Lâm Đồng gỡ vướng cho “siêu dự án” hơn 30.000 tỷ đồng của Tập đoàn TH
Tại văn bản trên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ quy định của pháp luật hiện hành giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn TH tại dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng theo chỉ đạo tại Văn bản số 10401/UBND-VX2 ngày 28/11/2024; tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 31/12/2024.
Các sở, ban, ngành và UBND huyện Lạc Dương cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, hiện trạng đất, rừng và các thông tin khác có liên quan để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất đảm bảo chất lượng và yêu cầu theo quy định của Luật Đầu tư năm 2022 và các quy định khác có liên quan.
Theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt năm 2022, Khu du lịch Đankia - Suối Vàng có quy mô gần 4.000 ha, gồm một phần diện tích thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và một phần thuộc phường 7, TP. Đà Lạt.
Dự án được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tổng mức đầu tư hơn 30.300 tỷ đồng, gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%, tương đương hơn 4.500 tỷ đồng, còn vốn vay và vốn huy động khác gần 25.800 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án trở thành điểm đến tầm cỡ quốc tế và hàng đầu khu vực Tây Nguyên, là khu dịch vụ du lịch tổng hợp... Trong đó, công suất lưu trú du lịch khoảng 7.000 phòng; trung tâm giáo dục đào tạo khoảng 6.000 học sinh, sinh viên; bệnh viện, viện dưỡng lão khoảng 1.200 giường.
Tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng khu vực này sẽ hình thành 10 phân khu chức năng gồm trung tâm du lịch tổng hợp, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, sân golf, trung tâm giáo dục, du lịch văn hóa Lang Biang, sinh thái nông nghiệp kết hợp với du lịch, dược liệu kết hợp với du lịch và phân khu chức năng phụ trợ đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Nhà đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, đồ án quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đan kia - Suối Vàng tỷ lệ 1/2.000 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt đồ án. Sở Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch ngày 15/11/2022, hiện nay đã hoàn thành công tác cắm mốc.
UBND tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn thu hút đầu tư vào khu du lịch, thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thủ tục thu hút đầu tư dự án; thống nhất phương án Công ty cổ phần Tập đoàn TH đề xuất chủ trương đầu tư dự án tại Thông báo số 464/TB-UBND ngày 06/12/2023.
Ngày 15/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành làm việc với nhà đầu tư để trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Sau đó, Sở Xây dựng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện đồ án Quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng và đã trình UBND tỉnh tại Tờ trình số 1374/TTr-SXD ngày 17/6/2024.
Ngày 06/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 6653/UBND-QH về việc rà soát triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng.
Sau khi phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan, Sở Xây dựng đã có báo cáo số 2501/SXD-QHKT ngày 30/9/2024 rà soát việc triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng.
Dự án dự kiến triển khai trên quy mô lớn, nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và đã có Văn bản số 25/2024/CV-THG ngày 30/9/2024 báo cáo về tiến độ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.
Về khó khăn, vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đồ án quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1839/QĐ-UBND ngày 11/11/2022 là đảm bảo cơ sở, căn cứ pháp lý để các sở, ngành, địa phương triển khai lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, do đó chưa có cơ sở để triển khai các thủ tục liên quan đến đất đai, lâm nghiệp theo quy định.
Ngoài ra, theo ý kiến của Sở Xây dựng, cần lưu ý đến việc đầu tư các công trình, dự án xung quanh hồ Đan Kia, đặc biệt là phía thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến trữ lượng và chất lượng nguồn nước; đây là hồ cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương nên cần phải có biện pháp bảo vệ, phòng chống ô nhiễm nguồn nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lạc Dương hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các nội dung liên quan đến việc kiểm kê tài nguyên rừng theo quy định tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành và UBND huyện Lạc Dương cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, hiện trạng đất, rừng và các thông tin khác có liên quan để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất, đảm bảo chất lượng và yêu cầu theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và các quy định khác có liên quan./.
- Doanh nghiệp tận dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ
- Doanh nghiệp tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như chiếc chìa khóa mở cánh cửa phát triển kinh tế
- Ứng dụng Internet vạn vật trong công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội