"Làn sóng thần" thay đổi diện mạo kinh tế Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ lên tới 38%/năm. Từ tỷ trọng chỉ hơn 1% GDP vào năm 2015, kinh tế số đã vươn lên chiếm 5% GDP vào năm 2019 và được kỳ vọng sẽ chiếm tới 30% GDP vào năm 2030.
Kỳ vọng này là có cơ sở khi những năm qua, chuyển đổi số được thực hiện rộng khắp, ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ công nghệ chế biến chế tạo tới nông nghiệp, thương mại, thanh toán, vận tải, tài chính và giáo dục. Đơn cử lĩnh vực thương mại, thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng 35%/năm, nhanh hơn 2,5 lần so với Nhật Bản; doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2017, cao gấp đôi 2014; số người mua sắm trực tuyến tăng đều đặn qua các năm và đã vượt quá mốc 40 triệu người.
Để có góc nhìn sâu hơn về “làn sóng thần” đang đổi thay mạnh mẽ diện mạo kinh tế Việt Nam này, Tạp chí Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam:
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam (Ảnh: HT) |
PV: “Chuyển đổi số” là một cụm từ quen thuộc trong đời sống kinh tế hiện nay, song lại không dễ nắm bắt đủ đầy và chính xác về bản chất, xin ông tóm gọn những ý trọng tâm của hoạt động này?
TS. Lê Duy Bình: Nếu phải định nghĩa một cách hàn lâm, chuyển đổi số là quá trình nhằm mục đích cải thiện một thực thể, bằng cách tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó, thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối.
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là việc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu quy trình hiện tại của họ và tăng trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp trong nền kinh tế mới lấy khách hàng làm trung tâm. |
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là việc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu quy trình hiện tại của họ và tăng trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp trong nền kinh tế mới lấy khách hàng làm trung tâm.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là cài đặt một phần mềm mới, hoặc chuyển sang sử dụng điện toán đám mây. Cốt lõi của chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh - một công việc đòi hỏi cả về chuyên môn kinh doanh kết hợp với tất cả các yếu tố liên quan tới doanh nghiệp.
PV: Theo ông nhận thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã hiểu đầy đủ và chính xác về chuyển đổi số chưa?
TS. Lê Duy Bình: Việt Nam hiện nay đã có những doanh nghiệp lớn là tác nhân cho chuyển đổi số như FPT, CMC; hoặc đã có những doanh nghiệp rất lớn có cách tiếp cận khác về chuyển đổi số. Còn lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhìn chung chưa có hiểu biết đầy đủ.
Minh chứng là một khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, có tới 16 trong 17 ngành nghề được khảo sát có mức độ sẵn sàng để tham gia vào chuyển đổi số thấp. Đáng chú ý, hơn 80% doanh nghiệp đang trong trạng thái bắt đầu tìm hiểu về chuyển đổi số.
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số. (Ảnh: Phòng điều khiển trên Giàn xử lý trung tâm PQP-HT mỏ Hải Thạch). |
PV: Thực trạng đó hẳn rất đáng lo ngại?
TS. Lê Duy Bình: Tất nhiên chúng ta không thể phản bác về thực trạng qua các con số nêu trên, song cần phải nhấn mạnh rằng, đối với các doanh nghiệp cỡ vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, điều quan trọng hơn cả là họ đã hiểu về lợi ích của chuyển đổi số.
Khi làm nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết quả thu được là các doanh nghiệp này đều nhận thức rằng chuyển đổi số là một cơ hội rất lớn để thay đổi và phát triển. Đây là kết quả rất quan trọng, cho thấy chuyển đổi số đang trở thành niềm cảm hứng đi lên của rất nhiều doanh nghiệp.
PV: Nhưng từ nhận thức tới hành động là một khoảng cách rất lớn?
TS. Lê Duy Bình: Điều đáng mừng là khoảng cách này đã được thu hẹp rất nhanh. Chúng tôi nhận thấy rằng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra khá mạnh ở nhiều doanh nghiệp có quy mô khác nhau. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã thực thi rất nhanh chóng và hiệu quả một số cấp độ của chuyển đổi số.
Biểu hiện cụ thể là không chỉ số hóa quản lý quy trình sản xuất, hành chính, nhân sự… nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cả cách thức bán hàng, mở rộng thị trường, tức chuyển đổi mô hình kinh doanh. Ví dụ, một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng ăn uống giờ đây đã không còn bắt buộc mở một nhà hàng cụ thể. Họ chỉ có một gian bếp và tổ chức kết nối với nhà cung cấp lẫn bán hàng cho khách mua hoàn toàn qua Internet. Như vậy, mô hình kinh doanh truyền thống đã bị xóa bỏ, mà mô hình mới cho thấy hiệu quả cao hơn vượt trội. Lợi ích kinh tế sát sườn và đủ sức thuyết phục này đang dẫn dắt doanh nghiệp tiếp tục “số hóa” nhiều hơn nữa.
Doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số. (Ảnh: MPI) |
PV: Có lẽ không chỉ có lợi ích mới đang dẫn đường cho các doanh nghiệp chuyển đổi số?
TS. Lê Duy Bình: Đúng vậy, nguồn gốc tạo nên lợi ích là thị trường mà thị trường thì biến đổi theo hướng ưu tiên cho sự thuận tiện, nhanh chóng và cạnh tranh về giá. Dưới sự điều hướng của thị trường, doanh nghiệp buộc phải đi đúng đường (tức chuyển đổi số) mới có thể tồn tại. Đó là chưa kể sức ép rất lớn từ quá trình mở cửa, hội nhập, buộc các doanh nghiệp phải đổi thay chính mình để thích ứng. Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp “số hóa”.
PV: Việc chuyển đối số, như ông phân tích, rõ ràng đã có những kết quả đáng khích lệ, song thách thức hẳn vẫn là không nhỏ?
Một thách thức đáng kể là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xem chuyển đổi số là một áp lực lớn, là một lợi thế cạnh tranh, do đã quá quen với cách làm truyền thống, hoặc thị trường của các doanh nghiệp này vẫn mang tính truyền thống. |
TS. Lê Duy Bình: Tôi cho rằng thiếu vốn và thiếu thông tin là những rào cản chính để thúc đẩy số hóa ở mức độ doanh nghiệp tại khu vực công nghiệp sản xuất và nông nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động có kỹ năng cho chuyển đổi số cũng là thách thức chính đối với Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Một thách thức đáng kể khác là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xem chuyển đổi số là một áp lực lớn, là một lợi thế cạnh tranh, do đã quá quen với cách làm truyền thống, hoặc thị trường của các doanh nghiệp này vẫn mang tính truyền thống.
Ngoài ra, không ít lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chủ quan rằng chuyển đổi số cần đầu tư rất lớn, trong khi thực tế cho thấy chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những điều cần thiết rồi mới mở rộng dần ra.
PV: Ông có khuyến nghị gì đối với việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp?
TS. Lê Duy Bình: Tôi phải nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số chỉ là phương tiện chứ không phải là đích đến cuối cùng, song doanh nghiệp không thể đi tới đích khi không có phương tiện. Chuyển đổi số rất hữu ích, rất quan trọng, không chỉ làm thay đổi diện mạo, tăng cường năng lực mà còn mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Đây hoàn toàn không phải là trào lưu nhất thời, mà là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Cuộc chơi kinh tế sẽ ngày càng khốc liệt, chỉ có làm mới mình bằng chuyển đổi số, doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!