ISSN-2815-5823
Nguyễn Thiệu Anh - Phạm Hồng Điệp và Cộng sự
Thứ tư, 12h21 08/02/2023

Kịch bản chuyển đổi cho mô hình kinh tế tuần hoàn: Góc nhìn từ lộ trình công nghiệp thông thường sang công nghiệp sinh thái

(KDPT) - Để có thể xây dựng và phát triển KCNST ở Việt Nam, trên cơ sở tình hình phát triển hiện tại của các KCN, cách tiếp cận khả thi và có hiệu quả nhất là việc khuyến khích chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCNST. Việc chuyển đổi các KCN hiện hành sang KCNST cần được tiến hành thận trọng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh linh hoạt.

Đánh giá tinh hình chung Khu công nghiệp ở Việt Nam

Quá trình hình thành và phát triển các KCN của Việt Nam có thể chia thành 4 giai đoạn, tương ứng với những chuyển biến trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và thay đổi về chính sách đối với các KCN thời gian qua.

Giai đoạn 1 từ năm 1991 - 1993 là giai đoạn phát triển sơ khai với hình thức Khu chế xuất (KCX), gắn với thời kỳ đầu mở cửa, nền kinh tế hướng từ sản xuất thay thế nhập khẩu sang sản xuất hướng về xuất khẩu và tăng cường thu hút FDI. Giai đoạn 2 từ năm 1994 - 1997 là giai đoạn bắt đầu hình thành một cách hệ thống các KCN tập trung trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 3 từ năm 1998 - 2003 là giai đoạn hình thành các KCN công nghệ cao và các KKT cửa khẩu. Giai đoạn 4 từ năm 2003 đến nay là giai đoạn mở rộng cả về số lượng và loại hình KCN, đặc biệt là các KCN chuyên ngành, các mô hình KCN mới như KCNST, KCN dịch vụ, đô thị, KCN phụ trợ, Khu kinh tế mở và Khu kinh tế ven biển.

Các khu công nghiệp ngày càng chú trọng yếu tố xanh, phát triển bền vững. Trong ảnh: KCN Amata (Đồng Nai)

Hiện nay, tất các địa phương đã thành lập đơn vị quản lý KCN, KCX và KKT trên địa bàn. Hệ thống các KCN, KCX và KKT cơ bản được hình thành trên phạm vi cả nước. Đến hết ngày 31/12/2021, có 369 KCN đã được thành lập với tổng diện tích là 114 nghìn ha. Trong đó, 284 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích là 85 nghìn ha với tỷ lệ lấp đầy đạt 70,2%; 85 KCN đang xây dựng cơ bản với diện tích là 29 nghìn ha và 90% KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với 10.528 dự án FDI (220,18 tỷ USD); 9.995 dự án DDI (2.420 nghìn tỷ đồng); Chiếm tỷtrọng đáng kể (45-50%) trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Các hoạt động của KCN góp phần mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng đáng kể qua các thời kỳ, từ 9% (năm 1995), 38% (năm 2015) và 54% (năm 2020). Đồng thời, các hoạt động của các KCN đóng vai trò quan trọng thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể trong tổng thu NSNN, góp phần làm giảm áp lực cho chính sách tài khóa.

Như đã nêu tại phần 3, ở Việt Nam mới chỉ có 8 KCN thực hiện thí điểm chuyển đổi từng phần sang KCNST. Theo đó, có thể nói, dư địa phát triển của Việt Nam đối với việc chuyển đổi sang KCNST là rất lớn. 276 KCN đang hoạt động có thể xem xét chuyển đổi và trên 85 KCN xem xét thực hiện xây dựng KCN sinh thái theo chuẩn «green field – KCNST mới».

Định hướng phát triển KCNST ở Việt Nam

Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), mục tiêu phát triển KCNST cụ thể như sau:

  • Nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và tạo điều kiện xây dựng các mối gắn kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN.
  • Giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dung công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất trong KCN.
  • Hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh KCN.

Việc phát triển các KCNST ở Việt Nam, theo đó, được triển khai theo hướng:

(1) Đổi mới cơ chế chính sách quản lý các KCN theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tính tuân thủ của các doanh nghiệp trong KCN gắn với quá trình cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; phân cấp và ủy quyền rõ ràng.

(2) Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong KCN triển khai các biện pháp liên kết sản xuất, nghiên cứu, đào tạo và trao đổi sản phẩm; thực hiện các sáng kiến, biện pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; trao đổi, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm và chất thải.

(3) Khuyến khích các công ty phát triển hạ tầng bổ sung và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ dùng chung trong các KCN.

(4) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong KCN thực hiện các chính sách an sinh và trách nhiệm xã hội.

(5) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và năng lực nội tại của các doanh nghiệp trong và KCN.

Nguyên tắc phát triển KCNST

Một góc KCNST Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)

Việc phát triển KCNST dựa trên 5 nguyên tắc, được diễn giải cụ thể như sau:

- Nguyên tắc hiệu quả kinh tế: Đây là nguyên tắc căn bản của KCNST. Mục đích của việc phát triển KCNST không chỉ để cải thiện hoạt động bảo vệ môi trường, mà chủ yếu là đem lại lợi ích kinh tế và xã hội. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị có hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu tốt, thân thiện với môi trường, qua đó, vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, vừa góp phần giải quyết các vấn đề môi trường trong sản xuất công nghiệp.

- Nguyên tắc tuân thủ: nguyên tắc này yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng KCNST, doanh nghiệp trong KCNST phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, chính sách của doanh nghiệp với sự trợ giúp của các công cụ khuyến khích bảo vệ môi trường cũng như các vấn đề kinh tế, xã hội khác. Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi, khuyến khích để đạt các chỉ số bảo vệ môi trường cao hơn quy định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp.

- Nguyên tắc liên kết: Nguyên tắc này liên quan đến việc sử dụng hiệu quả hạ tầng dùng chung trong KCN, cũng như liên kết trong sản xuất, sử dụng máy móc, trang thiết bị để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị của doanh nghiệp, giảm chất thải ra ngoài môitrường. Nguyên tắc này gắn với việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tương tự hoặc bổ trợ cho nhau để làm giảm chi phí đầu tư, sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải, chất thải, hệ thống vận chuyển và các hạ tầng khác trong KCN, tận dụng cơ sở sản xuất và từng bước thiết lập chu trình khép kín trong lưu chuyển vật liệu, nguyên liệu, chất thải từ quá trình sản xuất.

- Nguyên tắc đồng bộ: Nguyên tắc này yêu cầu công nghệ, trình độ sản xuất tương đối đồng đều giữa các doanh nghiệp trong KCN, phát triển hạ tầng dùng chung đồng bộ giữa các phân khu trong KCN. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn phát triển KCNST, cũng cần bảo đảm thứ tự ưu tiên phù hợp với nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng.

- Nguyên tắc ổn định: Nguyên tắc này tập trung vào tính ổn định của chính sách hỗ trợ phát triển KCNST. Hầu hết các KCNST đều cần hỗ trợ từ Nhà nước trong quá trình chuyển đổi hoặc phát triển (Susan và cộng sự, 2011). Ổn định chính sách giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển KCN yên tâm đầu tư dài hạn để nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện các chỉ số môi trường, xã hội.

(Còn tiếp)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/12/2024