Hòa Phát có thể đầu tư 10.000 tỷ đồng sản xuất ray đường sắt

Hội nghị đã nghe các phát biểu của các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cả nước, chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng, các sáng kiến, cách làm mới, thể hiện tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, các đề xuất táo bạo giải quyết những bài toán lớn của quốc gia.
Các đại biểu đã phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp tư nhân tiên phong thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là tham gia đầu tư, thực hiện, các dự án quan trọng, dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoáng sản thiết yếu, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế thì Hòa Phát cũng như vậy. Ông nói: "Chúng tôi cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%", đồng thời cho hay, hiện Việt Nam có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Trong đó, Thạch Khê (Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với quy mô khoảng 500 triệu tấn.
Hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%. Vị tỷ phú kiến nghị, cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Ông Long cho biết, trong kế hoạch năm 2025-2030, vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Hòa Phát sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng làm nhà máy sản xuất ray đường sắt.
"Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có 1 văn bản như một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án", ông Long nói và cam kết cung cấp đủ 10 triệu tấn thép chất lượng, giá thấp hơn giá nhập khẩu cho Tổng công ty đường sắt để làm dự án.
Về phía CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương cho biết sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.
“Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm”, ông Dương nói.

Vị doanh nhân sinh năm 1960 cũng bày tỏ hy vọng về mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ và đã thành công tại Campuchia, Lào của Thaco được khởi động trong tháng 9 năm nay với quy mô khoảng 700ha, sẽ giúp Việt Nam trở thành nước sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thương hiệu và cạnh tranh được với các đối thủ có nền nông nghiệp phát triển.
Về logistics, lãnh đạo Thaco cho biết doanh nghiệp đã thành công với cảng 50.000 tấn chuyên dụng về container, đồng thời có kết nối với Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên; hai tàu có trọng tải 1.800 TEU để kết nối từ Chu Lai đi thẳng qua Thượng Hải (Trung Quốc), từ đó đi châu Âu, Mỹ, đi Đông Bắc Á. Chi phí logistics tại miền Trung sẽ tương đương với 2 miền Nam - Bắc./.
- VIB - Ngân hàng dẫn đầu về đổi mới trong lĩnh vực thẻ tín dụng năm 2024
- Him Lam bất ngờ trả lại gần 1.000 m2 “đất vàng” cho Hà Nội
- Tỷ phú Trần Bá Dương hứa với Thủ tướng sẽ sản xuất tại chỗ để giảm giá tàu đường sắt tốc độ cao