Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin đường sắt Cát Linh - Hà Đông lãi "khủng"
Cụ thể, những ngày gần đây, các cơ quan thông tấn, báo chí đăng bài viết, phản ánh thông tin liên quan đến kết quả thực hiện năm 2023 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro - đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông) có lãi tăng vọt.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2023 mới công bố cho thấy, lãi sau thuế của tuyến đường sắt đô thị này đạt hơn 13,1 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần so với năm 2022 và là năm thứ hai liên tiếp công ty có lợi nhuận dương trở lại sau nhiều năm chịu lỗ.
Theo cơ quan hữu trách Hà Nội, mỗi năm Hanoi Metro đang cần đến hơn 500 tỷ đồng để chi cho các hoạt động, tuy nhiên hoạt động kinh doanh thu từ bán vé mới đạt khoảng 70 tỷ đồng (khoảng 14%), số tiền còn lại thành phố phải bù vào theo hình thức trợ giá (chiếm khoảng 85%).
Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Hanoi Metro khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, làm rõ các thông tin đã được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh như đã nêu trên, có báo cáo kết quả về Sở để phối hợp theo dõi (tiến độ xong trước ngày 22/5).
Được biết, trong năm 2024, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 529 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 16,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 13,4 tỷ đồng. Công ty dự kiến phục vụ gần 11 triệu lượt khách với gần 81.577 lượt tàu, doanh thu từ hoạt động bán vé đạt trên 74 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Hanoi Metro sẽ kiện toàn tổ chức và nhân sự để vận hành tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao sẽ được đưa vào khai thác trong năm nay.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài tuyến chính là 13,05 km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa với 12 ga trên cao).
Công trình được thiết kế tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông và ngược lại là 23,63 phút.
Dự án được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/11/2021.