ISSN-2815-5823

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý góp phần phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh

(KDPT) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các ngân hàng và doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

Ban hành Danh mục xanh là vấn đề cấp bách

Tại hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách" diễn ra sáng ngày 3/4, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho hay, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư. (Ảnh: Vũ Quang)
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư. (Ảnh: Vũ Quang)

Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, theo ước tính của ADB khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm.  Trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh trong những năm gần đây.

Riêng khu vực ASEAN + 3, theo báo cáo của ADB, thị trường trái phiếu bền vững đạt quy mô gần 800 tỷ USD năm 2023, gấp hơn 7 lần so với 2017. Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Cũng theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng và doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

Danh mục phân loại xanh là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường.

Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh, trình Chính phủ ban hành trước 31/12/2022. Tuy nhiên, tới nay bộ tiêu chí này vẫn chưa được ban hành.

Các đại biểu tại hội nghị cho rằng, chưa ban hành danh mục phân loại xanh là một trong những điểm nghẽn chính đối với phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Tuy nhiên, đây là công việc không dễ dàng, bởi khối lượng thông tin phải xử lý rất lớn, đồng thời các quy tắc phải vừa rõ ràng, dễ tiếp cận để mang tính khuyến khích, vừa đủ chặt chẽ để tránh “tẩy xanh”.

Giải pháp để tài chính xanh được phát triển

Để phát triển tài chính xanh tốt hơn, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV thì Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. (Ảnh: BTC)
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. (Ảnh: BTC)

Theo đó, nên có những nhóm giải pháp sau đây. Một là, hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biển đổi khí hậu...

Trong đó, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trước (như năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch...). Có thể tham khảo chiến lược/mô hình 5Is của Malaysia đồng thời lưu ý có các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, báo cáo bền vững và giám sát doanh nghiệp theo các tiêu chí tài chính xanh… Khi đó, các bộ, ngành liên quan cần ban hành sổ tay, quy trình triển khai phù hợp.

Hai là, có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh như nêu trên. Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh (tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc); nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Khoa học công nghệ.

Ba là, Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…; cập nhật các tiêu chí trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế (ít nhất là tiêu chuẩn ASEAN). Đồng thời, cần có thêm hướng dẫn trong trường hợp nếu dự án hoặc hạng mục dự án không đảm bảo được tính xanh sau mỗi kỳ đánh giá như cách thức xử lý, khắc phục vi phạm, công bố thông tin về vi phạm, xét duyệt lại sau khi hoàn thiện khắc phục…

Bốn là, cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu mẫu (công bố thông tin trước phát hành, công bố thông tin định kỳ, báo cáo…) về việc hướng dẫn hoạt động phát hành trái phiếu xanh trong nước và quốc tế làm cơ sở để các đơn vị tham gia thống nhất thực hiện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm là, quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, thị trường quỹ và thị trường phái sinh nhằm: Giảm tải phụ thuộc vốn trung dài hạn vào hệ thống ngân hàng, tạo lập hệ sinh thái về huy động vốn và phân bổ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Sáu là, Chính phủ, các bộ ngành có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh.

Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững, xây dựng văn hóa xanh, chủ động lập báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường - xã hội và ESG…

Hội thảo cũng dịp nêu lên các ý kiến, tham luận, thảo luận đến từ các các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp, ngân hàng, đại diện ban soạn thảo, cơ quan quản lý Nhà nước đến vấn đề chuyển đổi xanh, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh hiện nay./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/10/2024