Thị trường vốn đã hình thành ở Việt nam và vận hành đầy đủ các cấu phần: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh., Quy mô thị trường vốn đã đạt gần 135% GDP, trong đó riêng vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt trên 90% GDP, phấn đấu đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP. Thông qua thị trường vốn, các chủ thể huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

Ở Việt Nam, thị trường vốn có vai trò ngày càng quan trọng và là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Trong thời gian vừa qua, thị trường vốn và thị trường tiền tệ có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn cho Chính phủ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Thị trường tiền tệ duy trì ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện nhiều rủi ro, nhiều khiếm khuyết:

Một là, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng. Đã xuất hiện các cổ phiếu rác, thực chất là không đủ tiêu chuẩn giao dịch niêm yết tại sàn giao dịch, nhưng có cổ phiếu đã được lựa chọn vào chỉ số VN 30 nhiều năm. Một số không ít cổ phiếu kém chất lượng này đã có nhiều chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị phát hiện, không được ngăn chặn. Phần lớn các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư có giá trị đều biết và tránh xa các cổ phiếu rác này, nhưng hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ bị dụ dỗ, lôi kéo, được mời chào và không ít nhà đầu tư đã lao vào giao dịch, điều đó đã giúp một số doanh nghiệp không đàng hoàng này bán giấy thu bộn tiền từ thị trường chứng khoán.

Hai là, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh làm phát sinh nhiều rủi ro. Trên thực tế, không ít nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết đầy đủ về pháp lý, pháp luật trong đầu tư, trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đã có không ít hành vi gian lận khi xác nhận trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng tình trạng tài chính của doanh nghiệp không được lành mạnh, thông tin công bố không đủ tin cậy hoặc mức độ tin cậy thấp, sử dụng vốn vay và mục đích sử dụng vốn vay không đúng với thông tin đã công bố.

Ba là, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong thực tế, đã xảy ra không ít hành vi tiêu cực, không trong sáng, thiếu trách nhiệm và nhiều hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp kinh doanh chứng khoán, nghề nghiệp kiểm toán, thẩm định giá, cung cấp dịch vụ môi giới. Năng lực của một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá còn hạn chế. Một số kiểm toán viên và thẩm định giá viên chưa đủ điều kiện theo tiêu chuẩn hành nghề và không ít trường hợp đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong khi thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật , còn có hiện tượng vi phạm pháp luật

Có rất nhiều nguyên nhân của các hạn chế, của các tồn tại, vướng mắc trên, trong đó có nguyên nhân là thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây (thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020, số lượng tài khoản mở mới trong năm 2021 tương đương cả giai đoạn 2012-2020). Tốc độ phát triển của thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua tương đối nhanh đã phát sinh những vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng thao túng giá cổ phiếu; các vi phạm về gian lận hồ sơ, công bố thông tin không chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã xuất hiện tình trạng sử dụng vốn vay, vốn huy động không đúng mục đích theo phương án phát hành. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân hiểu chưa đầy đủ, chưa rõ ràng về Luật pháp, đặc biệt là pháp luật về đầu tư tài chính và giao dịch trái phiếu, cổ phiếu.

Thực tế đã phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật, trong khi đó các quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe. Các quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh. Điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán đang tương đối thấp. Hơn nữa các hoạt động giám sát từ các cơ quan tư pháp, hành pháp và các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp chưa được tiến hành thường xuyên và chưa thực sự có hiệu quả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vấn đề đặt ra là, phải xây dựng và vận hành thị trường vốn ngày càng minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Yêu cầu cấp bách là phải tăng cường giám sát thị trường chứng khoán. Nhiệm vụ đặt ra là kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định môi trường đầu tư, phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Có rất nhiều tổ chức, bao gồm cả Lập pháp, tư pháp và hành pháp thực hiện chức năng giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán. Để giám sát hoạt động của thị trường vốn, lĩnh vực chứng khoán một cách chặt chẽ, có hiệu quả, cần quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp sau :

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý. Cần rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật như chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và thẩm định giá theo hướng nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán, thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng gắn với niêm yết để nâng cao tính minh bạch của thị trường. Cần khẩn trương rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán. Luật cần có quy định rõ hơn và nâng cao mức xử phạt để tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời tiếp tục xử lý tình trạng tồn tại bất cập liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Nhà nước cần có biện pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước và hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Các cơ quan nhà nước và trực tiếp là Ủy ban chứng khoán nhà nước cần rà soát các quy trình, quy chế liên quan đến hoạt động chứng khoán và hoạt động nghiệp vụ của các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động thông suốt. Rà soát văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành theo thẩm quyền. Các cơ quan dân cử (Quốc hội) cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ Luật pháp về tài chính, về chứng khoán, về thị trường vốn, thị trường chứng khoán, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền của mỗi cơ quan.

Thứ hai, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán thị trường cổ phiếu và tiền tệ để lành mạnh hóa thị trường.

Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, các cơ quan tư pháp, cơ quan dân cử cần tăng cường giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phát hành, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn. Cần tăng cường chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Giám sát việc cấp tín dụng, đầu tư, huy động vốn trong hoạt động ngân hàng và cung cấp dịch vụ trên thị trường vốn của các tổ chức tín dụng. Xây dựng hệ thống cảnh báo từ xa, kịp thời cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý theo quy định, hạn chế xảy ra rủi ro, mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, trong thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Thứ ba, các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên môn và các cơ quan dân cử cần giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá trên thị trường cổ phiếu.

Đối với thị trường cổ phiếu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường, tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Thứ tư. đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh bền vững, thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa.

Thứ năm, thông qua giám sát của các cơ quan chức năng, của các cơ quan dân cử cần chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, tiền tệ, tín dụng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp khuyến khích sự phát triển của nhà đầu tư là tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường. Rà soát hoạt động tự doanh, hoạt động nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường và cung cấp dịch vụ liên quan đến chào bán, phát hành chứng khoán của các công ty chứng khoán.

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, ứng dụng công nghệ mới đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng, góp phần củng cố kết nối liên thông giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ tạo hiệu quả cho sử dụng vốn của nền kinh tế và minh bạch hóa các dòng tiền trên thị trường để giám sát rủi ro.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bài bản, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cơ quan truyền thông, báo chí đảm bảo việc đưa tin phải kịp thời, chính xác, trung thực, công bố các thông tin chính thống về các hành vi vi phạm bị xử lý để tăng tính răn đe nhưng đồng thời cũng phải thông tin chính xác về sự phát triển của thị trường để nhà đầu tư yên tâm và tin tưởng vào chủ trương, đường lối và định hướng phát triển thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ bảy, chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra giám sát đối với các hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm và thẩm định giá…

Thứ tám, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, đề cao vai trò của các tuyến giám sát từ các công ty chứng khoán đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở Giao dịch chứng khoán đối với giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, trong đó có hoạt động tài chính , thị trường tài chính và thị trường chứng khoán. Cần tăng cường và đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát trong hoạt động tài chính , thị trường tài chính, thị trường chứng khoán là cần thiết, xuất phát từ những yêu cầu khách quan và là đòi hỏi của nhân dân , của các nhà đầu tư.

PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH

Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA)