Chiều nay (23/7), trong khuôn khổ diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid” do Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, một số chuyên gia đầu ngành về kinh tế đã có những tham luận nhằm đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, khẩn trương để giúp các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn được điều phối bởi PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia của TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cùng đại diện các Hiệp hội. doanh nghiệp, các tổ chức trên cả nước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam cho rằng, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, là mối quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, trải qua cơn tàn phá của đại dịch Covid-19, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách vừa trước mắt, vừa lâu dài cả ở tầm quốc gia và cả ở tầm doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn có sự chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Theo TS. Võ Trí Thành, tác động của Covid-19 là rất tiêu cực bởi những hệ lụy từ việc giãn cách xã hội, các đối tác chính phải chịu tổn thất lớn, nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia và các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) và mạng sản xuất khi vực, song lại bị đứt gãy. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Việt Nam lại có nhiều điểm sáng tích cực khi tổng bán lẻ, giá trị xuất khẩu, vận chuyển hành khách và hàng hóa trong tháng 6 đều tăng so với tháng 5. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, song vẫn “Có thể khẳng định, Chính phủ đã rất linh hoạt và chủ động trong ứng phó với đại dịch, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành là rất quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nước ta đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập được môi trường ổn định cho các ngành phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ thêm.

TS. Võ Trí Thành chia sẻ tại Diễn đàn.

TS. Võ Trí Thành đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ, thêm các biện pháp bổ sung như: kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí. Đồng thời, nhà nước cần xem xét các gói kích thích kinh tế mới tính đến năm 2021, đẩy mạnh cơ cấu thích ứng với các xu thế phát triển mới; tận dụng lợi thế từ các FTAs và chiến lược đầu tư nước ngoài trong dịch chuyển GVCs. Đối với doanh nghiệp, cần tìm kiếm cơ hội mới, kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng 4.0, cùng với đó là xây dựng thương hiệu, trách nhiệm xã hội, đối thoại và ứng xử theo luật pháp.

Chia sẻ về các xu hướng đầu tư – kinh doanh mới trong và sau đại dịch, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 6 xu hướng nổi bật gồm: Đầu tư vào những tài sản an toàn hơn; Mua – bán, sáp nhập (M&A) tăng; Cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt; Cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư; Xu thế áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc; Tâm lý và hành vi người tiêu dùng và nhà đầu tư thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, con người và công nghệ luôn là hai đột phá chiến lược mà các doanh nghiệp cần tận dụng.

TS. Cấn Văn Lực có những chia sẻ về xu hướng phát triển trong và sau đại dịch.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng đưa ra những tham luận tập trung Nghiên cứu các mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước những thách thức khủng hoảng Covid đối với các hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta có thể tin tưởng vào một nền kinh tế sẽ khôi phục mạnh mẽ, tận dụng cơ hội ngay trong thách thức. Nhưng điều này không có nghĩa trong cơ hội không tiềm ẩn những rủi ro. Điều này buộc các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp phải cùng chung tay để đưa ra những biện pháp nâng cao trình độ, cải thiện chất lượng, năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật, đưa kinh tế Việt Nam khôi phục mạnh mẽ và phát triển nhanh hơn nữa.

PHƯƠNG MAI – BÍCH NGA