ISSN-2815-5823

Kỳ 2: Cây cao su và “cơn sóng thần” của thị trường

Đến bây giờ khi lướt qua những tư liệu lịch sử về Tập đoàn HAGL và Đoàn Nguyên Đức, nhiều người vẫn tiếc hùi hụi thời kỳ hoàng kim của người “doanh nhân cá biệt” này.
Thăng trầm Đoàn Nguyên Đức Thăng trầm Đoàn Nguyên Đức

Thử hỏi, khi đến được đỉnh vinh quang của sự nghiệp, vượt qua khoảng 4.000 ứng viên trong bảng xếp hạng trên sàn chứng khoán Việt Nam để đứng đầu, nhiều người sẽ quyết định như thế nào? Câu trả lời khi đó sẽ không hề dễ dàng nhưng với Đoàn Nguyên Đức chỉ có một con đường: Đi tìm đỉnh vinh quang mới, đó là phát triển trồng cây cao su.

Lớn lên từ vùng đất cao nguyên bazan rộng lớn nên Đoàn Nguyên Đức hơn ai hết hiểu thế mạnh kinh tế của cây cao su. Cao su là cây công nghiệp dài ngày, sau từ 5 đến 7 năm chăm sóc mới cho thu hoạch mủ, mà đã từng được mệnh danh là “vàng trắng”. Tuy nhiên bù lại, nó có thể cho thu hoạch liên tục 8-10 tháng trong một năm và kéo dài từ 28 đến 30 năm.

Thăng trầm Đoàn Nguyên Đức

Thời kỳ đó, sức hấp dẫn của thị trường cao su trên thế giới thật khó cưỡng nổi đối với bất cứ doanh nhân nào. Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu cao su khối SVR3L đạt trên 332 ngàn tấn với trị giá 884,37 triệu USD, tăng 7,63% về lượng và tăng 37,91% về trị giá. Giá xuất khẩu trung bình đạt 2.663 USD/tấn, tăng 28,15% so với giá xuất khẩu trung bình năm 2007.

Giá xuất khẩu chủng loại cao su này sang thị trường Nhật Bản và CH Séc đạt cao nhất, trung bình gần 3.000 USD/tấn. Ngoài ra, giá xuất khẩu trung bình sang một số thị trường khác cũng đạt khá như Đức đạt 2.894 USD/tấn; Đài Loan đạt 2.785 USD/tấn; Trung Quốc đạt 2.650 USD/tấn…

Thăng trầm Đoàn Nguyên Đức

Vì thế, khi quỹ đất trồng loại “vàng trắng” ở Gia Lai dần khan hiếm, ông liền tìm kiếm sang nước bạn Lào, cách đại bản doanh của ông có “nửa bước chân”.

Đoàn Nguyên Đức cho biết, hồi ban đầu đi tìm quỹ đất trồng cao su, ông chỉ tìm những vùng đất đỏ bazan. Nhưng khi sang Thái Lan, thấy không phải đất đỏ mà họ vẫn trồng cao su. Hỏi ra mới biết, đất trồng được cao su phải đáp ứng đủ 4 yếu tố thổ nhưỡng là nhiệt độ từ 26 độ C, lượng mưa 1.800 mm trở lên, độ ẩm từ 80%, tầng đất sâu 1m và độ cao so với mực nước biển từ 300 m trở xuống.

Mảnh đất ở Attapeu (Lào) hội đủ các yếu tố này, lại sát với Gia Lai, và từ đây qua Thái Lan, xứ sở của cao su chỉ mất 240 km. Thấy không còn điểm nào thuận lợi hơn, ông quyết tâm gây dựng đại bản doanh thứ 2 của Tập đoàn ở vùng đất có vườn cao su rộng khoảng 3.000 ha này.

Hoàng Anh Gia Lai đã thuê nhiều chuyên gia, các nhà khoa học tư vấn, mua công nghệ cao và đầu tư bài bản cho nông nghiệp. Trung bình tại Attapeu tổng chi phí đầu tư cho 1ha cao su là 5.000 USD, trong đó riêng công nghệ tưới nhỏ giọt bù áp lên tới 1.000 USD.

Khi ấy, Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su. Hệ thống này gồm các bể chứa nước, van điều áp và hệ thống đường ống dẫn nước đến từng gốc cao su. Nhờ van điều áp mà nước bơm nhỏ giọt qua các van đặc biệt, được nhập khẩu từ Isarel, vào từng gốc cao su đều một lượng nước là 2 lít mỗi giờ.

Thăng trầm Đoàn Nguyên Đức

Thông thường, cây cao su phát triển nhanh vào mùa mưa, còn mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, cây chậm phát triển hoặc không cạo được mủ vì thiếu nước.

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây cao su phát triển quanh năm nên cao su Hoàng Anh Gia Lai trồng chỉ 4 năm tuổi là thu hoạch được, rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình trồng và chăm bón phổ biến của các doanh nghiệp khác và sau này, có thể khai thác mủ cả vào mùa khô.

Bầu Đức cho hay, khối lượng công việc mà Hoàng Anh Gia Lai làm để cánh rừng cao su rộng 22.000 ha mọc lên, trong tổng diện tích quy hoạch 36.000 ha rất lớn. Riêng đường ống tưới cây lắp đặt đủ quấn 3 vòng trái đất vì trung bình cứ 1 ha có 1.600 m ống.

Nhưng thương trường vốn khắc nghiệt, người tính không bằng trời tính, thị trường cao su thế giới đã xảy ra những biến động chưa từng có. Từ chỗ giá cao su xấp xỉ 6.000USD/tấn vào năm 2011 thì sau đó tụt dốc thảm hại xuống còn trên 1.000USD/tấn. Cuộc tụt giá lịch sử này tựa như cơn sóng thần ập vào sự nghiệp của Đoàn Nguyên Đức khiến vết thương mà nó gây ra còn âm ỉ đến cả chục năm sau. Cho đến nay, giá cao su trên thị trường thế giới cũng chỉ ở mức 1.600 -1.700USD/tấn mà người trồng cao su đã coi là may mắn.

Để cứu cây cao su, năm 2013, Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam, với lý do để tập trung vực dậy doanh nghiệp. Những năm tiếp theo, HAGL tiếp tục thu hẹp sản xuất hoặc bán các mảng kinh doanh không tạo nhiều lợi nhuận như thủy điện, mía đường, dự án bất động sản…

Thăng trầm Đoàn Nguyên Đức

Đến năm 2018, HAGL vẫn nuôi chí lớn, duy trì ổn định và chăm sóc được 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia với hy vọng thị trường cao su lại thăng hoa như năm 2011…

Có thể nói, cuộc khởi nghiệp qua cây cao su đã để lại dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp của Đoàn Nguyên Đức, như ông đã từng chấp nhận, “dù có bán nhà cũng phải trồng cây cao su” vậy!

Kỳ 3: Đàn bò và cây mía - Bài học về “lấy ngắn nuôi dài”

Theo Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh/Tạp chí Xây dựng



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024