ISSN-2815-5823
Hoài Phong
Thứ năm, 13h28 04/04/2024

Hồi chuông cảnh báo về an ninh mạng ngân hàng từ các vụ mất tiền

(KDPT) - Các vụ việc mất tiền trong ngân hàng thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về an ninh mạng trong lĩnh vực ngân hàng.

Muôn hình vạn trạng việc “mất tiền” trong ngân hàng

Thời gian qua, có không ít "xôn xao" trong vấn đề mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt, bị hacker tấn công tài khoản và đánh cắp…

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết cũng là nạn nhân của việc tiền trong tài khoản ngân hàng bỗng nhiên "bốc hơi". Hiện ông đang làm việc với cơ quan chức năng và ngân hàng để làm rõ nguyên nhân sự việc. TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, các vụ việc mất tiền trong ngân hàng ngày càng tăng có thể do tội phạm công nghệ cao ngày càng phát triển, đồng thời quy trình, hệ thống của ngân hàng cũng có những lỗ hổng.

“Bản thân tôi cũng từng bị mất tiền, gần 500 triệu đồng trong tài khoản. Tôi đang chờ kết quả điều tra từ phía cơ quan công an", ông Hiếu nói.

Liên tục các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng
Liên tục các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng

Theo các chuyên gia, đi kèm với sự phát triển của kinh tế số, nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp tài sản sẽ ngày càng gia tăng. Việc các vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng “dậy sóng” cũng là thách thức không nhỏ đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, các vụ việc mất tiền trong ngân hàng thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về an ninh mạng trong lĩnh vực ngân hàng. Sự việc này không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng mà còn gián tiếp làm suy giảm niềm tin của người dân vào ngân hàng.

“Sự mất lòng tin vào ngân hàng là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến việc rút tiền hàng loạt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung”, ông Hà nêu.

Vị luật sư cũng nhấn mạnh, việc suy giảm niềm tin có thể dẫn đến sự thận trọng của người dân trong việc chi tiêu và tiết kiệm, kéo theo sự sụt giảm trong tiêu dùng và sản xuất. Chưa kể, khách hàng có thể chuyển sang sử dụng tiền mặt hoặc các phương thức thanh toán thay thế, làm chậm lại sự phát triển của quá trình chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Cũng theo luật sư Hà, nếu khách hàng mất niềm tin còn có thể tạo ra sự hoài nghi đối với các tổ chức tài chính khác, như bảo hiểm và chứng khoán, tác động xấu đến nền kinh tế.

Luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng nêu quan điểm, việc khách hàng mất tiền trong tài khoản ngân hàng diễn ra nhiều trong thời gian qua phản ánh lỗ hổng lớn trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng đối với các ngân hàng. Trong đó, có những vụ việc cho thấy đạo đức của một bộ phận cán bộ ngân hàng xuống cấp, lợi dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tiền, bà Khuyên nêu và cho biết điều này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Ngân hàng có vô can?

Luật sư Hà Thị Khuyên cho hay, theo quy định pháp luật, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản, do khách hàng và ngân hàng xác lập. Việc này được quy định tại Điều 559 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, bên giữ tài sản có trách nhiệm bảo quản và trả lại tài sản đó cho bên gửi khi kết thúc hợp đồng, còn bên gửi phải trả thù lao cho bên giữ (trừ khi không yêu cầu). Cũng theo luật này, ngân hàng phải thông báo bằng văn bản cho bên gửi tiền biết về nguy cơ hư hỏng của tài sản đó. Ngân hàng cũng phải bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng tài sản của người gửi, trừ trường hợp bất khả kháng.

Thêm nữa, cũng theo bà Khuyên, Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng phải bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật; tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền; chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của ngân hàng.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật sư Khuyên nhấn mạnh, trong thời gian thực hiện hợp đồng giữa khách hàng và ngân hàng, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của người gửi thì phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm và bồi thường hợp lý.

Luật sư này phân tích thêm, việc nhân viên ngân hàng là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách thì ngân hàng là bên phải trình báo công an, vì ngân hàng đang quản lý tài sản. Khi đó ngân hàng được coi là bị hại trong vụ án hình sự. Trường hợp ngân hàng thoái thác trách nhiệm, không bồi thường thì khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Để hạn chế rủi ro mất tiền, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, khách hàng cần phải nâng cao nhận thức cũng như biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân. Việc kiểm tra định kỳ các báo cáo tài chính và giao dịch cũng giúp phát hiện sớm bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào.

Đối với ngân hàng, ông Hà cho rằng, cần thiết phải đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống an ninh mạng và cập nhật thường xuyên. Ngân hàng cũng phải có chính sách rõ ràng về bảo vệ khách hàng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Các chuyên gia cho rằng ngân hàng cần phải có trách nhiệm đối với tiền gửi khách hàng
Các chuyên gia cho rằng ngân hàng cần phải có trách nhiệm đối với tiền gửi khách hàng

Ở góc độ cơ quan quản lý, luật sư Hà nhấn mạnh, cần tăng cường giám sát các tổ chức tài chính, ngân hàng, liên tục hoàn thiện hàng lang pháp lý để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kỹ thuật số; tích cực phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.

“Việc hợp tác giữa khách hàng, ngân hàng và cơ quan quản lý là chìa khóa để tạo ra một hệ thống tài chính an toàn và bền vững. Chỉ khi các bên cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản của mình trước những đe dọa từ không gian mạng”, ông Hà nêu.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, có câu chuyện tiền trong tài khoản bị mất, cũng như những vi phạm do cá nhân, tập thể, ngân hàng. Tuy nhiên, điều này diễn ra ở một số tổ chức, đơn vị, ở phòng giao dịch, thậm chí thông đồng giữa những cá nhân, chứ không phải lỗi hệ thống của ngành ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

“Mỗi vụ việc đều được Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm chung và chỉ đạo xử lý. Những quy định liên quan đến mở tài khoản, chuyển tiền, trách nhiệm của người mở tài khoản và ngân hàng… cũng khá đầy đủ”, ông Tú nói.

Dù vậy, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rằng, việc thực thi các quy định là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Theo đó, cần rà soát để xem các ngân hàng đã thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước chưa. 

“Quyền lợi chính đáng của khách hàng phải được bảo vệ, nếu khách hàng thực hiện đúng các quy định”, ông Tú nói./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024