ISSN-2815-5823

Huyện Krông Búk (Đắk Lắk): Phát triển thương hiệu "cây triệu đô", thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương

(KDPT) - “Xác định nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế địa phương, cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất đạt giá trị kinh tế cao” - ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk (Đắk Lắk), cho biết.

Huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, sở hữu nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như, cà phê, hạt tiêu, khoai lang, mác ca, chanh leo... Đặc biệt phải nói đến sầu riêng - được ví là "cây triệu đô”, đem lại giá trị kinh tế cao giúp cho nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Theo ghi nhận của phóng viên tại huyện Krông Búk, giá sầu riêng đang được thương lái, doanh nghiệp đặt cọc, thu mua tại vườn dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái mua từ 95.000-100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá đầu vụ năm 2022. Với mức giá như hiện nay, người trồng sầu riêng rất phấn khởi vì trừ đi chi phí sản xuất, cây nông sản này mang lại lợi nhuận khoảng 35.000 - 45.000 đồng/kg, số tiền lãi thu được từ một kg sầu riêng là khá cao.

Tại huyện Krông Búk, giá sầu riêng đang được thương lái, doanh nghiệp đặt cọc, thu mua tại vườn dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg.

Mới đây, thông tin sầu riêng Việt Nam chính thức nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã tạo nên một “cơn địa chấn”, khiến giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, có thời điểm thương lái thu mua tại vườn với mức 100.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu vô cùng tích cực khi sầu riêng Việt Nam đã chinh phục thành công thị trường khó tính như Trung Quốc.

Thông tin này đã giúp người dân và doanh nghiệp có lòng tin và đặt nhiều kỳ vọng vào lượng sầu riêng được tiêu thụ ở đất nước lớn bậc nhất thế giới này.

Lộ trình phát triển thương hiệu "cây triệu đô"

Rút bài học từ những đợt giá nông sản tăng đột biến trước đây, nông dân ồ ạt trồng tràn lan hàng ngàn ha tiêu. Có thời điểm giá tiêu tăng đột biến lên mức 200.000 đồng/kg rồi rớt dần xuống còn 60.000/kg. Nông dân lúc này đã không kịp “trở tay” bởi lẽ có bao nhiêu vốn liếng đã được đầu tư một lúc vào cây tiêu nay bị mắc kẹt khi giá xuống thấp. Người nông dân bỏ mặc hoặc sản xuất cầm chừng, không còn chú trọng khâu chăm sóc.

Thời gian nuôi trồng dài ngày (khoảng 4 đến 6 năm mới có thu hoạch), giá lên xuống thất thường, nguồn vốn dần cạn kiệt, chi phí đầu tư cao... khiến tâm lý người dân hoang mang, thấy cây trồng nào có giá trị cao là lại phá bỏ để “chạy đua” với những cây nông sản có giá cao trên thị trường.

Nói đến xây dựng thương hiệu vùng trái cây cho huyện Krông Búk, ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk chia sẻ: “Ngoài những yếu tố thuận lợi về mặt thiên nhiên ưu đãi, thì yếu tố con người, khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm có giá trị, đạt chất lượng cao. Chính quyền và nhà nông cùng thực hiện đúng định hướng quy hoạch của địa phương; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) với việc áp dụng vào thực tế; người dân chuẩn hóa quy trình sản xuất; vận dụng kinh tế số, kinh tế 4.0 (xây dựng mã vùng, kết nối vùng, tuyên truyền nhân rộng mô hình điển hình, thông tin sản phẩm đến tay người tiêu dùng được bảo đảm minh bạch từ khâu nguồn gốc cho đến quá trình sản xuất sản phẩm…)... Như vậy giá trị cây nông sản sẽ tăng cao, người trồng sầu riêng sẽ không bị mất phương hướng, người dân an tâm sản xuất không phải lo về lạc hậu khoa học kỹ thuật, hay lo được mùa mất giá, nông dân cũng không phải lo lắng về việc phải tự tìm đầu ra, còn địa phương thì ổn định kinh tế, chính trị, xã hội”.

Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk

“Xác định nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế địa phương, cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất đạt giá trị kinh tế cao” - ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk nhấn mạnh.

Theo thống kê, hiện nay các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 80 quốc gia, vùng lãnh thổ có chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay Krông Búk có gần 2.000 ha sầu riêng. "Cây nông sản triệu đô" là niềm tự hào của người trồng sầu riêng ở huyện Krông Búk (Đắk Lắk), cũng là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Kể từ khi lô sầu riêng được xuất chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9/2022, đến nay, diện tích sầu riêng trồng mới của huyện Krông Búk đã tăng gần 300 ha. Tổng sản lượng năm nay ước tính đạt khoảng hơn 30.000 tấn.

Trong lộ trình tiếp theo, Đắk Lắk tiếp tục vận động để nhân rộng vùng canh tác kỹ thuật, đảm bảo những tiêu chí xuất khẩu và cải thiện không ngừng chất lượng quả sầu riêng bản địa, với mục tiêu phát triển hiệu quả diện tích 15 nghìn ha sầu riêng với sản lượng phấn đấu đạt 300 ngàn tấn đến năm 2025.

Tạo dựng thương hiệu để trái cây Đắk Lắk "lên ngôi”

Bắt nhịp với xu thế chung của thị trường hiện nay, nông dân huyện Krông Búk cũng không ngừng đổi mới, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chú trọng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao, cải thiện thu nhập và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

"Với mục tiêu phát triển hơn nữa cả về chất lượng và sản lượng sầu riêng, thời gian tới, huyện Krông Búk sẽ tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật; thực hiện sản xuất theo các chứng nhận của một số thị trường tiềm năng, đăng ký các mã vùng trồng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp có kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu cây ăn quả đầu tư tại địa bàn huyện. Trên thực tế, lợi nhuận từ cây sầu riêng ở Đắk Lắk đã tạo ra sức hút lớn. Việc đầu tư mở rộng diện tích loại cây này để gia tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng của nông dân. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, người dân nên tuân thủ định hướng từ cơ quan chức năng, các chuyên gia nông nghiệp cũng như quy luật thị trường. Có như vậy, niềm vui từ những vụ sầu riêng sẽ được duy trì bền vững" - ông Cường chia sẻ.

Lợi nhuận từ cây sầu riêng ở Đắk Lắk đã tạo ra sức hút lớn.

Bên cạnh đó, việc tăng cường ngoại giao tìm đường cho nông sản xuất ngoại, trong đó có mặt hàng sầu riêng đã cấp mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được các cấp chính quyền địa phương chú trọng, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, phối hợp với Tham tán thương mại ở các nước, cung cấp thông tin thị trường nông sản trên thế giới cho các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường, tập trung thông tin một số thị trường truyền thống của hàng hóa nông sản chủ lực địa phương.

Đồng thời, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh biên giới cập nhập thông tin tình hình biên giới, cung cấp cho các địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh chủ động nguồn hàng. Tăng cường công tác xúc tiến thương mai, kết nối giao thương mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, ông Lưu Văn Khôi cho rằng, đối với bài toán xây dựng thương hiệu trái cây cho Đắk Lắk, đây là thế mạnh mà ngành Công Thương tỉnh xác định phải đầu tư nguồn lực để tiếp cận được thị trường thế giới.

Cụ thể, tỉnh phải định danh được nông sản nào là đặc sản; tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý, tổ chức sản xuất đảm bảo dây chuyền hiện đại, bảo quản sau thu hoạch; xây dựng chuẩn sản phẩm đạt chứng nhận an toàn có thể tham gia sàn giao dịch; truyền thông xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; lựa chọn tổ chức chuyên nghiệp để phát triển thị trường.

Lời giải ''bài toán'' đầu ra cho nông sản Đắk Lắk nói chung và tạo dựng thương hiệu cho trái cây Đắk Lắk “lên ngôi” sẽ cần thêm sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và một số đơn vị liên quan khác. Tuy vậy, Sở Công Thương vẫn đóng vai trò then chốt để giải quyết vấn đề này.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024