Nhiều khó khăn “bủa vây” thị trường bất động sản

Kể từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản gần như bị tê liệt dưới ảnh hưởng của vấn đề pháp lý và thắt chặt tín dụng. Thậm chí, Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng cho vay nhằm đảm bảo giảm rủi ro về vốn. Môi trường cho vay sẽ nghiêm ngặt và thận trọng hơn với các doanh nghiệp bất động sản.

Đánh giá về sự ảm đạm của thị trường trong thời điểm hiện tại, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing ví sự phát triển của thị trường địa ốc giống như đang chạy trên đường cao tốc và dần chậm lại bởi tín hiệu kiểm tra của cảnh sát giao thông. Do đó, thị trường BĐS đang cần sự hỗ trợ pháp lý rất lớn, rất quan trọng vào lúc này.

Nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng cách đây 10 năm, hiện tại thị trường yếu tố đầu cơ vẫn còn nhiều trong khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa quản lý thật tốt. Đó là nguồn gốc gây khó khăn cho mọi vấn đề.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, Chủ tịch HĐQT GP Invest, ngành xây dựng có liên quan mật thiết tới ngành BĐS, do đó nếu bất động sản ốm thì doanh nghiệp xây dựng còn ốm nặng hơn.

“Từ tháng 6 năm ngoái, khi doanh nghiệp BĐS sa sút nghiêm trọng khiến doanh nghiệp nhà thầu cũng gặp khó chủ yếu từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, trái phiếu đến hạn trả nợ vào năm 2022 - 2023 với một lượng rất lớn. Có những doanh nghiệp mỗi năm ôm đến cả chục dự án lớn với hy vọng có thể phát triển được hết. Đây là bệnh trầm kha của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ nên gánh 40kg thôi mới đủ sức đi đường dài.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng hiện nay vào BĐS đã sụt giảm rất nhiều so với trước đây. Do đó doanh nghiệp sẽ cân nhắc để vay tín dụng, thậm chí còn sợ vay.

Thứ ba, về pháp lý, dự thảo sửa đổi 3 luật (Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014– PV) tới đây không biết sẽ cởi hay trói lại doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi dự báo khó khăn còn kéo dài tới năm 2024” - ông Hiệp nói.

Sự khó khăn của thị trường bất động sản còn được minh chứng qua số doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động trên thị trường. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 2.179 doanh nghiệp, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn là 2.548 (tăng 51,5%) và số doanh nghiệp giải thể là 654 doanh nghiệp giải thể, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động là 1.416, tăng 5% so với cùng kỳ.

Nhiều kỳ vọng dòng vốn vào bất động sản sẽ được cải thiện

Mặc dù thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia của Cushman & Wakefield thấy rằng thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn từ năm 2024-2026.

Mà rõ nét nhất chính là động thái của Chính phủ khi ban hành những cập nhập thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy cho thị trường bất động sản. Tính đến nay, Bộ Xây dựng, tổ công tác của Thủ tướng đã xử lý, giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc cùng kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản trên cả nước.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, lãnh mạnh.

Các chuyên gia Cushman & Wakefield cũng dự báo rằng thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng cho vay nhằm đảm bảo giảm rủi ro về vốn. Tuy nhiên, một môi trường cho vay nghiêm ngặt và thận trọng hơn sẽ tạo được môi trường đầu tư an toàn và lâu dài, hỗ trợ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Từ đó, các chuyên gia tin rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng.

Thực tế, hiện nay, dòng vốn FDI của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào bất động sản, họ quan tâm và cam kết đầu tư ở Việt Nam.

Bên cạnh đó còn có những hoạch định cam kết phát triển cơ sở hạ tầng, điều này cũng thu hút nhà đầu tư. Theo Bộ Giao thông Vận Tải, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới 5.000 km đường cao tốc.

Bên cạnh đó, các tín hiệu cơ sở hạ tầng cũng đang rất tích cực. Đơn cử như sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12,5 nghìn tỷ đồng; khởi công Vành Đai 3 với tổng vốn đầu tư 75 nghìn tỷ đồng; tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31 nghìn tỷ đồng.

Riêng quy hoạch sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ có mức công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, gấp 2,5 lần công suất hiện tại của hàng không Singapore.

Tuy nhiên Cushman & Wakefield nhấn mạnh, để có thêm nhiều hoạt động đầu tư bất động sản, cần có mức độ minh bạch cao hơn, quy hoạch đô thị bài bản hơn, cũng như khung pháp lý vững vàng, nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi quá trình xem xét pháp lý được hoàn thành, kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.