ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ hai, 13h47 04/09/2023

Hơn 30% hộ dân chịu ảnh hưởng do giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao

(KDPT) - Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư do Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 8 tháng năm 2023, tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống được các hộ gia đình đánh giá là: 30,1% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 5,3% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 2% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị WinMart của Masan
Hơn 30% hộ dân cư cho biết chịu ảnh hưởng từ giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Ảnh minh họa

Kết quả khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong tháng 8/2023 khá ổn định. Theo đó, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,2%, giảm nhẹ 0,3 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 7/023. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp chứng kiến tỷ lệ hộ gia đình đánh giá thu nhập tăng lên và không thay đổi giảm dần, từ 94,8% vào tháng 5 xuống lần lượt còn 94,6%, 94,5% và 94,2% vào các tháng tiếp theo.

Đánh giá về nguyên nhân chính làm cho thu nhập giảm, có 37,8% hộ gia đình cho rằng có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc; 22,9% hộ đánh giá do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng và 21,9% hộ đánh giá do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, về tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống trong 8 tháng năm 2023 được các hộ gia đình đánh giá là: có tới 30,1% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 5,3% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 2% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2023 tăng 0,88% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

Trong mức tăng 0,88% của CPI tháng 8.2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,85% (làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm) chủ yếu do giá xăng tăng 9,85%; giá dầu diezen tăng 15,9% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong nước; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79%; giá xe đạp, xe máy, xe ô tô mới tiếp tục tăng lần lượt 0,42%; 0,12% và 0,16%.

Xếp vị trí thứ hai là nhóm giáo dục tăng 0,96% chủ yếu do năm học 2023 - 2024 học sinh khối lớp 4, 8, 11 bắt đầu học chương trình sách giáo khoa mới. Theo đó giá sách giáo khoa tăng 3,37% so với tháng trước; giá vở, giấy viết các loại tăng 1,17%; giá bút viết các loại tăng 1,03%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,82% do một số trường dân lập, tư thục tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85% (làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm) do giá nhà ở thuê tăng 0,8%; giá dầu hỏa tăng 15,94%; giá nước sinh hoạt tăng 0,93%; giá gas tăng 7%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% (làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm), trong đó lương thực tăng 3,28% thực phẩm tăng 0,48%...

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024