ISSN-2815-5823

Kinh Bắc hướng đến mô hình khu công nghiệp xanh, bền vững

(KDPT) - "Định hướng của Kinh Bắc là chuyển đổi các khu công nghiệp cũ để tiến lên xanh hơn. Còn với các khu công nghiệp đầu tư mới, sẽ lắp đặt toàn bộ điện mặt trời áp mái...", ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cho biết.

Xu hướng tất yếu

Thời gian qua, việc phát triển khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã góp phần hình thành nhiều khu đô thị, dịch vụ mới và hệ thống giao thông kết nối, tạo diện mạo mới cho địa phương, từng bước tác động tích cực tới quá trình đô thị hóa.

Hiện hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.

Trụ sở Nhà điều hành của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP tại Khu công nghiệp Quế Võ. (Ảnh: KBC)

Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh các giai đoạn 2012-2020 và 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, thời gian qua đã thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp từ mô hình truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng xung quanh khu công nghiệp, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu.

Tại các khu công nghiệp này, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đã xuất hiện sự liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Điều này đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, huy động được nguồn lực lớn từ khu vực kinh tế tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp xanh, bền vững đang trở thành sự ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững bên cạnh lợi ích kinh tế cùng trách nhiệm với cộng đồng. Không nằm ngoài xu thế đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc) cũng đang tập trung vào việc phát triển các khu công nghiệp theo xu thế đó.

Tại một sự kiện gần đây, khi chia sẻ với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cho biết, các khu công nghiệp của Kinh Bắc đều đang hướng đến mô hình khu công nghiệp xanh.

Hiện Kinh Bắc có 30 khu công nghiệp, thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện giảm khí thải trong các khu công nghiệp rất quan trọng, được doanh nghiệp dành ưu tiên lớn. Khách hàng chính của Kinh Bắc chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao như LG, Haengsung Electronics…

“Định hướng của Kinh Bắc là chuyển đổi các khu công nghiệp cũ để tiến lên xanh hơn. Còn với các khu công nghiệp đầu tư mới, sẽ lắp đặt toàn bộ điện mặt trời áp mái, đảm bảo tiêu chí khu công nghiệp xanh, hút các nhà đầu tư lớn vào lập nhà máy sản xuất”, ông Đặng Thành Tâm nhấn mạnh.

Loạt dự án của Kinh Bắc đón sóng đầu tư

Hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC) đánh giá, tính đến cuối năm 2023, quỹ đất công nghiệp của các dự án khu công nghiệp mà Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đang kinh doanh sẽ còn lại khoảng 142 ha. Trong đó, 58 ha thuộc Khu công nghiệp Tân Phú Trung (TP.HCM), 84 ha thuộc Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh).

Với làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang đổ vào Việt Nam, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế tạo nói chung cũng như đất khu công nghiệp nói riêng dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó 2 khu công nghiệp trên của Đô thị Kinh Bắc sẽ được lấp đầy trong hai năm 2024 và 2025; trong lúc đó, doanh nghiệp này sẽ chờ đợi sự sẵn sàng của các khu công nghiệp đang phát triển và mở rộng tại Hải Phòng và Long An.

Tại phía Bắc, đối với Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, còn 80 ha cần phải giải phóng mặt bằng. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cho biết, đa phần khu vực cần giải phóng mặt bằng đều là đất nông nghiệp nên quá trình giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai nhanh, dự kiến hoàn thiện ngay trong năm nay; sau đó, toàn bộ phần diện tích này sẽ được cho thuê.

Kinh Bắc cho biết thêm, Công ty đang thương thảo với một đối tác lớn đến từ Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử đang có nhu cầu thuê 50 ha đất làm nhà máy. Nếu thuận lợi, hai bên có thể ký hợp đồng trong những tháng cuối năm với giá chào thuê dự kiến cho khu vực này từ 170 - 180 USD/m2.

Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 của Kinh Bắc. (Ảnh: KBC)

Riêng với Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (687 ha), Hải Phòng hiện đang tiến hành lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch 1/2.000 theo quy định để hoàn thiện hồ sơ trong trình tự xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ với kỳ vọng quy hoạch được chấp thuận trong tháng 11/2023.

Tại phía Nam, đối với Khu công nghiệp Nam Tân Tập (245 ha), Kinh Bắc đang triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng đối với 80 ha đầu tiên trong năm 2023. Theo Đô thị Kinh Bắc, có thể bắt đầu cho thuê 30 ha tại khu công nghiệp này trong quý IV/2023 và bàn giao vào năm 2024.

Đối với Khu công nghiệp Tân Tập (654 ha), Kinh Bắc đang hoàn thiện quy hoạch 1/5.000 và hoàn thành công tác kiểm đếm đất đai.

Dự án khu dân cư lân cận (150 ha), Đô thị Kinh Bắc đang chờ phê duyệt chuyển đổi đất lúa để tiến hành đồng thời quy hoạch 1/5.000, giải phóng mặt bằng khu công nghiệp và tái bố trí tái định cư cho các hộ dân bị di dời khỏi khu công nghiệp.

Riêng với Khu công nghiệp Lộc Giang (466 ha), công tác kiểm đếm đất đai đã hoàn thành và việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện trong những tháng cuối năm nay. Dự án này có thể được Kinh Bắc đưa vào kinh doanh từ năm 2025./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024