Theo điều chỉnh của liên Bộ, các mặt hàng xăng tăng, trong khi đó dầu quay đầu giảm giá. Tại kỳ hôm nay, nhà điều hành tiếp tục không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn với xăng dầu. Mức trích lập vào Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng cũng giữ nguyên 300 đồng một lít, kg như cách đây 10 ngày.

Nhà điều hành cho biết, thị trường xăng dầu thế giới tăng, giảm đan xe do chịu ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+; lo ngại trần nợ công của Mỹ; hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Theo đó, bình quân giá thành phẩm xăng thế giới tăng 2,7-3,1%; còn dầu giảm 0,14-2,5%. Chẳng hạn, xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 tăng 2,7% lên mức 87,44 USD; xăng RON 95 cũng tăng lên 92,43 USD một thùng, tương đương 3,1%.

Còn dầu diesel giảm 0,14% về mức 89,06 USD một thùng so với ngày 22/5; dầu hỏa hạ về 87,9 USD một thùng.

Tại phiên thảo luận Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho biết có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới.

Theo đại biểu, cử tri đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của quỹ này. "Cử tri cũng cho rằng Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có những biến động lớn về giá có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế và dự trữ quốc gia", đại biểu nói.