REV-ECIT là sự kiện khoa học thường niên do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông .Chương trình Hội thảo bao gồm các chủ đề bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin. Ngoài các phiên kỹ thuật, diễn đàn “Hạ tầng số - Chìa khóa tăng tốc Chuyển đổi số Việt Nam" là trọng tâm cốt lõi của sự kiện lần này.

Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin.

TS Trần Mạnh Tuấn Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện phát biểu tại diễn đàn.

Tại đây, các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ đều sẽ có bài chia sẻ, trao đổi về thực trạng và cách giải quyết các vấn đề trong việc phát triển hạ tầng số, phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn,TS Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đã duy trì thường xuyên 2 sự kiện khoa học lớn hàng năm, đó là Hội nghị Quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong truyền thông ATC và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin REV-ECIT.

Ông Trần Đức Lai – Nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Đây là các diễn đàn để các nhà khoa học, các viện, học viện, các trường và các cơ sở nghiên cứu về điện tử truyền thông công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu, đào tạo và đóng góp các ý kiến kho học, công nghệ có giá trị cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử viễn thông. Đây cũng là hoạt động mang tính đặc trưng và rất có ý nghĩa của Hội Vô tuyến, Điện tử Việt Nam.

“Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất vui mừng khi nhận thấy Hội nghị REV-ECIT ngày càng có nhiều nhà khoa học, có nhiều viện, trường và các cơ sở nghiên cứu tham gia. 78 báo cáo được chấp nhận trình bày tại hội nghị này là con số rất ấn tượng, rất có ý nghĩa. Chủ đề hội nghị năm nay “Hạ tầng số, chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số” là vấn đề thời sự, thực tế, chứng tỏ Hội luôn đồng hành với Bộ Thông tin và Truyền thông, các hoạt động của Hội bám sát thực tiễn của ngành thông tin truyền thông và ngày càng gắn kết với hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất và dịch vụ", TS Trần Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Hội nghị thu hút rất nhiều đại biểu, diễn giả tham dự.

Tại diễn đàn, TS Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam cho rằng, năm 2022 là năm có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến nền kinh tế, song cũng là năm ngành thông tin và truyền thông đã nỗ lực hết mình nhằm đưa những tiến bộ của KHCN vào lĩnh vực điện tử - viễn thông – công nghệ thông tin. Cùng với đó là những đề xuất và thực thi nhiều quyết sách, giải pháp nhằm phục hồi sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển. Đó là tiếp tục chiến lược "make in Việt Nam", chiến lược xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT – TT số và đặc biệt là chiến lược chuyển đổi số quốc gia như Nghị quyết của Hội nghị BCH TW lần thứ 6, khóa XIII (ngày 17/11/2022) đã chỉ rõ: Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch Hội Tần số - Vô tuyến điện kỳ vọng diễn đàn với sự tham gia của các diễn giả từ các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty, tập đoàn và các Viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong cả nước sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận để tìm ra những giải pháp tối ưu, kiến nghị để phát triển thông tin và truyền thông nói chung và các giải pháp để phục vụ cho phát triển hạ tầng một số nội dung quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói riêng.

Cũng trong phiên Diễn đàn, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã tổ chức vinh danh các Giáo sư, Phó Giáo sư là thành viên của Hội đã được Hội đồng chức danh nhà nước công nhận trong năm 2021 và 2022.


REV-ECIT cũng đã vinh danh các GS, PGS có nhiều đóng góp cho hoạt động phát triển của ngành trong thời gian qua.

Trước đó, chương trình Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT) được chia làm 6 phiên vào buổi sáng 17/12, mỗi phiên đều được chia thành các chủ đề riêng biệt.

Hội nghị REV chính thức được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988, ngay sau khi Hội Vô Tuyến chính thức được thành lập. Hội nghị REV được tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần, và đến năm 1990 Hội nghị REV lần thứ 3 đã chính thức được tổ chức vào mỗi dịp cuối năm.

Không chỉ được tổ chức bởi Hội Vô Tuyến, REV-ECIT còn được đăng cai tổ chức bởi rất nhiều các đơn vị thành viên như Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến Điện