ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ sáu, 11h58 15/03/2024

Giới đầu tư lo ngại Shopee sẽ thua lỗ khi “lún sâu” vào cuộc đối đầu với TikTok Shop

(KDPT) - Giới đầu tư không khỏi lo ngại trước tình trạng Shopee lại thua lỗ khi lún sâu vào hoạt động phát trực tiếp (livestream) để đối đầu với tính năng TikTok Shop của ứng dụng video ngắn.

Các nhà đầu tư đều tỏ ra hài lòng khi Sea - công ty mẹ Shopee công bố dữ liệu kinh doanh quý IV và cả năm 2023 vào tuần trước. Công ty chứng kiến năm đầu tiên có lãi, dù quý IV vẫn đang ngập trong màu đỏ.

Trên Sở giao dịch chứng khoán New York, cổ phiếu của công ty niêm yết đã tăng 17% trong 4 phiên giao dịch kế tiếp sau khi công bố những kết quả đó.

Đa phần phản ứng tích cực nói trên đều liên quan tới những chỉ dẫn của công ty được đưa ra bởi ban lãnh đạo, nhất là liên quan tới triển vọng đối với chi nhánh thương mại điện tử Shopee. Điều này đã khiến nhiều nhà phân tích tăng mức giá mục tiêu cho Sea.

Sea - công ty mẹ Shopee vừa qua đã công bố dữ liệu kinh doanh quý IV và cả năm 2023 khiến các nhà đầu tư đều cảm thấy hài lòng. (Ảnh minh họa)
Sea - công ty mẹ Shopee vừa qua đã công bố dữ liệu kinh doanh quý IV và cả năm 2023 khiến các nhà đầu tư đều cảm thấy hài lòng. (Ảnh minh họa)

Theo đó, ban lãnh đạo kỳ vọng rằng doanh thu của Shopee sẽ tăng trưởng và công ty sẽ giữ được thị phần của mình dù có sự cạnh tranh gay gắt và làm vậy sẽ có lãi.

Theo nhà phân tích Sachin Mittal của DBS Bank, chỉ dẫn này là đáng ngạc nhiên và tích cực. 

Quyết định đưa ra hướng dẫn lạc quan như vậy giúp cải thiện tâm lý và thuyết phục các nhà đầu tư bỏ qua hàng loạt kết quả kinh doanh khác, nhất là tại SeaMoney và Garena, các doanh nghiệp trò chơi và dịch vụ tài chính của tập đoàn.

Từ lâu doanh thu cả năm tại Garena đã trở thành nguồn cung tiền mặt cho tập đoàn, đã giảm 44% so với năm 2022. EBITDA điều chỉnh tại SeaMoney đã đối mặt với đợt giảm quý đầu tiên kể từ quý III/2021. Lý do là vì chi phí bán hàng và tiếp thị cho hoạt động kinh doanh fintech của họ tăng lên gấp đôi so với quý trước đó.

Theo lý giải của Giám đốc điều hành và người sáng lập Sea Group Forrest Li, công ty đang tận dụng doanh số bán hàng tăng theo mùa trong quý IV để thu hút người dùng SeaMoney mới. Điều đó sẽ đem lại lợi nhuận tốt hơn trong dài hạn.

Câu hỏi tỷ đô

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong những năm qua đã chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng doanh thu của Sea. Trong tổng doanh thu của tập đoàn từ năm 2019 đến năm 2023, tỷ trọng của mảng này đã tăng từ 38 lên 69%.

Dù hoạt động kinh doanh vẫn đang thua lỗ, song nếu Shopee ngày càng tăng đóng góp vào tổng doanh thu thì liệu có thể chuyển thành lợi nhuận tương đương hay vượt Garena?

Shopee ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng doanh thu của Sea. (Ảnh minh họa)
Shopee ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng doanh thu của Sea. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Techinasia đánh giá rằng Shopee liệu có thể liên tục đạt được vế “nếu” này hay không là câu hỏi hàng tỷ USD.

Sau kết quả kinh doanh quý II/2023, Sea đã mất 10 tỷ USD giá trị thị trường vào năm ngoái.

Giới đầu tư lo ngại rằng Shopee lại rơi vào thua lỗ khi đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động livestream để đối đầu với TikTok Shop, nhất là ở Indonesia. Điều đó xảy ra sau khi nền tảng này đạt 3 quý liên tiếp lợi nhuận được điều chỉnh khả quan từ quý IV/2022 đến quý II/2023.

Thế nhưng, hai quý cuối năm 2023 đã ghi nhận việc Shopee trở lại với lợi nhuận điều chỉnh âm.

CEO Forrest Li của Sea thừa nhận môi trường cạnh tranh khốc liệt tại Đông Nam Á, song tuyên bố rằng Shopee thực sự đã ghi nhận thị phần gia tăng đáng kể vào năm 2023.

Ông kỳ vọng rằng Shopee sẽ giữ được thị phần của mình vào năm 2024 và thị phần này sẽ được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Thế nhưng, ông cũng nhắc tới việc EBITDA điều chỉnh của Shopee sẽ chuyển biến khả quan trong nửa cuối năm nay. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng GMV sẽ không tác động đến lợi nhuận.

Chắc chắn kết quả hoạt động của Shopee trong quý gần nhất đã khiến nhà đầu tư tin vào ban lãnh đạo. Trong suốt năm 2023, cả doanh thu và tốc độ tăng trưởng GMV đều tăng tốc. Đây là dấu hiệu chỉ ra rằng đến nay, dường như các khoản đầu tư của họ đang đem lại kết quả.

Nền tảng này dù lỗ trong quý IV, nhưng khoản lỗ đã điều chỉnh nên cũng thu hẹp so với quý trước đó.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có thể đã cảm thấy yên tâm trước những câu trả lời của CEO Li trong buổi họp báo cáo kết quả kinh doanh. Tại đó, ông đã trả lời nhiều câu hỏi từ các nhà phân tích.

CEO Forrest Li của Sea kỳ vọng rằng Shopee sẽ giữ được thị phần của mình vào năm 2024. (Ảnh minh họa)
CEO Forrest Li của Sea kỳ vọng rằng Shopee sẽ giữ được thị phần của mình vào năm 2024. (Ảnh minh họa)

Điều đó rất đáng chú ý bởi vị CEO vốn rụt rè trước công chúng thường ít tham gia cùng các nhà phân trong những buổi họp đó. Thông thường, Giám đốc công ty Yanjun Wang đứng đầu thay thế.

Trước câu hỏi về kế hoạch của công ty để đạt được mục tiêu GMV và điều gì khiến ban lãnh đạo tin rằng Shopee có khả năng hòa vốn vào nửa cuối năm 2024, CEO Li trả lời rằng vị trí dẫn đầu rõ ràng của Shopee đem lại cho công ty quy mô kinh tế, cho phép khả năng kiếm tiền tốt hơn, hiệu quả chi phí và năng lực cũng tốt hơn.

Li cho biết ông tin rằng Shopee là nền tảng có giá cạnh tranh nhất và đó là hoạt động quản lý trọng tâm sẽ được tiếp tục.

Chẳng hạn Shopee sẽ có khả năng thỏa thuận tốt hơn một chút với người bán về cách định giá sản phẩm bởi họ có thể bán lượng mặt hàng lớn hơn trên Shopee so với các nền tảng khác.

Li cũng nhấn mạnh về dịch vụ trả hàng tại chỗ mới của nền tảng được ra mắt vào tháng 2, theo đó người mua có thể trả lại sản phẩm bất kỳ thời điểm nào trong quá trình vận chuyển.

Chắc chắn người mua sẽ đánh giá cao mức giá thấp hơn và dịch vụ khác biệt. Thế nhưng, Shopee sẽ cần cẩn thận để không khiến người bán xa lánh trong quá trình đó. Một số người, xưng là người bán đã tỏ ra lo ngại về chính sách hoàn trả mới, cho biết họ nhận được sản phẩm trả lại ở tình trạng kém.

Công ty thương mại điện tử này dù có thể đứng đầu thị trường tại Indonesia hiện tại, song sự liên kết giữa Tokopedia và TikTok Shop sẽ mang tới một giải pháp thay thế hấp dẫn. Thế nhưng, vẫn còn câu hỏi về việc liệu đơn vị này có tuân thủ các quy định của Indonesia đối với các giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên nền tảng hay không.

Việc cho phép trả hàng tại chỗ của Shopee là có thể thực hiện được nhờ dịch vụ hậu cần nội bộ của Shopee Xpress, được giới thiệu lần đầu cách đây 4 năm.

Hoạt động đầu tư vào mảng hậu cần đang là kế hoạch được nhiều ông lớn thị trường thương mại điện tử triển khai. Chẳng hạn, Amazon và Coupang của Hàn Quốc đã rót tiền rất nhiều vào mạng lưới hậu cần của họ.

Li đã giới thiệu những tiến bộ mà công ty đã đạt được khi phát triển mạng lưới hậu cần của mình ở bài phát biểu khai mạc cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh. Vào quý IV/2023, Shopee đã mở 5 trung tâm phân loại mới và 385 trung tâm giao hàng đầu và cuối mới trên khắp các thị trường Châu Á.

Hoạt động đầu tư vào mảng logistics - hậu cần đang được nhiều ông lớn trên thị trường thương mại điện tử triển khai. (Ảnh minh họa)
Hoạt động đầu tư vào mảng logistics - hậu cần đang được nhiều ông lớn trên thị trường thương mại điện tử triển khai. (Ảnh minh họa)

Ông Li cho hay chi phí hậu cần tổng thể cho mỗi đơn hàng trên nền tảng thương mại điện tử tại Châu Á đã sụt giảm 12% so với cùng kỳ trong quý IV, lý do là vì chi phí mạng lưới hậu cần cho mỗi đơn hàng của chính Shopee giảm 20%. Việc giao hàng cũng nhanh hơn, với hơn ½ số đơn đặt hàng từ người mua tại Java, nơi sinh sống của nhiều người dân Indonesia, được giao trong 2 ngày.

Thế nhưng, những cải tiến mà Shopee Xpress đạt được cũng đem lại những vấn đề khác nhau.

Dù có bộ phận hậu cần riêng, nhưng việc duy trì sử dụng các nhà cung cấp bên ngoài của một nền tảng thương mại điện tử sẽ tạo nên xu hướng khuyến khích ưu tiên dịch vụ nội bộ và đây sẽ là điều mà nền tảng Shopee phải cân bằng khi mở rộng thêm.

Thực tế cho thấy hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Indonesia đang điều tra các cáo buộc rằng Shopee tự động hướng dẫn người dùng sử dụng Shopee Xpress và các công ty vận chuyển liên kết khác để thực hiện giao hàng.

Không mua lại cổ phiếu

Các nhà đầu tư của Sea có thể cũng đang thắc mắc việc nhiều công ty công nghệ niêm yết tại Mỹ, gồm cả Grab, tuyên bố mua lại cổ phiếu như một cách để trả lại lượng tiền mặt dư thừa cho các cổ đông.

Sea đưa ra thông báo rằng họ đã kết thúc năm với hơn 8 tỷ USD tiền mặt, các khoản đầu tư ngắn hạn và các chứng khoán tương đối thanh khoản khác như trái phiếu.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng bất kỳ đợt mua lại cổ phiếu nào vào thời điểm này. Trước câu hỏi rằng liệu có ý định phân bổ một phần dự trữ của mình để mua lại cổ phiếu không, giám đốc công ty Wang trả lời rằng công ty cho rằng họ thận trọng trong duy trì số dư tiền mặt dồi dào để nắm bắt các cơ hội trong tương lai nhằm tối đa hóa lợi nhuận dài hạn cho cổ đông.

Trước phản ứng nhiệt tình của thị trường với kết quả kinh doanh của Sea, so với phản ứng im lặng đối với Grab, có thể thấy các nhà đầu tư đang tập trung vào sự tăng trưởng hơn so với thu hồi vốn ở thời điểm hiện tại. Đó là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán phản ứng đáng thất vọng trước kết quả quý IV của Grab. Dự báo, hãng này ghi nhận doanh thu năm 2024 thấp hơn kỳ vọng.

Hiện tại, Sea phải làm đúng theo cam kết của mình. Nhà đầu tư và thị trường luôn luôn thay đổi và yêu cầu khắt khe. Một đợt bán tháo cổ phiếu có thể sẽ xảy ra khiến mọi thành quả đã đạt được trước đó tan biến nếu công ty không đạt được mục tiêu đề ra./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024