Hà Nội: Độc đáo Lễ khai bút, khai mùa du lịch huyện Thường Tín năm 2025
Trước Lễ khai bút, các lãnh đạo TP. Hà Nội và huyện Thường Tín đã dâng hương tại công trình văn hóa Văn Từ Thượng Phúc để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiên hiền khoa bảng đã có đóng góp to lớn đối với sự phát triển của dân tộc nói chung, mảnh đất Thường Tín danh hương, “trăm nghề” nói riêng.
Mảnh đất Thượng Phúc xưa (Thường Tín ngày nay) nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long là nơi hun đúc khí tốt, hội tụ tinh anh rạng rỡ, sinh ra nhiều bậc hào kiệt, phát tích ra những bậc đại khoa có tiếng tăm lừng lẫy như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên… nhiều gia đình nối đời thi đỗ làm quan, có gia đình nối đời thư hương rạng danh trong sử sách, giúp ích cho cơ nghiệp quốc gia, công lao vẻ vang thiên cổ.

Bia Tiến sĩ Quốc Tử Giám có ghi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh nước mạnh, nguyên khí suy nước yếu”. Trên giá trị đó, các bậc tiền nhân, tiên hiền, văn sĩ huyện Thường Tín luôn chú trọng việc học, coi trọng đạo đức, bồi dưỡng hiền tài, hun đúc, giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, góp phần làm nên tên tuổi huyện Thường Tín - đất văn hiến, đất khoa bảng, đất danh hương.
Ông Bùi Công Thản - Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, Lễ khai bút và sản xuất các làng nghề truyền thống, khai mùa du lịch và trồng cây đầu xuân là hoạt động được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm và được coi là hiệu lệnh, tiếng trống thúc giục toàn thể cán bộ và nhân dân huyện nhà đề cao việc học và thi đua lao động sản xuất, phát triển các nhiệm vụ kinh tế - xã hội để có một năm với nhiều thành công và thắng lợi mới.
Thường Tín là mảnh đất “Trăm nghề ” vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay. Huyện có 50 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội; có 3 điểm du lịch làng nghề, 1 khu du lịch. Ngoài ra, Thường Tín còn có một quần thể di sản văn hóa phong phú với 462 di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật dân gian còn được lưu giữ như: Hát trống quân và các lễ hội truyền thống như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên, Lễ hội chùa Đậu xã Nguyễn Trãi...

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, làng nghề truyền thống, gắn với du lịch làng nghề - du lịch văn hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tri ân các vị Tổ nghề, các bậc tiền nhân đã có công lưu giữ và truyền nghề cho nhân dân; qua đó khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá truyền thống trong đời sống đương đại.
Ông Nguyễn Tiến Minh - Bí thư huyện uỷ Thường Tín cho biết, phát huy những giá trị truyền thống, các cấp ủy và chính quyền huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Thành phố giao về nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đều tăng so với năm 2023 và đạt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 là 1.464 tỷ 946 triệu đồng, đạt 118,93% dự toán giao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt trên 76,49 triệu đồng/người/năm, toàn huyện không còn hộ nghèo./.
- Khám phá lễ hội “Khu vườn trên mây” tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn dịp Tết Ất Tỵ 2025
- Đón Tết Nguyên đán ở Hà Giang trải nghiệm lễ hội độc đáo
- Xây dựng thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên bền vững