TS. Lê Xuân Thảo – Phó chủ tịch Thường trực Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) chủ trì tọa đàm.

TS.Lê Xuân Thảo cho biết, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã trải qua 30 năm (1989 – 2019) với 15 lần tổ chức (2 năm/1lần) với mục đích đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Hội thi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt ngày 14 tháng 7 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg về tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong cả nước. Hội thi sáng tạo kỹ thuật được tổ chức ở 2 cấp: cấp toàn quốc và cấp Bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Hội thi, Ban Thư ký Hội thi, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan đã khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2007/TT-BTC ngày 21/5/2007 “Hướng dẫn chế độ tài chính cho hoạt động Hội thi sáng tạo kỹ thuật” và đến năm 2018 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 27/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 “Quy định chế độ tài chính cho hoạt động Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” thay cho Thông tư 52/2007/TT-BTC nói trên.

Triển khai Quyết định 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Ban Tổ chức Hội thi, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố và Bộ, ngành đã thành lập Ban Tổ chức Hội thi và đã triển khai rất tích cực.

Nhìn lại 30 năm tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc cho thấy phong trào hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong cả nước ngày càng sâu rộng. Số lượng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi ngày càng tăng lên. Số lượng các giải pháp kỹ thuật tham dự thi tăng đáng kể, chất lượng ngày một tốt hơn. Đối tượng dự thi cũng ngày càng phong phú, từ các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật đến các thành phần nông dân, công nhân cũng có giải pháp dự thi và đạt được giải cao. Từ năm 2006 đến nay số lượng giải pháp tăng đột biến là do tổ chức Hội thi theo Quyết định 165 của Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức giải tại địa phương, bộ, ngành và chọn lựa để gửi tham dự Hội thi toàn quốc. Hàng nghìn giải pháp ở cơ sở đã được gửi đến dự thi.

Trong 30 năm qua đã có khoảng 7.000 giải pháp dự thi và gần 1.000 giải pháp được trao giải. Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao.

Năm 2021, Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc đã ký Quyết định trao giải thưởng cho 84 giải pháp bao gồm: 5 Giải Nhất : Giải thưởng gồm có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ban Tổ chức, Bằng Lao động Sáng tạo, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và tiền thưởng trị giá : 60 triệu đồng; 11 giải Nhì : Giải thưởng gồm có Bằng khen của Ban Tổ chức, Bằng Lao động Sáng tạo, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và tiền thưởng trị giá : 40 triệu đồng; 23 giải Ba : Giải thưởng gồm có Bằng khen của Ban Tổ chức, Bằng Lao động Sáng tạo, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và tiền thưởng trị giá : 20 triệu đồng; 45 giải Khuyến khích : Giải thưởng gồm có Bằng khen của Ban Tổ chức và tiền thưởng trị giá : 10 triệu đồng.

Trong số 52 tỉnh, thành phố tham dự Hội thi có 36 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có giải. Các tỉnh đoạt nhiều giải là: tỉnh Phú Thọ (5), tỉnh Bình phước (4), TP Hồ Chí Minh (4), Bà Rịa- Vũng Tàu (4), tỉnh Bắc Giang (3), tỉnh bạc Liêu (3), TP Đà Nẵng (4), Bộ Quốc phòng (5).

Lễ Tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 – 2021) sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào 19h30 ngày 11/5/2022.

HÀ THU