Hoà Bình kích cầu du lịch năm 2022
Tham dự Hội nghị có Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch Đinh Ngọc Đức, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam, Phó chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh và các doanh nghiệp du lịch. Về phía tỉnh Hòa Bình có Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Bùi Thị Niềm, đại diện các sở ngành, địa phương trực thuộc, Hiệp hội du lịch tỉnh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh….
Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, trung tâm du lịch quan trọng của cả nước. Tỉnh này có tuyến đường bộ quốc lộ 6 và đường thủy trên sông Đà chảy qua thuận lợi cho phát triển du lịch. Đây còn là một vùng đất cổ, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Hòa Bình được đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, quê hương của Sử thi “Đẻ đất – Đẻ nước”; với hơn 100 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; nhiều lễ hội dân gian các dân tộc.
Năm 2021, Hòa Bình đón 1.478.400 lượt khách nội địa và 48.551 lượt khách quốc tế (là chuyên gia và người nước ngoài đang sống ở Việt Nam). Du lịch ở địa phương của Hòa Bình dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng không dừng quá lâu và hiện nay đã hoạt động khá đều. Có những nơi dịp cuối tuần, nếu khách không đặt trước không có phòng nghỉ.
Lần kích cầu này, Hòa Bình lấy chủ đề “Điểm đến an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” để giới thiệu tới khách du lịch những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, tiêu biểu nhất. Khách đến Hòa Bình phải được đón tiếp, phục vụ chu đáo, thân thiện, tuyệt đối an toàn.
Thực hiện việc phát triển kinh tế xã hội với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và mở cửa du lịch từ 15.3, Hòa Bình đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón khách nội địa và quốc tế. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Toàn đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành, các thành viên Ban chỉ đạo du lịch của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai sâu rộng có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 44/ KH-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình về kích cầu du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Hòa Bình được chọn để đăng cai môn xe đạp tại SEA Games 31 với các nội dung đường trường và địa hình. Để các vận động viên có điều kiện thi đấu tốt nhất, chúng tôi đã triển khai nâng cấp, sửa chữa đường đua xe đạp địa hình. Chúng tôi xác định, đây là dịp để Hòa Bình đón lượng khách lớn và là cơ hội để phục hồi du lịch. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung quảng bá rộng rãi, thực hiện nhiều giải pháp để đón du khách, thu hút các nhà đầu tư du lịch”.
Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Toàn kêu gọi các doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng việc giảm giá hoặc giữ giá, tăng chất lượng, tăng dịch vụ; đảm bảo vệ sinh môi trường; cảnh quan đẹp để đón khách. Đồng thời đề nghị các cơ quan ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển và khách du lịch yên tâm khi tới Hòa Bình.
Nhằm khôi phục và đẩy mạnh thị trường du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với thông điệp “Hòa Bình, điểm đến du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”, chương trình kích cầu du lịch là cơ hội để gắn kết các hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao của tỉnh, quảng bá điểm đến Hòa Bình, thu hút khách du lịch. Các hoạt động trong chương trình được tổ chức trong suốt năm 2022 và phải phù hợp với loại hình sản phẩm tại mỗi địa phương.
Thời gian gần đây, Du lịch tỉnh Hòa Bình có nhiều khởi sắc. Một số khu, điểm du lịch mới, chất lượng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh bởi những sản phẩm đa dạng, chất lượng, độc đáo, hấp dẫn và mang đậm bản sắc văn hoá riêng có của Hoà Bình. Trong đó có các điểm du lịch tiêu biểu như: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong; Khu nghỉ dưỡng Du lịch sinh thái Ivory tại Lương Sơn; Khu nghỉ dưỡng Serena Ressort tại Kim Bôi và các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bakhan Villa Resort, Mai Châu Hideaway trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình; Avana Retreat trên địa bàn Mai Châu…
3 tháng đầu năm 2022, Hòa Bình đã đón 900.000 lượt khách, đạt doanh thu 950 tỉ đồng, đạt 37% kế hoạch năm. Năm 2022, Hòa Bình thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh và phấn đấu mục tiêu năm 2022 đón 2.500.000 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 100 nghìn lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 2.400 tỉ đồng. Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Bùi Thị Niềm cho biết: “Theo Kế hoạch, Sở VHTTDL sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức các sự kiện về văn hóa, du lịch, thể thao trên địa bàn để tạo thành chuỗi các sự kiện thu hút khách du lịch như: Chương trình trải nghiệm bay dù lượn, phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình, phiên chợ vùng cao Mai Châu, chương trình “Mùa hè xanh trên Khu Du lịch Hồ Hòa Bình” tại Tân Lạc, hành trình du lịch tâm linh tại Lạc Thủy…
Đồng thời tham gia các sự kiện, hoạt động văn hóa du lịch ở ngoài tỉnh để quảng bá văn hóa du lịch Hòa Bình cho du khách trong nước và quốc tế, tổ chức đoàn famtrip và presstrip đến tỉnh Hòa Bình để xây dựng và giới thiệu sản phẩm du lịch, tham gia các sự kiện du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với TP.HCM và Hà Nội nhằm liên kết hợp tác quảng bá, xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Hòa Bình trong việc vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra, nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch giai đoạn mới, nhất là khi các hoạt động du lịch quốc tế và nội địa đã được mở cửa lại, ông Nguyễn Lê Phúc đề nghị địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, với quyết tâm cao.
Trong đó, Hòa Bình và các doanh nghiệp du lịch cần đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch, quán triệt triển khai thực hiện tốt những hướng dẫn về đảm bảo du lịch an toàn, có phương án xử lý sự cố, hỗ trợ du khách đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch Hòa Bình. Bên cạnh các giải pháp kích cầu thông qua ưu đãi, khuyến mại, du lịch Hòa Bình cần duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, trên cơ sở phát huy tính độc đáo, đặc trưng sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái, đặc biệt là đáp ứng thị hiếu của du khách hậu Covid-19.
Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn vượt qua khó khăn, kịp thời khôi phục các hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch như các chương trình khảo sát, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch giữa Hòa Bình với các địa phương khác; kêu gọi liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp. Phối hợp vói Tổng cục Du lịch và các địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá tập trung vào các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Lê Phúc cũng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp du lịch, tạo điều kiện kinh doanh du lịch thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phục hồi lượng khách du lịch ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển điểm đến thông minh, thúc đẩy quảng bá, xúc tiến trên các nên tảng số, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho du khách tiếp cận điểm đến, sử dụng dịch vụ và trải nghiệm trọn vẹn khi đi du lịch.
Thông qua Chương trình kết nối doanh nghiệp du lịch, kích cầu du lịch Hòa Bình, ông Nguyễn Lê Phúc mong rằng doanh nghiệp lữ hành, du lịch sẽ kết nối, giao lưu, hợp tác, ký kết nhiều hợp đồng kinh doanh và triển khai mạnh mẽ các gói sản phẩm kích cầu của Hòa Bình; đồng thời đưa ra các dịch vụ, sản phẩm mới lạ, hấp dẫn thu hút lượng lớn du khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch đã cam kết thực hiện các chương trình kích cầu với với việc giảm giá và tăng các trải nghiệm dịch vụ, đảm bảo chất lượng. Trong đó, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Cao Phong cam kết giảm 20%, giữ nguyên chất lượng dịch vụ, miễn phí dịch vụ thuyết minh. Khách sạn So Jo Hòa Bình- một trong những khách sạn trong hệ thống khách sạn không chạm đầu tiên ở Việt Nam- với thiết kế lấy cảm hứng từ Nhà nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng cam kết giảm 20% dịch vụ lưu trú, 15% dịch vụ ăn uống, phục vụ du khách bằng dịch vụ độc, lạ, đầy phong cách. Các đơn vị du lịch khác như: khách sạn Sakura giảm 30-50% dịch vụ lưu trú, 10% dịch vụ ăn uống, 50-100% một số dịch vụ khác; Avana Retreat giảm 15- 30% đối với dịch vụ đặt phòng từ 2-3 đêm trở lên…
Ngay sau Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp du lịch, cơ quan báo chí đã đi khảo sát một số điểm du lịch của tỉnh Hòa Bình: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong); điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến; động Nam Sơn, hang Núi Kiến, nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê, chùa Tiên, resort Làng Sỏi (huyện Lạc Thủy)…
TRÀ MY