Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch Việt Nam, hợp tác giữa ngành Hàng không và Du lịch, đặc biệt là việc thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam sau dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới.

Đây là cơ hội để lãnh đạo các cơ quan, Bộ, Ngành, lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội gặp gỡ, thảo luận, từ đó tiếp tục hoàn thiện chặt chẽ hơn hệ thống chính sách, pháp luật cho ngành Du lịch, Hàng không; tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và du khách.

Cùng với sự nhận định của các chuyên gia, chia sẻ của các doanh nghiệp vận tải trong lĩnh vực hàng không, du lịch, thông qua Hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp liên kết, hợp tác giữa ngành Hàng không và Du lịch. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng và hơn 250 đại biểu đại diện các Sở quản lý du lịch, HHDL Việt Nam; các chuyên gia du lịch, chuyên gia kinh tế; đại diện doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, nhà đầu tư du lịch, các cảng hàng không... Trong đó, có các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch nổi tiếng: Vietnam Airlines, Vietravel, Saigontourist, Hanoi Tourism, Vietjet Air, Bamboo Airways, Lux Group, Tập đoàn Mường Thanh...

Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, năm 2023, Du lịch Việt Nam đã trở lại ngoạn mục. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành.

Hội thảo “Hợp tác hàng không – du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch năm 2023, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng vai trò của hàng không là rất lớn. “Nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường hợp tác hàng không với du lịch trong thời gian tới, cần rà soát lại các hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó tạo thuận lợi cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và các địa bàn là trọng điểm du lịch của Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam, trọng tâm là cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; phát triển loại hình “thuê chuyến” phục vụ du lịch. Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế đường không, đường biển, đường bộ; hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay mới từ các tỉnh, thành phố trung tâm đến các tỉnh, thành địa phương đang có sân bay nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các địa phương...” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu kiến nghị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được chia làm 2 phiên. Phiên 1, hợp tác Hàng không - Du lịch, các đại biểu trình bày tham luận về việc mở cửa bầu trời, kết nối các đường bay quốc tế; kinh nghiệm quốc tế phục hồi du lịch trong bối cảnh mới. Đề xuất các giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để thu hút khách từ các thị trường quốc tế trọng điểm; tăng cường quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch tới khách quốc tế sau dịch COVID-19. Xây dựng cơ chế đặc thù, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không phục hồi; hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và hàng không để phục hồi du lịch. Phiên 2, thảo luận trực tiếp, các diễn giả, đại biểu đã trao đổi làm rõ thực tế thu hút khách quốc tế ở các địa phương và giải pháp của địa phương để thu hút khách. Các đại biểu cũng đề xuất việc xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong tình hình mới; quảng bá xúc tiến du lịch tới đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt là tìm kiếm thị trường mới; xúc tiến du lịch tới các thị trường quốc tế trọng điểm; xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh…

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho rằng, Cục Hàng không cần có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho việc phát triển các đường bay mới; các địa phương và các hãng hàng không cần tăng cường hợp tác trong quảng bá, xúc tiến. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có chính sách giá vé máy bay cho các công ty du lịch và khách du lịch phù hợp. “Nghiên cứu mở các đường bay mới, tăng tần suất chuyến bay từ các thị trường khách trọng điểm đến sân bay quốc tế Cam Ranh cũng như các địa phương trong cả nước để thu hút khách; ưu tiên cho các địa phương du lịch trọng điểm của khu vực nhằm phát huy vai trò liên kết vùng, liên kết khu vực.

Các hãng hàng không cũng cần đồng hành với ngành Du lịch, tăng cường sự hợp tác thông qua hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ và ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau một cách hiệu quả” - mục tiêu là đối tác chiến lược của nhau trong quá trình hoạt động và phát triển bền vững” - bà Nguyễn Thị Lệ Thanh bày tỏ quan điểm.

Đoàn khách đầu tiên từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) trên chuyến bay thẳng của Vietjet tới sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hoà)

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định, những năm qua, ngành Hàng không và Du lịch luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thứ trưởng cho biết, sau Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày 21/12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 vào ngày 15/3 vừa qua, Lãnh đạo Chính phủ đã có những chủ trương mới về việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào nội dung của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sắp tới.

“Ngày 30/3, Bộ VHTTDL đã xây dựng và lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững”. Nghị quyết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính tại Hội nghị Du lịch toàn quốc, đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”” - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chia sẻ.

Ông Bùi Minh Đăng - Phó trưởng phòng Vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam phát biểu tham luận

Phó trưởng phòng Vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam Bùi Minh Đăng cho biết, các hãng hàng không Việt Nam cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan. Các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch. “Hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt” - ông Bùi Minh Đăng nhấn mạnh.