ISSN-2815-5823
An Phong (tổng hợp)
Thứ sáu, 09h06 17/05/2024

Chào mừng ngày KHCN Việt Nam 18/5: “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô tận”

(KDPT) - Đây là lời khẳng định mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học Công nghệ (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 với chủ đề Khoa học Công nghệ (KHCN) – Đổi mới Sáng tạo (ĐMST) nâng tầm vị thế quốc gia.

1

Cách đây 61 năm ngày 18/5/1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt giới trí thức Việt Nam tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam). Tại đây, Bác Hồ đã có bài phát biểu, tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học công nghệ. Người khẳng định: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học và công nghệ của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Nay là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Nay là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

Đến ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

2

Theo dòng lịch sử phát triển, vai trò của KHCN luôn được đặc biệt quan tâm. Đó là một trong những đòn bẩy thiết yếu để đất nước phát triển bền vững, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc cho nhân dân. Do vậy Đảng, Nhà nước luôn luôn coi trọng chăm lo cho sự phát triển đúng hướng của KHCN - ĐMST trong nhiều năm qua. Đúng như khẳng định của tác  giả Mai Hương Giang trong bài viết: “Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đăng trên tạp chí Cộng sản. Trong bài đã nêu rõ, ngày 1-11-2012, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đưa ra quan điểm: Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước phải dựa trên nền tảng KH - CN và ĐMST, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực.

Trong đó: Một là, làm rõ mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng các biện pháp cụ thể, như về cơ chế, chính sách phát triển, ưu tiên KH - CN, gắn nông nghiệp với công nghiệp và thị trường... Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu KH - CN hiện đại, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao, như du lịch, viễn thông, logistics, ngân hàng - tài chính.

Hai là, nhấn mạnh hơn về hạ tầng kết nối liên vùng. Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000km cao tốc, trong khi từ năm 2000 tới năm 2021, cả nước mới hoàn thành được gần 1.100km cao tốc; tiếp đến là hạ tầng năng lượng và hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN.

Ba là, phát triển kinh tế biển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và đô thị ven biển, trong đó chú ý phát triển kinh tế biển gắn với an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế gắn với môi trường và phòng, chống thiên tai; phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị ven biển.

Bốn là, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, nhấn mạnh xây dựng đô thị văn minh, thông minh phù hợp với văn hóa vùng, miền. Ngày 11-5-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược đưa ra ba quan điểm phát triển KH - CN và ĐMST: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh, Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống.

Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài, ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế. Chiến lược cũng khẳng định: KH - CN và ĐMST góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)...Khoa học - công nghệ và ĐMST là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Tác giả Mai Hương Giang cũng đã nêu rõ trong bài viết này: Việt Nam cũng đã khẳng định chủ trương phát triển KH - CN và ĐMST, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho KH - CN và ĐMST phát triển, có những hành động cụ thể quyết liệt hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này được thể hiện trong các văn bản của Đảng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định phát triển KH - CN là quốc sách hàng đầu; KH - CN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều luật chuyên ngành trong lĩnh vực khoa KH - CN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật về phát triển KH - CN và ĐMST bảo đảm cho sự phát triền bền vững đất nước. Nhìn lại chặng đường vừa qua, KH - CN và ĐMST đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Đảng và Nhà nước giao, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39% (vượt mục tiêu 35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020, đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp của xã hội, nhất là từ khu vực doanh nghiệp với tỷ lệ tương đối cân bằng đầu tư từ ngân sách nhà nước là 52% và từ doanh nghiệp là 48%; thể hiện rõ vai trò và những đóng góp quan trọng của lực lượng doanh nghiệp thông qua hoạt động chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thành lập Quỹ Phát triển KH - CN để đẩy mạnh các hoạt động KH - CN và ĐMST. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH - CN trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đã mang đến diện mạo và sức cạnh tranh mới trên trường quốc tế. Điều đó càng minh chứng cho sự hợp tác công - tư, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KH - CN và ĐMST giải quyết những vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KH - CN và ĐMST đã và đang được ngành KH - CN cụ thể hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách phù hợp, vượt trội, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo. Những nghiên cứu KH - CN và ĐMST ngày càng bám sát thực tiễn cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết được ngày càng nhiều nhu cầu phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực: kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội...

Chào mừng ngày KHCN Việt Nam 18/5: “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô tận” - ảnh 2

 

3

Như vậy KHCN- ĐMST là một đòn bẩy không thể thiếu trong sợ phát triển nhanh bền vững của đất nước ta. Như nhận định của tác giả Bích Liên trong bài Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam: Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị cũng như của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện. Trong thành tựu chung này có sự đóng góp quan trọng của KHCN&ĐMST ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong cả nước. KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015 là 33,6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm; Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đặc biệt, những đóng góp về KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia.

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đã có tiến bộ vượt bậc về lượng và chất trong những năm gần đây. Số lượng bài báo công bố quốc tế (ISI) của Việt Nam tăng gần gấp ba lần so với đầu nhiệm kỳ, bình quân hằng năm tăng trên 20%. Các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng đã tạo ra nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực hóa học, cơ học, khoa học thông tin và máy tính, sinh học nông nghiệp, y sinh dược học; nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được các giải thưởng khoa học danh giá trong nước và quốc tế…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng vượt trội so với khu vực và thế giới. Nhiều tiến bộ kỹ thuật và quy trình công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sau thu hoạch và chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều nhân. Cùng với đó, trong công nghiệp và dịch vụ, các chuyên gia công nghệ trong nước đã đủ năng lực thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng, giàn khoan dầu khí tự nâng ở vùng nước sâu; thiết kế, thi công các loại cầu vượt sông khẩu độ lớn, hầm đường bộ, nhà cao tầng, nhà máy nhiệt điện, thủy điện quy mô lớn…

Trong quốc phòng và an ninh quốc gia, đã thiết kế, chế tạo mới và cải tiến được nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; xây dựng được các hệ thống giám sát và kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. 85% vũ khí trang bị kỹ thuật của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là kết quả nghiên cứu trong nước, đáp ứng các yêu cầu tác chiến. Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, giúp nâng cao rõ rệt chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho người dân và xã hội. Việt Nam nằm trong tốp 3 nước ASEAN và 43 nước trên thế giới tự sản xuất được vắc xin, rất thành công trong công tác phòng ngừa và thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; làm chủ được các kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại ở trình độ cao như ghép tạng và đa tạng, thụ tinh nhân tạo, ứng dụng tế bào gốc và kỹ thuật sinh học phân tử...

Học viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa trong giờ thực hành.
Học viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa trong giờ thực hành.
 
4

Từ những thành tựu phát triển thực chất của KHCN- ĐMST của Việt Nam trong những năm qua đã xác lập rõ vai trò quan trọng của các nhà khoa học, các trí thức trong việc đầu tư nghiên cứu, ĐMST với những công trình khoa học sản phẩm KHCN không chỉ ở trong nước mà còn có tầm vóc thế giới. Ghi nhận và đánh giá cao về những thành tựu đạt được về KHCN-ĐMDT ở Việt Nam, trong bài phát biểu tại Lễ chào mừng ngày KHCN VIệt Nam, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KHCN và Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu với chủ đề: "KHCN - ĐMST nâng tầm vị thế quốc gia”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Cách đây 61 năm, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến dự Đại hội đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Người căn dặn: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...". Lời căn dặn của Bác Hồ đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KHCN nước nhà trong suốt hơn 60 năm qua. Theo Thủ tướng, những lời của Bác rất giản dị, sâu sắc. Khoa học phải xuất phải từ thực tiễn, quay lại phục vụ thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác cao hơn là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. KHCN phải hướng đến mục tiêu này. Thủ tướng nhấn mạnh, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KHCN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ nhất, trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, các nhà khoa học và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chúng ta đã vượt lên hoàn cảnh, mang tinh thần và nhiệt huyết của mình đóng góp quan trọng vào các chiến công, chiến thắng của quân và dân ta như Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Thứ hai, bước sang giai đoạn hòa bình, đội ngũ nhà khoa học, cán bộ khoa học và kỹ thuật đã phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp vào các công trình có ý nghĩa quan trọng, thay đổi diện mạo của đất nước (như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Đường dây 500 kV Bắc – Nam, các công trình dầu khí, các công trình cầu, đường, sân bay, bến cảng, khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, nghiên cứu y học, vaccine, ghép tạng...). Thứ ba, cùng với các kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng rõ nét. Có thể khẳng định, lực lượng KHCN Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta đã hình thành được hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; về các yếu tố nền tảng, đường lối phát triển cơ bản, các chính sách về kinh tế, văn hóa, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đúc rút được các bài học kinh nghiệm quý báu. Thứ tư, đội ngũ những người làm khoa học ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế, mang lại vinh dự, tự hào cho đất nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, trong đó có các nhà khoa học xuất sắc đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu. "Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng hào kiệt về KHCN lúc nào cũng có", Thủ tướng phát biểu. Thứ năm, xếp hạng quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là trong thế hệ trẻ. Đến nay, Việt Nam đã có 4 "kỳ lân" khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ (MoMo, Sky, Mavis, VNLIFE), xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay, đồng thời, ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, kết quả đạt được và những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học nói riêng và ngành KHCN nói chung cho đất nước. Thủ tướng cũng đánh giá cao điểm đặc biệt của giải thưởng năm nay là bên cạnh việc chọn ra đề tài xuất sắc, còn xét tới cả những nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nỗ lực vượt qua các rào cản để giúp nền khoa học Việt Nam hội nhập thế giới. Cũng theo Thủ tướng, kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 18/5/2014, Ngày KH&CN Việt Nam đã trở thành ngày hội của các nhà khoa học, những người làm KHCN trên cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cho rằng nền KHCN của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn. Cơ chế, chính sách quản lý KHCN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN; chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KHCN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thị trường KHCN phát triển còn chậm; chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; kết nối cung cầu về KHCN, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế thương mại hoá sản phẩm KHCN còn chưa đột phá để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ các nhà khoa học, người làm KHCN còn chưa nhiều, chưa đồng đều; việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN chưa được chú trọng ở cả cấp độ cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý… Thủ tướng đánh giá trong thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, KHCN đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường. Các bài học kinh nghiệm thành công trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan..., cho thấy vai trò to lớn của KHCN đối với sự phát triển và vượt lên của các quốc gia. Mặt khác, những bài học kinh nghiệm thất bại, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy sự thất bại của chính sách KHCN ở những nơi này. Xác định rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương "Phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp….". Những kết quả thành công và đóng góp của KHCN như đã nêu trên là minh chứng rõ nét khẳng định: Đây là một chủ trương, đường lối hết sức đúng đắn, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước trong thời gian qua và còn giá trị trong giai đoạn mới, những năm tới.

5

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định mạnh mẽ: Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì KHCN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất, không phân biệt giới tính, màu da, trình độ, tuổi tác, tầng lớp trong xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, có thể khẳng định, đây chính là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên" trong thế giới ngày nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng khẳng định rằng: Một đất nước Việt Nam hào hùng với truyền thống lịch sử, văn hoá 4.000 năm - với mỗi con người Việt Nam mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, sự kiên trì, bền bỉ, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, càng áp lực lại càng nỗ lực, càng khó khăn lại càng thông minh - không thể thiếu KHCN, đổi mới sáng tạo trong hành trang, con đường phát triển của mình - dám đương đầu với khó khăn, thử thách và cả dấn thân, hy sinh để dẫn đến thành công. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".

Với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển KHCN- ĐMST nhằm đưa đất nước Việt Nam phát triển nhanh bền vững là một xu thế tất yếu để mang về những thành tựu cho phát triển kinh tế xã hội  của nước nhà mang về những ấm no hạnh phúc cho nhân dân, mang về một vị thế mới cho một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vưọng.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024