Khoa học công nghệ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước
Ngành KH&CN ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực
Cách đây 61 năm ngày 18/5/1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt giới trí thức Việt Nam tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam).
Đến ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các thành tựu về KH&CN và đổi mới sáng tạo đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
Vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI ; Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn kiện Đại hội XII, XIII… khẳng định “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”; “ KH&CN, đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.
Thông qua hệ thống pháp luật về KH&CN toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KH&CN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, đã từng bước đơn giản hóa về thủ tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tăng cường hậu kiểm; tạo môi trường học thuật tiên tiến và thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN.
Đầu tư cho KH&CN, nhất là đầu tư của doanh nghiệp đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng theo hướng xã hội hoá. Trước đây chủ yếu chi từ ngân sách Nhà nước thì nay tỷ trọng đã gần ngang bằng nhau (52% và 48%).
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong đó, khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ trong quá trình xây dựng, soạn thảo các văn kiện, nghị quyết của Đảng qua từng nhiệm kỳ đại hội.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; góp phần quan trọng nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới với tỉ lệ nội địa hóa cao, phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến công nghệ, vật liệu, giải pháp kỹ thuật mới, cơ khí, tự động hóa, chế tạo nội địa hóa thiết bị thí nghiệm, kiểm định với mức tự động hóa cao.
Trong lĩnh vực y tế, đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, X-quang can thiệp... làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng gồm thận, gan, tụy, tuỵ - thận, tim, phổi, một số kỹ thuật ghép tạng đạt trình độ ngang tầm thế giới, mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh và mang lại lợi ích lớn về KT-XH...
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã được phát triển mạnh mẽ ở các địa phương trên toàn quốc. Năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.
Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo.
Để KH&CN, đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược và là động lực chính cho phát triển KT-XH, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, trong những năm tiếp theo, cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo.
Cơ hội và thách thức cho sự phát triển KH&CN
Thời gian tới, nhiệm vụ phát triển KH&CN trong cả nước có rất nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn phải vượt qua.
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đến KH&CN thông qua việc ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của KH&CN nước nhà. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm bằng những hành động cụ thể như trực tiếp quán triệt với đội ngũ trí thức các nghị quyết của Đảng; trực tiếp ngồi nghe ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức về các chủ trương, chính sách lớn đối với đất nước; vinh danh đội ngũ trí thức.
Bên cạnh đó, phát triển bất cứ một lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực KH&CN cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt. Nguồn nhân lực của chúng ta về KH&CN trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, ngành KH&CN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức cần phải vượt qua:
Một là, cơ chế chính sách còn một số tồn tại cần được tiếp tục đổi mới để phù hợp với tình hình mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngũ trí thức phát huy khả năng và cống hiến cho đất nước.
Hai là, đội ngũ của chúng ta mặc dù đã phát triển vượt bậc trong những năm qua nhưng để đáp ứng tốt những yêu cầu trong tình hình mới thì cần phải được tiếp tục củng cố về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Ba là, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước tiên tiến và phát triển trên thế giới. Nếu chúng ta không tạo đà phát triển nhanh hơn và mạnh hơn thì khoảng cách này có thể sẽ ngày một xa hơn.
Bốn là, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, các công nghệ đã phát triển như vũ bão, ở một mức độ chưa từng có. Chúng ta phải đưa KH&CN Việt Nam hội nhập, hòa chung với sự vận động của KH&CN thế giới, nhưng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn một khoảng cách so với đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, việc đầu tư chiều sâu để nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có thế mạnh cần được quan tâm nhiều hơn. Đồng thời đội ngũ tri thức và những người làm khoa học cũng phải tận dụng tốt hơn những cơ hội, thuận lợi đang có để vượt qua thách thức và khó khăn.
Từ những nhận thức đúng đắn cùng với quyết tâm chính trị lớn chúng ta mới có thể đáp ứng được những yêu cầu mới hiện nay. Và trên hết, sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân sẽ chính là điểm tựa để đội ngũ trí thức cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới./.
- Nỗ lực sửa đổi, hoàn thiện cơ chế và chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ
- Tạo đột phá trong hoạt động thương mại hóa các nghiên cứu khoa học công nghệ