ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 10h35 09/07/2024

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu thế phát triển tất yếu

(KDPT) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là xu hướng tất yếu hiện nay.

Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích

Chiều 8/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến và bà Ram-la Kha-li-di, Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.

Diễn đàn có khoảng hơn 100 đại biểu đến từ 70 cơ quan trong nước và quốc tế, hơn 20 tỉnh thành trong cả nước và hàng trăm đầu cầu tham dự trực tuyến.

Các chuyên gia thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: BTC)
Các chuyên gia thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: BTC)

Nhấn mạnh vai trò quan trọng thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản: "Mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Thứ trưởng cho biết, nhằm thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Trong đó nêu 10 mục tiêu, 6 nhiệm vụ về nông nghiệp tuần hoàn, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, cơ chế chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và truyền thông về nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: BTC)
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: BTC)

Theo bà Ram-la Kha-li-di, việc thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng, đồng thời tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu.

Đối với sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể dựa vào khoa học, công nghệ và các thí điểm thành công đã có ở Việt Nam để thiết kế các hệ thống canh tác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, với sự tham gia của tất cả các bên, như chế biến, vận chuyển, bán lẻ, qua đó thúc đẩy sự cung ứng có trách nhiệm từ trang trại đến bàn ăn.

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh tới đối tác công - tư trong sự thành công của nông nghiệp tuần hoàn, cụ thể là vai trò chủ động của Khối tư nhân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai các sáng kiến, mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến.

Lĩnh vực trồng trọt tại Việt Nam còn nhiều bất cập

TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD), cho biết trong lĩnh vực trồng trọt tại Việt Nam vẫn còn lãng phí nhiều phụ phẩm.

Cụ thể, sản phẩm trồng trọt sau khi thu hoạch, phụ phẩm chủ yếu là thân cây, thì 38% bị đốt tại ruộng; 28% được sử dụng làm thức ăn cho gia súc; bỏ tại ruộng 9%; sử dụng cho trồng trọt 5%; sử dụng để ủ phân chiếm 5%, còn lại là các xử lý khác. 

'Đối với phụ phẩm và chất thải trong chăn nuôi, hiện tỷ lệ trang trại xử lý chất thải chăn nuôi đạt 96,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ xử lý chất thải trong chăn nuôi mới đạt 48,2%.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, phụ phẩm từ khai thác gỗ rừng trồng hàng năm khoảng 16 triệu m3 củi, trong chế biến gỗ để lại 8,6 triệu m3/năm mùn cưa, đầu mẩu, gỗ vụn... Phần lớn phụ phẩm trong lâm nghiệp đã được thu gom, chế biến làm ván ép, gỗ ép, làm đệm lót sinh học trên chăn nuôi, ép viên làm chất đốt...

TS. Phong chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế tuần hoàn của ngành nông nghiệp, như nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của nông dân vẫn còn mơ hồ, chưa đầy đủ; khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện; tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp; các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa phổ biến…

Triển khai Bộ công cụ NDC-Kinh tế Tuần hoàn

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ NDC-Kinh tế Tuần hoàn. Bộ công cụ này được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn góp phần thực hiện mục tiêu NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UNDP cũng tuyên bố nghiên cứu sắp tới của mình về chuỗi giá trị cà phê và lúa gạo phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Chăn nuôi và Viện Kinh tế Nông nghiệp để xây dựng các biện pháp tổng hợp mới cho chuỗi giá trị nông-thực phẩm tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Tại Hội nghị, các bên cùng nhau nhất trí, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về nông nghiệp tuần hoàn, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và mục tiêu NetZero của quốc gia. Đồng thời, cũng mong muốn sau Hội nghị, các Bên sẽ chủ động gặp gỡ để đề xuất và triển khai các hoạt động cụ thể trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024