ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản định hướng tương lai cùng cam kết ESG

(KDPT) - Các doanh nghiệp bất động sản hiện ngày càng quan tâm đến các loại hình tài sản bền vững và hạn chế tác động đến môi trường.

Cam kết ESG: Chậm mà chắc

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, từ năm 2011-2022, biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại hơn 10 tỷ USD cho Việt Nam và dự đoán mức thiệt hại này sẽ ngày càng tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, cả thế giới đều hướng về kinh tế tuần hoàn. Đây được xem là cách tiếp cận phù hợp, thực tiễn để ứng phó với thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Và việc thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua tiếp cận ESG như là một phương pháp tất yếu mà các doanh nghiệp cần quan tâm. Cam kết ESG sẽ giúp doanh nghiệp có những chiến lược, định hướng, phòng ngừa và quản trị rủi ro môi trường, xã hội và quản trị, giải quyết được các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Mặc dù cam kết ESG ở Việt Nam là đáng khen ngợi, song số liệu từ các báo cáo vẫn cho thấy tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động. Điều này đòi hỏi các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh triển khai ESG trong các doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản định hướng tương lai cùng cam kết ESG - ảnh 1

Nhiều khảo sát cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể là, Báo cáo Triển vọng kinh doanh 2023 của UOB khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực ASEAN và Trung Quốc cho thấy, 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững. 

Cũng trong báo cáo của UOB, Việt Nam cùng với Thái Lan được đánh giá là 2 quốc gia dẫn đầu về áp dụng tính bền vững, với 51% đã bắt đầu thực hành các hoạt động bền vững. Trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC với sự tham gia của 234 doanh nghiệp tại Việt Nam từ tháng 5-8/2022, có đến 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG; 36% đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho đến năm 2024-2025.

Doanh nghiệp bất động sản lấy ESG là định hướng cho các dự án

Theo báo cáo Net Zero Tracker, nhóm cung cấp dữ liệu độc lập chuyên quan sát tiến độ thực hiện cam kết môi trường của các doanh nghiệp, cũng chỉ rõ một nửa trong số hơn 2.000 công ty niêm yết công khai lớn nhất thế giới đều cam kết đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Dựa trên ước tính của Cushman & Wakefield, đến năm 2050 sẽ có 6,6 tỷ mét vuông bất động sản thương mại trên 143 quốc gia. Chi phí để khử carbon trên thị trường bất động sản toàn cầu ước tính vào khoảng 18 nghìn tỷ USD. Hầu hết các tổ chức đang nỗ lực để đạt mục tiêu giảm lượng khí thải, sử dụng các nguồn năng lượng sạch và bù đắp mọi lượng khí thải còn lại.

Đối với các công ty đặt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2030 đã bắt đầu nhận ra rằng chỉ còn vài năm nữa là đến thời hạn.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ không tham gia vào những dự án chưa cam kết ESG. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ không tham gia vào những dự án chưa cam kết ESG. (Ảnh minh họa)

Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba nỗ lực khi thời hạn mục tiêu đến gần, gây áp lực lên nhiều nhà phát triển và chủ sở hữu bất động sản trong việc áp dụng các nguyên tắc ESG để thu hút vốn đầu tư trên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cũng sẽ không tham gia vào những dự án chưa có cam kết và kế hoạch thực hiện ESG.

Thống kê cho thấy hiện có khoảng gần 430 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2. Các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhận ra rằng, việc tăng cường chứng nhận xanh không chỉ là bước đi tích cực hướng tới môi trường bền vững mà còn là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, mặc dù một số ý kiến cho rằng việc quan tâm tới môi trường nhiều hơn có thể gây ra hạn chế đối với tốc độ phát triển, nhưng việc xây dựng đô thị đúng hướng chính là một sự đánh đổi xứng đáng. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển, chủ sở hữu, người dân, ban bộ chiến lược phát huy sức sáng tạo để tạo nên một đô thị đáng sống.

Nhà đầu tư bất động sản phải mang đến các sáng kiến có tác động đến cộng đồng bên trong tòa nhà như không gian cây xanh, công viên, hoặc thư viện. Không chỉ đặt ra và xây dựng tòa nhà theo quy chuẩn, nhà vận hành bất động sản còn cần chú ý đến khâu quản trị và quản lý dài hạn trong việc xây dựng và bảo trì các tòa nhà, tôn trọng cốt lõi đạo đức kinh doanh và tầm nhìn kinh doanh. Bà Trang Bùi nhận định.

Đối với các dự án trong tương lai, cần phải thiết lập mục tiêu ESG ngay từ bây giờ. Doanh nghiệp cần đánh giá hiện trạng, lập kế hoạch chi tiết, đào tạo và nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ và giải pháp sáng tạo, cũng như đo lường và báo cáo kết quả thực hiện ESG.

Đối với các dự án bất động sản đang hiện hữu sẽ là bài toán khó hơn các dự án mới. Việc "tân trang" lại các tòa nhà cũ sẽ là cách ít tốn kém nhất, đồng thời giúp dự án hoạt động thông minh và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cần tiến tới tiêu chuẩn phát triển bền vững SBTi và tìm kiếm chuyên gia để thực hiện ESG cho bất động sản.

Nhìn chung, ESG không chỉ là một xu hướng mà còn là định hướng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024