ISSN-2815-5823

Lãi suất liên ngân hàng vượt trần tác động thế nào đến các nhà băng?

(KDPT) - Mới đây, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã lên đến 5,06% - mức cao nhất trong khoảng gần 1 năm qua.

Áp lực tỷ giá ra sao?

Trong các phiên trong tuần từ 20/5 đến 24/5, tỷ giá liên ngân hàng thường xuyên bám sát tỷ giá trần. Đến các phiên ở nửa đầu tuần này (từ 27/5 đến 28/5), tỷ giá trung tâm đều được điều chỉnh nhích tăng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có dấu hiệu để điều chỉnh tỷ giá trung tâm từ mức 24.258 đồng/USD xuống còn 24.256 đồng/USD.

Bên cạnh đó, những diễn biến về tỷ giá tại các ngân hàng dù có dịu đi đôi chút nhưng vẫn là tâm điểm được giới chuyên môn theo dõi sát sao. Nguyên nhân bởi, đây chính là yếu tố ưu tiên được các nhà điều hành chú trọng để kiểm soát và ổn định.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có dấu hiệu để điều chỉnh tỷ giá trung tâm từ mức 24.258 đồng/USD xuống còn 24.256 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có dấu hiệu để điều chỉnh tỷ giá trung tâm từ mức 24.258 đồng/USD xuống còn 24.256 đồng/USD.

Liên quan đến vấn đề này, thống kê của Maybank Investment Bank (MSVN) cho thấy, tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 4,5%, xuống mức thấp kỷ lục và là đồng tiền diễn biến kém thứ 2 trong khu vực ASEAN. Tăng trưởng tín dụng chậm cộng với thanh khoản cao khiến lãi suất liên ngân hàng giảm xuống; điều này khiến Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải nâng lãi suất thông qua thị trường mở (OMO) vài tháng qua. 

Để bảo vệ đồng tiền Việt, từ ngày 19/4 cho đến nay Ngân hàng Nhà nước đã bán tổng cộng 2,8 tỷ USD trong tổng số dự trữ ngoại hối là khoảng 102 tỷ USD. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá vẫn ở mức dai dẳng, bán ra USD dự trữ trong những ngày gần đây cũng tăng lên. Trong tháng 5/2024, áp lực lên dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng tăng mạnh.

Cho đến nay, áp lực lên VND vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Thậm chí, chỉ số USD (DXY) cũng đã giảm hơn sau khi số liệu CPI suy giảm. Các chuyên gia của MSVN nhận định, vẫn còn nhiều bất định về thời điểm cũng như mức độ cắt giảm lãi suất của Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn vô cùng vững chắc. 

Theo ý kiến của ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích CTCK MSVN, Ngân hàng Nhà nước kể từ đầu năm đến nay đã sử dụng hàng loạt các công cụ nhằm điều hành tốt tỷ giá cũng như lãi suất. Đồng thời, theo dự báo của các chuyên gia của Khối Phân tích MSVN, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản để có thể bình ổn tỷ giá đồng tiền Việt vốn đang bị mất giá. Rất có thể, đợt tăng lãi suất sẽ diễn ra trong vài tuần tới. 

Còn xét ở góc độ ngân hàng, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB cho biết, ưu tiên quan trọng hàng đầu chính là ổn định tỷ giá. Thông qua các can thiệp, trước mắt điều này có thể tác động phần nào đến lãi suất của các ngân hàng, tuy nhiên, các nhà băng sẽ cân đối việc chi phối để duy trì dòng tín dụng, tiếp tục việc thúc đẩy theo các mục tiêu. 

Các nhà băng dễ gặp rủi ro về thanh khoản

Trước áp lực tỷ giá tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để kiềm chế, bao gồm việc phát hành tín phiếu, bán vàng cũng như bán ngoại tệ; những điều này đã khiến cho thanh khoản hệ thống bị co hẹp đáng kể. Tính đến ngày 24/5, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tổng cộng 48.500 lượng vàng SJC cùng với một lượng lớn USD nhằm bình ổn thị trường.

Trước áp lực tỷ giá tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để kiềm chế, bao gồm việc phát hành tín phiếu, bán vàng cũng như bán ngoại tệ. (Ảnh minh họa)
Trước áp lực tỷ giá tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để kiềm chế, bao gồm việc phát hành tín phiếu, bán vàng cũng như bán ngoại tệ. (Ảnh minh họa)

Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng và ngoại tệ can thiệp, cộng thêm động thái tăng lãi suất OMO lên mức 4,5% và tiếp tục việc duy trì kênh phát hành tín phiếu đã khiến cho lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vượt quá 5%/năm đối với hầu hết những kỳ hạn chủ chốt. Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh mẽ so với mức nền khoảng gần 0% được ghi nhận vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc, VND đã không còn rẻ ở trên thị trường 2. 

Trong một diễn biến khác, Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong báo cáo mới đây đã cảnh báo, một số ngân hàng hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng. Do đó, nếu điều kiện thị trường thay đổi đột ngột, những nhà băng này sẽ dễ dàng gặp rủi ro về vấn đề thanh khoản.

Đồng thời, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đã liệt kê danh sách các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào vốn liên ngân hàng (tức là chiếm hơn 20% tổng dư nợ phải trả), gồm có: ABBank, VPBank, Techcombank, KienlongBank, SeABank, VIB, PGBank, TPBank và MSB.

Công ty chứng khoán này cho hay, việc huy động liên ngân hàng trong điều kiện lãi suất thấp sẽ giúp tiết giảm được chi phí. Ngược lại, động thái này cũng khiến cho rủi ro thanh khoản của những ngân hàng trên cao hơn so với những ngân hàng còn lại. Cụ thể, chuyên viên phân tích cảnh báo: “Sự phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn liên ngân hàng có thể khiến các nhà băng dễ gặp tình trạng rủi ro thanh khoản trong trường hợp điều kiện thị trường có sự thay đổi đột ngột, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất liên ngân hàng trong khoảng thời gian gần đây”.  

Bên cạnh đó, cũng theo Chứng khoán Yuanta, tăng trưởng tiền gửi trong quý I/2024 của toàn ngành chủ yếu được đóng góp bởi nhóm ngân hàng tư nhân lớn và vừa. Có một số ngân hàng thương mại cổ phần đã có sự sụt giảm huy động, bao gồm: MB (-4,7%), SHB (-2,1%), TPBank (-4,2%), OCB (-2,8%), VIB (-1,2%).

Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong báo cáo mới đây đã cảnh báo, một số ngân hàng hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong báo cáo mới đây đã cảnh báo, một số ngân hàng hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng.

Nhóm ngân hàng TMCP nhà nước ghi nhận tăng trưởng huy động ở mức thấp hoặc âm, ví dụ như ngân hàng Vietcombank đã giảm 2,7%, VietinBank tăng nhẹ 0,2% và BIDV tăng 1,1%. Theo kỳ vọng của Yuanta, những ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút thêm nguồn vốn, có thể chuẩn bị phục vụ cho nhu cầu tín dụng cao hơn thời gian tới. Theo các chuyên viên phân tích, lãi suất tăng lên sẽ khiến các ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi thấp hoặc âm trong quý đầu năm nay có thể phải huy động tiền gửi cùng chi phí cao hơn trong thời gian tới, đồng thời tác động tiêu cực đến biên lãi gộp (NIM) của toàn ngành./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024