Hướng đến phát triển logistics xanh, bền vững trong mọi lĩnh vực
Lĩnh vực logistics xanh: Nền tảng phát triển bền vững
Vừa qua, hội thảo quốc tế về logistics Việt Nam năm 2024 (VLOG-2024) diễn ra tại TP.HCM thu hút các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Úc nhằm thúc đẩy kết nối toàn cầu hệ thống logistics.
Các lĩnh vực chính gồm vận tải và giao nhận, kho thông minh và chuỗi cung ứng lạnh, máy móc - thiết bị xử lý vật liệu, ứng dụng công nghệ logistics, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và cảng biển... tất cả mang đến cái nhìn toàn diện về những tiến bộ cùng sự đổi mới trên các lĩnh vực xương sống của ngành logistics.
Ứng dụng chuỗi giá trị ESG (Environment - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị), bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng nhằm đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng) vào phát triển bền vững nói chung, phát triển dịch vụ logistics nói riêng, hướng đến logistics xanh và an toàn thông qua các công cụ, đang là yêu cầu bắt buộc đồng thời là nhân tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh chung toàn cầu.
Tại hội thảo, các đơn vị đã chia sẻ một loạt các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực logistics đường hàng không, đường biển và đường bộ. Đặc biệt, Hiệp hội Chuỗi lạnh Đài Loan (TCCA) mang đến các giải pháp về kho thông minh và chuỗi lạnh tiên phong về thiết bị phần cứng, tích hợp hệ thống, quản lý vận hành, tư vấn, hệ thống thông gió bếp trung tâm, chế biến thực phẩm, nhà máy, bất động sản logistics.
Giải pháp sáng tạo trong logistics
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin logistics, nhiều giải pháp mới đã được giới thiệu như phần mềm quản lý logistics tiên tiến, giải pháp tự động hoá, nền tảng hậu cần AI và IoT, ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch chuỗi cung ứng... giúp khám phá những đột phá tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả đồng thời thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực logistics.
Hiện nay, lĩnh vực cảng và các trung tâm logistics quan trọng, đóng vai trò then chốt đối với ngành thương mại và vận tải đang phát triển của Việt Nam.
Cụ thể: Cảng Tân Cảng Sài Gòn (SNP), khu phức hợp cảng lớn nhất và hiện đại nhất của cả nước nắm vai trò quan trọng trong ngành logistics và vận tải biển; Công ty Depot Kho vận Tân Cảng cung cấp các giải pháp kho bãi tiên tiến, nâng cao quản lý chuỗi cung ứng; cảng Hải An, nổi tiếng với khả năng xử lý hàng hóa và vận chuyển chuyên nghiệp bảo đảm hoạt động trơn tru trong hệ sinh thái logistics; Tân Cảng Bình Dương dẫn đầu lĩnh vực 3PL (còn gọi là logistics bên thứ 3, hay dịch vụ thuê ngoài, logistics hợp đồng) tại Việt Nam với các dịch vụ chính như vận tải đường bộ, dịch vụ kho bãi và dịch vụ khai thác depot container.
Các công trình trên cảng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến (CATOS, MOST); đội xe đầu kéo đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 về giảm khí thải; thiết bị cẩu sử dụng điện 100%...
Cũng trong xu hướng chuyển đổi xanh, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết đã đầu tư thay mới đèn led cho 6 cẩu STS, 5 RTG và 40 bộ đèn led trên bãi container, giảm hao phí năng lượng cho hệ thống chiếu sáng; thực hành tiết kiệm điện nước sinh hoạt nội bộ và phục vụ sản xuất kinh doanh theo định mức sử dụng; vận động hạn chế sử dụng túi nhựa, vật liệu nguy hại tại các khu vực cảng.
- TlacSEA 2023 tại Singapore – Nơi hội tụ ngành logistics toàn cầu
- Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu