Hải Phòng: Chủ động phòng chống bão, KCN Nam Cầu Kiền đã hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra
Tuy nhiên, trước sự chủ động ứng phó quyết liệt và cẩn trọng, KCN Nam Cầu Kiền đã đảm bảo an toàn tối đa, giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Hải Phòng chịu thiệt hại lớn
Tối 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã kiểm tra đánh giá tình hình phòng, chống và công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại TP. Hải Phòng. Theo báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng, Hải Phòng đã có 2 người tử vong (tại huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên) do bị tường bếp đổ (nhà kiên cố không thuộc diện di dời); 18 người bị thương được sơ cứu tại các trung tâm y tế huyện, quận. Hệ thống công trình đê điều, công trình thuỷ lợi trên địa bàn Thành phố cũng bảo đảm an toàn, không phát sinh sự cố. Tuy nhiên, tình hình thiệt hại tài sản ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.
Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn.
Cùng với đó, nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ.
Sơ bộ thống kê đến thời điểm 12h ngày 8/9, mưa bão làm hư hỏng 528 nhà dân, 128 trường, 13 cơ sở y tế, 104 trụ sở làm việc, 3 trạm điện, 210 trang trại, 367 cột điện, cột chiếu sáng; hơn 6.000 cây bị gãy đổ; 16.735 ha lúa và hoa màu, 48 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tới nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng, hàng trăm công nhân nguy cơ nhỡ việc.
Sáng 9/9, ghi nhận của PV tại Công ty TNHH Wayne (KCN Nhật Bản Hải Phòng), công nhân đến công ty nhưng không thể vào xưởng do nhà xưởng hư hỏng hoàn toàn phần mái.
Tại Công ty TNHH Vina Bigo, nhà xưởng 1.800 m2 như “bãi chiến trường” sau bão. 2 nhà xưởng gần 2.000 m2 khác của công ty này cũng bị hư hỏng nhiều. Trong ngày 9/9, công ty vẫn chưa có điện.
Hiện Công ty Wako&Ueno (KCN VSIP) đã liên hệ các đơn vị sửa chữa nhà xưởng để nhanh chóng khắc phục sự cố, tuy nhiên sớm nhất phải 1 tháng mới có thể khắc phục phần nào. Chi phí sửa chữa theo doanh nghiệp cũng là rất lớn.
Công đoàn Khu kinh tế vẫn đang thống kê thiệt hại từ các đơn vị. Sơ bộ ban đầu, gần 100 doanh nghiệp trong KCN bị thiệt hại do bão số 3, ước tính đến hàng nghìn tỉ đồng.
Chủ động nên giảm tối đa thiệt hại
Theo ghi nhận của phóng viên tại KCN Nam Cầu Kiền, thiệt hại ban đầu được ghi nhận cơ bản là cây cối gãy đổ, các nhà máy trong khu công nghiệp chỉ bị thiệt hại cục bộ, nhưng không lớn, không quá ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
“Chỉ mất 2-3 ngày là các doanh nghiệp trong KCN chúng tôi có thể hoạt động sản xuất bình thường trở lại”, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền chia sẻ.
Như tại công ty TNHH Dongbang Vina chỉ bay vỡ một vài cửa kính và phía mái trên bị bung 1 ít ốc vít. Hay như công ty CP Kim khí Việt bị bung 1 ít bên hông nhà xưởng, tốc 1 ít mái. Đại diện Công ty Gola Lion Webbing Vina thì chỉ bị thiệt hại về cây cối. Công ty TNHH Vanderleun Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều, một số chữ logo bị bay, một số phòng bị nước tràn vào….
Là một trong những doanh nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền ít bị dảnh hưởng bởi bão số 3, ông Lê Đức Oánh, Phó Giám đốc Công ty GGV và Giám đốc Dự án các công trình GGV cho biết: “Tình hình sau bão cho thấy các công trình của công ty đều ổn định, không có thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Shinec, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, KCN Nam Cầu Kiền đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bão nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và tài sản. Dưới sự chỉ đạo sát sao từ Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng, Huyện ủy và UBND huyện Thủy Nguyên, Ban chỉ đạo phòng chống bão của Ban quản lý KCN đã khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống bão.
Thường trực phòng chống báo số 3, ông Hoàng Minh Trọng, Trưởng ban Bảo vệ, phụ trách vấn đề an ninh của KCN Nam Cầu Kiền cho biết: “Khi bắt đầu có thông tin bão sẽ vào biển Đông, toàn bộ lực lượng an ninh, bảo vệ trong KCN Nam Cầu Kiền đã đi đến từng doanh nghiệp trọng KCN để hướng dẫn cách phòng chống bão, gia cố nhà xưởng, mái, chằng chông cây cối. Do vậy, sau cơn bão, ghi nhận thiệt hại tại KCN của chúng tôi không nặng nề”.
Ông Trọng còn cho biết thêm, tại KCN đã không để xảy ra ngập lụt do hệ thống đường cống thoát nước đã được chúng tôi nâng cấp trước đó. Bên cạnh đó, Công ty còn kịp thời phối kết hợp với công ty thuỷ lợi thoát nước khi thuỷ triều xuống nên không gây ngập lụt”.
Còn theo ông Lê Đức Oánh, có ba yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại của doanh nghiệp tại KCN Nam Cầu Kiền khi bão về. “Đầu tiên là chúng tôi đã nhận được thông báo sớm từ Công ty CP Shinec về bão và các yêu cầu về phòng chống bão. Tiếp đó, Tổ phòng chống bão của công ty đã được, phối hợp với chặt chẽ với lực lượng an ninh trọng KCN của chủ đầu tư. Cuối cùng, trong quá trình bão diễn ra, Công ty GGV đã phối hợp chặt chẽ với Shinec để thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình và giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo rằng tất cả các yêu cầu về an toàn được thực hiện đầy đủ”, ông Oánh khẳng định.
Theo thông tin từ Ban quản lý KCN Nam Cầu Kiền, tối đa là chỉ sau 2 ngày nữa, toàn bộ KCN sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo giao thông trong KCN được an toàn, bình thường. Hiện Công ty CP Shinec đã cử cán bộ, nhân viên xuống từng doanh nghiệp để ghi nhận hậu quả và cùng các nhà đầu tư trong KCN khắc phục sự cố để sớm ổn định sản xuất./.
- Dồn toàn lực khắc phục hậu quả bão số 3
- Bộ Công Thương: Xử lý nghiêm các hành vi tăng giá hàng hóa sau cơn bão số 3
- Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đề phòng mưa lớn, lũ quét, sạt lở