ISSN-2815-5823

Giải quyết bằng hòa giải 5 tranh chấp thương mại gần 1.000 tỷ đồng

(KDPT) – Đây là số liệu được đưa ra tại tọa đàm “VMC – Một năm nhìn lại và một số vấn đề của tương lai”, do Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trung tâm Hòa giải Việt Nam là trung tâm hòa giải đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào ngày 27/4/2019. Với đội ngũ 51 hòa giải viên, trong đó có 38 hòa giải viên Việt Nam và 13 hòa giải viên nước ngoài là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế cũng như được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung cũng như hòa giải thương mại nói riêng, VMC mong muốn rằng sẽ trở thành địa chỉ được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn khi có tranh chấp xảy ra.

“Với việc cung cấp thêm một công cụ giải quyết tranh chấp thương mại, góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, ngoài con đường giải quyết tranh chấp bằng tòa án, trọng tài thì hòa giải chính là phương án giải quyết có lợi cho cả hai bên”, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Giám đốc VMC nói.

Tính tới thời điểm hiện tại, VMC đã nhận được 5 yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại và đáng chú ý cả 5 vụ đều trong lĩnh vực xây dựng với tổng trị giá tranh chấp lên đến 934,5 tỷ đồng. Tuy các tranh chấp có yếu tố phức tạp nhưng với các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế, được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung cũng như hòa giải thương mại nói riêng, đã giúp doanh nghiệp tìm được phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, các vấn đề xảy ra trong ngành xây dựng là rất lớn. Do đó, việc thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam là một vấn đề thiết thực, giúp cho môi trường kinh doanh tốt hơn và xử lý các vấn đề tranh chấp một cách mềm mại hơn. Đặc biệt là, hòa giải thương mại có thể giải quyết được tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nợ đọng hoặc xử lý được rất nhiều vấn đề cụ thể tồn tại trong các doanh nghiệp.

Thêm vào đó các hợp đồng xây dựng vốn rất phức tạp. Nếu có yếu tố quốc tế nữa thì còn phức tạp hơn. “Bên cạnh đó, hợp đồng xây dựng lại nhiều bên tham gia, giá trị lớn và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thời tiết. Thế nên, bất đồng trong xây dựng xảy ra rất nhiều”, ông Phan Trọng Đạt – Phó Giám đốc thường trực VMC cho biết.

Theo các chuyên gia, hòa giải là hình thức được các doanh nghiệp các nước rất ưa chuộng. Còn ở Việt Nam là phương thức rất mới và đã có quy định về công nhận kết quả hòa giải. 5 vụ mà VMC tiếp nhận còn là kết quả khiêm tốn do doanh nghiệp chưa biết nhiều về phương thức này. VMC đang kỳ vọng trong thời gian tới, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của việc hòa giải để tìm đến phương thức này nhiều hơn, thay vì đến tòa án hoặc trọng tài thương mại.

Quang Lộc (congthuong.vn)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 29/09/2024