Hà Nội chuyển đổi ba tòa nhà khu sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại cuộc họp về tình hình triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, với Dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025.
Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội dự kiến hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026. Còn tòa A4 hoàn thành đầu tư xây dựng chậm nhất trong năm 2027.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng. Mục đích của dự án là hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên và được kỳ vọng sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên.
Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).
Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất rộng 40.000 m2, nằm ngay sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Giải Phóng. Công trình gồm 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6), cao trung bình 17 tầng.
Tuy nhiên, hơn chục năm xây dựng, hiện chỉ có ba tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành. Trong đó, tòa A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, tòa A2, A3 dừng lại ở phần thô.
Năm 2017, Sở Xây dựng đã đề xuất chuyển tòa A2, A3 thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến năm ngoái, UBND TP. Hà Nội lên kế hoạch dành hơn 220 tỷ đồng để thực hiện việc này.
Yêu cầu mới nhất được lãnh đạo Hà Nội đưa ra trong bối cảnh thủ đô ngày càng thiếu nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Hà Nội phải xây 18.700 căn nhà ở xã hội đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Với dự án Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy chậm triển khai nhiều năm, Hà Nội xác định trách nhiệm của nhà đầu tư, không phải do lỗi của cơ quan quản lý.
Vì vậy, thành phố yêu cầu nhà đầu tư tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Đông Anh trong công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, hoàn thành dứt điểm trong năm nay. Nếu sau ngày 15/11, nhà đầu tư không nộp đủ hồ sơ điều chỉnh chủ trương (gia hạn tiến độ), đơn vị này phải thực hiện đầu tư đúng như các nội dung đã được duyệt.
Bên cạnh đó, với dự án Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại 148 Giảng Võ, Hà Nội yêu cầu các sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ thẩm định chấp thuận chủ trương, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Các đơn vị này phải trình UBND thành phố giải quyết để chấp thuận nhà đầu tư trước ngày 15/11.
Tại dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, Hà Nội đề nghị quận Hoàng Mai tập trung cải tạo, sửa chữa toà CT1, CT2, CT3 để hoàn thành trong quý II/2025. Sau đó, công trình này được dùng để bố trí tái định cư cho dự án đường Tam Trinh. Các toà CT4, CT5 sẽ được tiếp tục triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công.
UBND TP.Hà Nội cũng đã giao Văn phòng UBND TP và các sở, ngành TP phối hợp rà soát, tham mưu cho các Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách các lĩnh vực xem xét, thống nhất quan điểm chỉ đạo, thống nhất cách làm để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tính khả thi cho các dự án đầu tư theo lĩnh vực được giao quản lý.
Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành TP, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 5 dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng./.
- Hà Nội họp bàn gỡ vướng cho 5 dự án lớn
- Chủ tịch Hà Nội “chốt” deadline “gỡ vướng” cho loạt dự án bất động sản khủng
- Rót hơn 22.400 tỷ đồng vào loạt dự án, “ông lớn” bất động sản TP.HCM ngậm ngùi báo lãi giảm mạnh