ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 04h06 06/11/2021

Hỗ trợ kinh phí đưa lao động 4 tỉnh phía nam quay lại làm việc

(KDPT) – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi Liên đoàn Lao động TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc hỗ trợ người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Để tiếp tục hỗ trợ người lao động, cộng đồng DN thu hút và đón người lao động quay lại làm việc, góp phần sớm khôi phục sản xuất kinh doanh tại DN, phục hồi nền kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, “thích ứng an toàn, linh hoạt”, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các địa phương trên triển khai hỗ trợ đoàn viên và người lao động quay trở lại làm việc.

Người lao động quay lại 4 tỉnh, thành phía Nam làm việc sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, người lao động đã về quê, có nhu cầu quay lại doanh nghiệp làm việc, bao gồm cả người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc đang nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19 theo thỏa thuận của doanh nghiệp về quê và quay trở lại làm việc sau khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Điều kiện nhận hỗ trợ là đoàn viên và người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, có nhu cầu quay lại DN làm việc; bảo đảm quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

DN có đóng kinh phí công đoàn; có từ 5.000 lao động trở lên; sẵn sàng đón, hỗ trợ tiền lương, nơi ở, các nhu cầu thiết yếu khác cho đoàn viên và người lao động.

Hình thức hỗ trợ bằng tiền để công đoàn cơ sở phối hợp với DN tổ chức phương tiện (ô tô, tàu hỏa, máy bay) đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển) tổ chức đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thời gian thực hiện hỗ trợ: Từ ngày 1/11/2021 đến hết 31/12/2021.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố báo cáo tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố, cấp ủy, chuyên môn đồng cấp về chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ công đoàn cơ sở và DN tổ chức đón đoàn viên và người lao động của địa phương quay lại DN lao động, sản xuất; chỉ đạo công đoàn cơ sở rà soát nhu cầu đón đoàn viên và người lao động quay lại làm việc của DN; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng đề xuất cụ thể đón đoàn viên và người lao động quay lại làm việc, gửi công đoàn cấp trên; tổng hợp danh sách và dự toán kinh phí của các công đoàn cơ sở phối hợp với DN tổ chức đón đoàn viên và người lao động của địa phương quay lại DN lao động, sản xuất gửi về Tổng LĐLĐ để xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng vừa yêu cầu các công đoàn phải xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao đồng gồm: Tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động. Trong đó, quan tâm đặc biệt tới đoàn viên, người lao động phải ở trong các khu cách ly, phong tỏa, mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế; đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…

Tổ chức phương tiện đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa đoàn viên, người lao động có nhu cầu và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quê ăn Tết, quay trở lại làm việc bảo đảm an toàn, thuận lợi, chu đáo và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ chức các hoạt động vui Xuân, thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn công đoàn. Trường hợp có nhiều đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết do tình hình COVID-19 hoặc theo yêu cầu phòng, chống dịch thì tổ chức chương trình trực tuyến “Tết không xa nhà” và các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Về nguồn lực để tổ chức thực hiện chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn thực hiện chủ trương xã hội hóa huy động các nguồn lực phục vụ cho kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo các quy định của pháp luật.

Kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại DN, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300.000 đồng/người.

Dịp này, tổ chức công đoàn dự kiến sẽ chi khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động. Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, Tổng LĐLĐ đề nghị công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.

HOÀNG NGA



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/11/2024