ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ sáu, 11h12 17/05/2024

Kinh tế 5 huyện sẽ lên quận tại Hà Nội hiện nay ra sao?

(KDPT) - Vừa qua, các đại biểu tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP Hà Nội khoá XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị cấp xã, cấp huyện của thành phố giai đoạn năm 2023-2025.

Đề án chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP. Hà Nội cho thấy thành phố sẽ có 518 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 61 đơn vị so với trước thời điểm sắp xếp.

Trong đó, thành phố yêu cầu không sắp xếp các đơn vị hành chính với quận Hoàn Kiếm là vì quận này là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của thành phố có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa đi liền với sự hình thành của thành Đại La, Đông Đô và Thăng Long.

Huyện Đông Anh sẽ được đưa lên quận từ nay đến năm 2025.
Huyện Đông Anh sẽ được đưa lên quận từ nay đến năm 2025.

Bên cạnh đó, 10 phường của khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm cũng có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời cần được gìn giữ và bảo tồn bao gồm: Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Không chỉ vậy, những phường này còn đi liền với lịch sử lâu đời 36 phố phường, có năm cửa ô của TP. Hà Nội từ đầu thế kỷ XX.

Bốn đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này đã được Trung ương và thành phố phê duyệt từ năm 1995. Bởi vậy nếu triển khai việc sắp xếp quận sẽ làm mất đi các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long Hà Nội. Ngoài ra sẽ tác động đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian sắp tới.

Ngoài việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, TP. Hà Nội hiện nay cũng đang thực hiện nhiệm vụ có ít nhất 3-5 huyện vào năm 2025 và có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận vào năm 2030, triển khai đồng thời các dự án.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tán thành với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 20 quận huyện và thị xã trên địa bàn thành phố.

Theo đó, sẽ có 61 đơn vị hành chính cấp xã sau khi giảm, bao gồm 5 phường và 46 xã. Cả Hà Nội sẽ chỉ còn 518 xã phường và thị trấn kể từ sau năm 2025.

Nội dung của đề án cũng cho thấy Hà Nội phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận từ nay đến năm 2025. Bên cạnh đó, thành phố cũng đặt ra mục tiêu đưa các huyện Hoài Đức, Thanh Trì và Đan Phượng lên quận đến năm 2030.

Về cơ bản, huyện Gia Lâm và huyện Đông Anh đã hoàn thành những chỉ tiêu và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng hiện nay đang phối hợp với hai huyện này để thực hiện hoàn tất hồ sơ theo đề nghị của Bộ Xây dựng.

Diễn biến kinh tế hiện nay

Cả hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế và đạt được những thành tích nổi bật nhằm đảm bảo và bổ trợ cho tiến trình trở thành quận.

Địa bàn huyện Đông Anh có nền kinh tế 2023 vẫn duy trì ở tốc độ tăng trưởng ở mức cao khi tăng 9,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân trên địa bàn Hà Nội và cả nước. Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục dịch chuyển đúng hướng với tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 1,2%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 88% và thương mại dịch vụ chiếm 10,8%.

Cả hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế và đạt được những thành tích nổi bật, góp phần không nhỏ vào tiến trình trở thành quận. 
Cả hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế và đạt được những thành tích nổi bật, góp phần không nhỏ vào tiến trình trở thành quận. 

Huyện Đông Anh sẽ là địa phương có nhiều đại dự án của cả nước trong tương lai. Nơi đây hứa hẹn trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc Sông Hồng theo mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Đông Anh sẽ giữ vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô.

Ngoài ra, huyện Gia Lâm cũng đã phát triển kinh tế và đạt được những kết quả ấn tượng. Cơ cấu kinh tế của huyện năm 2023 chuyển dịch đúng hướng với phần lớn giá trị sản xuất các ngành kinh tế do huyện quản lý ước tính tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng khả quan với thu nhập bình quân đầu người đạt mức 75,8 triệu đồng/ người/ năm.

Cũng theo mục tiêu đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ đưa các huyện Hoài Đức, Thanh Trì và Đan Phượng lên quận. Các đơn vị chức năng của thành phố hiện nay đang thực hiện các bước xây dựng đề án thành lập quận và phường của 3 huyện này.

Xét về kết quả triển khai đề án lên quận, các huyện này đều đã đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính. Thế nhưng những nơi này đều chưa đạt tiêu chí xã thành phường.

Những tiêu chí nằm trong nhóm hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị và cơ cấu - trình độ phát triển kinh tế xã hội đều chưa hoàn thành đánh giá, chưa đạt 100%. Thế nhưng, những khu vực này vẫn đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế.

Huyện Thanh Trì trong năm vừa qua đã hoàn thành và vượt mức 20/20 chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội. Ước tính tổng giá trị sản xuất đạt trên 16.710 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; chi ngân sách ước tính thực hiện 2.063,8 tỷ đồng, đạt 97,7% dự toán sau điều chỉnh, ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện 2.404,6 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán giao, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cho thấy, huyện đã hoàn thành vượt mức 17/19 chỉ tiêu - xã hội; ước tính tổng giá trị sản xuất thực hiện 31.260 tỷ đồng, đạt 100,16% kế hoạch năm. Trên địa bàn, tổng thu ngân sách thực hiện 2.074 tỷ, đạt 87,7% dự toán Thành phố và Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện giao, tăng 20,6% so với cùng kỳ.

Các huyện sẽ lên quận đều đã đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính. 
Các huyện sẽ lên quận đều đã đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính. 

Với huyện Đan Phượng, tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 19.150 tỷ đồng, đạt 100,06% kế hoạch. Cùng với đó, ước tính tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 1.565 tỷ đồng, đạt 108,3% so với dự án Thành phố giao. 

Bước sang năm 2024, huyện Đan Phượng đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 21.494 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu tốt. Phấn đấu đến năm 2030, huyện sẽ hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong triển khai Đề án xây dựng huyện Đan Phượng thành quận.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý rằng, trong quá trình triển khai, phải bảo đảm thực hiện đúng quy định, không được chạy theo thành tích. Các huyện cần hỗ trợ sản xuất kinh doanh một cách tích cực, góp phần tạo nguồn thu lâu dài, đẩy mạnh nguồn thu tại các xã và khuyến khích sự năng động, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở…

Đối với 2 huyện Gia Lâm và Đông Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tiến bộ hoàn thiện hồ sơ lên quận phải đảm bảo đúng quy trình, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu và huy động của cả hệ thống chính trị, xem đó là nhiệm vụ ưu tiên của các địa phương trong năm nay./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine