Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục trong năm 2025
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đại hội sẽ được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 17/04/2025 tại Hội trường lớn Grand Ballroom, tầng 1, Khách sạn Melia Hanoi, số 44B Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 12.020 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 10.950 tỷ đồng.
Hội đồng Quản trị dự kiến trình cổ đông phương án chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20% (bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu). Nguồn chi trả cổ tức sẽ được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, và thời gian thực hiện sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Với gần 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát dự kiến chi khoảng 3.198 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt.
Trong năm 2025, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21% so với doanh thu thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay của Hòa Phát.
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2025 dự kiến đạt 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2024. Tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2025 cũng là 20%.
Tập đoàn Hòa Phát cũng đã thống nhất trình Đại hội đồng cổ đông thông qua một số nội dung quan trọng khác, bao gồm: mức chi trả thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; sửa đổi, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh; điều chỉnh một số nội dung trong Điều lệ Công ty; lựa chọn đơn vị kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên và kiểm toán báo cáo tài chính năm cho giai đoạn 2025-2027; và thông qua báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm 2024.

Vào tháng 2 vừa qua, Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã chia sẻ rằng, Tập đoàn cam kết đạt mức tăng trưởng 15% mỗi năm, nhằm hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước trong giai đoạn 2025-2030.
Theo ông Trần Đình Long, Hòa Phát đã đầu tư 7 tỷ USD vào Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi, với trọng điểm là các dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 171 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh, với năng lực hiện có, Tập đoàn đang tập trung vào sản xuất các loại thép chất lượng cao, nhằm thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin có đủ năng lực nghiên cứu và sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI trước đó đã đưa ra dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát cho năm 2025 lần lượt đạt 160.900 tỷ đồng và 15.300 tỷ đồng, tương ứng tăng 15,9% và 28% so với cùng kỳ. Các yếu tố thúc đẩy chính bao gồm việc đẩy mạnh đầu tư công, sự phục hồi của thị trường bất động sản, cùng với sản lượng thép tăng từ Dung Quất 2 – Giai đoạn 1, dự kiến đi vào hoạt động từ Q1/2025. Ngoài ra, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đóng góp vào dự báo này.
Đội ngũ phân tích kỳ vọng giá bán bình quân của thép xây dựng và HRC sẽ giảm lần lượt -2% và -7% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2025, khi công ty có khả năng giảm giá để kích cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ cải thiện từ 13,3% trong năm 2024 lên 15,2% trong năm 2025 nhờ vào mức tiêu thụ thép cao hơn.
Dự báo nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 sẽ tăng 10%, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản trong năm 2024, với số lượng căn hộ mới ra mắt dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy đầu tư công trong nhiệm kỳ 2025 sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ thép.
Triển vọng nhu cầu thép trong nước được củng cố bởi kỳ vọng vào sự phục hồi bền vững của thị trường bất động sản trong 2-3 năm tới, với các dự án hạ tầng lớn như đường cao tốc, sân bay, cảng biển và đường sắt đang được triển khai mạnh mẽ.
Sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát được dự báo sẽ tăng mạnh nhờ vào việc mở rộng nhà máy Dung Quất, dù giá cả có thể cạnh tranh hơn. Lò đầu tiên trong dự án mở rộng nhà máy Dung Quất đã được lắp đặt vào tháng 12/2024 và sẽ bắt đầu thử nghiệm trong Q1/2025.
SSI Research kỳ vọng dự án mở rộng này sẽ giúp sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 5 triệu tấn trong năm 2025, với giả định rằng Việt Nam sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ trong nửa đầu năm 2025. Hiện tại, HRC nhập khẩu chiếm từ 70-80% sản lượng HRC của Việt Nam.
Trong năm 2025, thị trường chính của HRC dự kiến sẽ là thị trường nội địa, khi xuất khẩu giảm 23% so với cùng kỳ năm 2024, do cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc và áp lực từ các biện pháp thương mại tại các thị trường xuất khẩu chính như Châu Âu./.
- Hòa Phát có thể đầu tư 10.000 tỷ đồng sản xuất ray đường sắt
- Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vừa lập kỷ lục nộp ngân sách đang kinh doanh ra sao?