Phó Chủ tịch TTC Group “than khó” dùng bất động sản làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu
Thông tin được bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC (TTC Group) nêu ra tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp.
Sáng ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Khó dùng bất động sản làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, bà Huỳnh Bích Ngọc nhận định, thời gian qua, sự lãnh đạo quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng cùng các cấp chính quyền với các chính sách kịp thời và hiệu quả đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng mặc dù trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất thường.
Điều này đã thể hiện rõ rệt thông qua các chỉ số kinh tế đang dần lấy lại phong độ như trước đại dịch COVID-19, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai, hướng đến các mục tiêu lớn hơn cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đánh giá buổi gặp gỡ ngày hôm nay giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, khi vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng được khẳng định trong việc cùng chung tay xây dựng nền kinh tế, bà Phó Chủ tịch TTC Group đưa ra một loạt các kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ.
Thứ nhất, từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".
Theo đại diện TTC Group, hiện nay một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. Đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.
Thứ hai, Luật các tổ chức tín dụng có những điều khoản cần xem lại như việc xác định chủ thể quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản trong phát hành trái phiếu, do ngân hàng thương mại không còn được phép thực hiện vai trò này, trong khi Luật Đất đai cho phép tổ chức kinh tế nhận thế chấp, nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành, dẫn tới việc huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó trong việc xác định chủ thể nhận thế chấp.
Đại diện TTC Group kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.
Thứ ba, theo đại diện TTC Group, thị trường vốn nên được xây dựng thành một kênh huy động vốn quan trọng hơn, đặc biệt cần khuyến khích sự đa dạng của các sản phẩm chứng khoán như viễn thông, công nghệ, năng lượng tái tạo và bán lẻ...
TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế, vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư - gia tăng hấp thụ nguồn vốn ngoại cho thị trường vốn Việt Nam, vừa khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuẩn ESG quốc tế hướng đến bền vững.
Đại diện TTC cũng đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách đột phá tạo môi trường cởi mở cho các nhà đầu tư, kiến nghị xác định khu vực có đủ tiềm năng, thế mạnh, sự độc bản như môi trường trong xanh - phát triển được kinh tế xanh; cơ sở hạ tầng tốt - phát triển được kinh tế số; quỹ đất còn nhiều dư địa - quy hoạch bài bản và hiện đại... để thu hút nhiều nhà đầu tư vốn lớn đến và đầu tư….
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.
Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.
Theo ông Thân, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án đường bộ cao tốc và đồng thời nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Một thách thức đặt ra là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".
"Hiệp hội DNNVV Việt Nam mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia", ông Thân nêu.
Mong lực lượng doanh nhân luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến rất hay, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, sát thực tế và mang tính xây dựng.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để trình ban hành thông báo kết luận của hội nghị, nhằm kịp thời xử lý, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, giao các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho đất nước và cho doanh nghiệp, doanh nhân.
“Chúng tôi rất vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành, và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta”, Thủ tướng đánh giá.
Theo Thủ tướng, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Đồng thời, khẳng định, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm thiết thực, kịp thời, cả trước mắt và lâu dài với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, chính đáng. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
"Với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hãy: "Cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển", "cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào"", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cũng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
"Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ./.
- Một doanh nghiệp muốn chia thêm tiền cho cổ đông sau khi chia cổ tức tiền mặt tổng tỷ lệ 268%
- Doanh nghiệp sẵn sàng hủy cọc mua xe xăng, chuyển đổi sang xe điện
- Doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản định hướng tương lai cùng cam kết ESG