 28/4/2021, Công ty Anh Phát có số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, gần 8 tháng sau (ngày 21/12/2021), Công ty này tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.

Một số thành viên nổi bật trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của Công ty Anh Phát có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Vận tải biển Goldensea, Công ty Cổ phần Tập đoàn AP, Công ty Cổ phần Môi trường VN Xanh, Công ty Cổ phần Quản lý và khai thác bến xe Thanh Hoá, Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 1, 2 - Công ty TNHH Anh Phát, Công ty Cổ phần Dầu khí Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Anh Phát Petro, Công ty TNHH Nội thất AP, Công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Anh Phát...

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Công ty Anh Phát cũng là chủ đầu tư của loạt dự án như: Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp I tại phường Mai Lâm thực hiện trên diện tích 67 ha, với tổng vốn đầu tư 433,2 tỷ đồng; Dự án Hệ thống cấp nước KKT Nghi Sơn (địa bàn thị xã Nghi Sơn và huyện Nông Cống) trên diện tích 6 ha, với tổng vốn đầu tư 1.119 tỷ đồng; Dự án Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch Long Hải thực hiện trên diện tích 0,47 ha, với tổng vốn đầu tư 74,2 tỷ đồng; Dự án Cung cấp dịch vụ hậu cần tại KKT Nghi Sơn có diện tích 0,9 ha, với tổng vốn đầu tư 23,8 tỷ đồng; Dự án Cửa hàng xăng dầu Anh Phát Petro tại phường Trúc Lâm…

Dưới thời ông Trịnh Văn Chiến nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hoá “ăn nên làm ra”
Tập đoàn FLC là chủ đầu tư của nhiều dự án nghìn tỷ tại Thanh Hoá.

Tập đoàn FLC - Chủ đầu tư của những dự án nghìn tỷ

Dù đầu tư vào Thanh Hoá khá muộn (năm 2014), song những dự án của Tập đoàn FLC lại được cựu Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá quan tâm tạo điều kiện, ưu ái chỉ đạo "quyết liệt" và thần tốc.

Theo tìm hiểu, dưới thời ông Chiến làm Chủ tịch, Bí thư tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn FLC được chấp thuận đầu tư hàng loạt dự án. Có thể kể đến như: Dự án FLC Samson Beach & Golf Resort (FLC Sầm Sơn); Dự án Khu nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hóa; Dự án FLC Sầm Sơn Golf Links; Dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long; Dự án Nhà máy gạch Tuynel FLC; Dự án xây dựng công trình bến thủy nội địa FLC; Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

Tháng 5/2014, Tập đoàn FLC bắt đầu khởi động Dự án FLC Samson Beach & Golf Resort (FLC Sầm Sơn), quần thể nghỉ dưỡng đầu tiên của FLC và cũng là quần thể du lịch 5 sao đầu tiên tại Thanh Hóa. Chỉ sau gần 1 năm, FLC Sầm Sơn đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động. Vào thời điểm khai trương, quần thể cùng lúc được Guinness Việt Nam công nhận hai kỷ lục: “Resort có nhiều bể bơi nhất Việt Nam” và “Resort có bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam”.

Cùng thời điểm này, Tập đoàn FLC tổ chức lễ động thổ thực hiện dự án FLC Sầm Sơn Golf Links nằm tại nơi giao thoa giữa biển và sông Mã, giáp khu du lịch biển Sầm Sơn. Hạng mục trung tâm của đại dự án này là sân golf 18 lỗ có mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện Chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch sân golf trước 11 tháng so với thời điểm Thủ tướng đồng ý bổ sung vào danh mục quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020; Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11 ha đất rừng phòng hộ để FLC thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC dù chưa đủ các điều kiện quy định theo nghị định của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng; Cho phép Chủ đầu tư thi công công trình dù chưa có giấy phép hạng mục khu kỹ thuật sân golf, khu tâm linh...

Tiếp đó, tháng 7/2014, Tập đoàn FLC tiếp tục khởi công dự án Khu nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hóa. FLC Complex Thanh Hóa có diện tích sử dụng đất là 16.022,5 m2, diện tích xây dựng 7.200 m2, nằm tại Lô C4 - C5 thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hoá. Khu đất dự án được tỉnh Thanh Hóa giải phóng mặt bằng, giao cho Chủ đầu tư thực hiện dự án mà không cần phải thông qua đấu giá.

Tháng 9/2015, tại Thanh Hóa, Dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long có diện tích gần 287 ha do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, với số vốn 2.300 tỷ đồng chính thức khởi công. Đây là một trong những công trình được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá lựa chọn khởi công..../.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/05/2024