ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ năm, 09h58 14/03/2024

Lấy lại niềm tin và kiểm soát tình trạng đầu cơ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

(KDPT) - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cần phải lấy lại niềm tin của giới đầu tư một cách đồng bộ và bài bản để không xảy ra tình trạng "bong bóng", giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh.

Kiểm soát tình trạng thổi giá, đầu cơ bất động sản

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính Phủ về việc rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong việc thực hiện dự án bất động sản cho doanh nghiệp, địa phương sau khi các Luật sửa đổi được ban hành.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề cập đến những vướng mắc và khó khăn của thị trường bất động sản có tác động nặng nề đến nhiều ngành nghề như xây dựng, ngân hàng, tiêu dùng, vật liệu xây dựng.

Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã rất quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, có nhiều chỉ đạo, diễn đàn để nhận ý kiến đóng góp và tìm ra biện pháp. Chính phủ và Quốc hội cũng đã nhanh chóng sửa đổi các luật liên quan và sắp ban hành văn bản hướng dẫn.

Thị trường bất động sản nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa)
Thị trường bất động sản nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, dấu hiệu khả quan của nền kinh tế cũng đóng góp cho các doanh nghiệp và hiệp hội bất động sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp nhìn nhận các cơ chế, chính sách về hiệu quả thực thi trong việc xử lý khó khăn, vướng mắc cho thị trường địa ốc như tình trạng pháp lý, tín dụng, quy hoạch, hoạt động kinh doanh bất động sản.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước sẽ quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ để triển khai, thực hiện theo trách nhiệm và thẩm quyền. Ngoài ra, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của họ trong việc giải quyết những nghịch lý thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, thừa phân khúc cao cấp, giải quyết tình trạng đẩy giá, thổi giá…

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhận định rằng, phải cùng nhau có quan điểm rõ ràng, khách quan, không tránh né để đưa thị trường bất động sản nhanh chóng trở lại bình thường.

Thị trường bất động sản nói chung thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành.

Đáng chú ý, hiện nay Hà Nội đã giải quyết đưa 81 dự án ra khỏi danh sách chậm triển khai, 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư thúc đẩy tiến độ dự án trên tổng số 404 dự án. Thành phố vẫn đang tiếp tục thực hiện tháo gỡ vướng mắc và khó khăn cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ ngành.

Nhiều dự án bất động sản đã được giải quyết vướng mắc. (Ảnh minh họa)
Nhiều dự án bất động sản đã được giải quyết vướng mắc. (Ảnh minh họa)

TP.HCM cũng đã thực hiện triển khai xử lý 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản Thành phố tổng hợp kiến nghị và đang triển khai tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho 143 dự án…

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, nhiều vướng mắc và khó khăn về mặt thể chế đã được các luật mới tháo gỡ, song chưa có hiệu lực triển khai nên chưa thể xử lý ngay được những khó khăn hiện tại.

Một số nơi chưa lập Tổ công tác, chưa giải quyết được vướng mắc trong tổ chức triển khai thực thi pháp luật, chưa tập trung phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng, sử dụng đất, kế hoạch nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa thúc đẩy đấu giá quyền sử dụng đất hay cải cách thủ tục hành chính còn chậm chạp…

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng đã tập trung bàn về các giải pháp để xác định được mức giá phù hợp cho nhà ở thương mại phân khúc cao cấp, đánh giá thị trường dành cho khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng hạn chế tín dụng và những lĩnh vực rủi ro mà đối với bất động sản là đầu cơ và thổi giá nên khó tiêu thụ sản phẩm, khó thu hồi nợ và không luân chuyển được dòng vốn.

Theo đại diện của nhiều ngân hàng, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là việc đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm và tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội…

Một số doanh nghiệp đề xuất rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, đơn giản hóa thủ tục, quy trình hành chính, nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng…

Lấy lại niềm tin và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vấn đề quan trọng là phải lấy lại niềm tin của giới đầu tư một cách đồng bộ, bài bản, khoa học và nhanh nhạy với công tác quản lý lĩnh vực đất đai, bất động sản, vốn, tín dụng… tạo ra thị trường lành mạnh, tránh xảy ra bong bóng bất động sản.

Theo đề nghị của Phó Thủ tướng, Bộ Xây dựng cần tổng kết thành những nhóm vấn đề khó khăn chủ yếu có thể xử lý trong các luật bổ sung, sửa đổi về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản… mới được thông qua. Từ đó, có thể nghiên cứu, tham mưu và trình Chính phủ, Quốc hội đưa ra văn bản theo thẩm quyền áp dụng trước khi luật chính thức có hiệu lực.

Tổ Công tác liệt kê số dự án bất động sản đã được giao đất, tuy nhiên gặp khó về thủ tục pháp lý; tạo nên tiêu chí nhà đầu tư bất động sản có năng lực; tổng kết việc thí điểm cho phép các tỉnh thành điều chỉnh quy hoạch theo cục bộ đối với các dự án bất động sản, tuy nhiên không giảm các chỉ tiêu chung.

Lấy lại niềm tin của giới đầu tư và thực hiện công tác quản lý lĩnh vực bất động sản… để tạo ra thị trường lành mạnh, tránh xảy ra bong bóng bất động sản. (Ảnh minh họa)
Lấy lại niềm tin của giới đầu tư và thực hiện công tác quản lý lĩnh vực bất động sản… để tạo ra thị trường lành mạnh, tránh xảy ra bong bóng bất động sản. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và trung bình, doanh nghiệp ở khu công nghiệp và thực hiện hướng dẫn chi tiết cho các địa phương triển khai theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định giá đất và tái định cư…

Phó Thủ tướng cho biết, việc xử lý các kiến nghị của địa phương và doanh nghiệp phải có thời gian và địa chỉ cụ thể, và thuộc trách nhiệm của Bộ ngành nào.

Phó Thủ tướng bàn giao cho các địa phương tính toán chi tiết nhu cầu của người dân, bố trí quỹ đất đầy đủ dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ trong quá trình tạo lập, triển khai quy hoạch đô thị và nông thôn, báo cáo hoạt động của tổ công tác địa phương về việc tháo gỡ vướng mắc và khó khăn trong triển khai dự án.

Về nguồn vốn đối với dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa dài hạn để hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi, lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn khác hỗ trợ cho đơn vị xây nhà ở xã hội, và người dân mua loại hình nhà ở này, đảm bảo sự hài hòa giữa cơ chế thị trường và thực hiện chính sách xã hội.

Phó Thủ tướng kỳ vọng các nhà đầu tư và doanh nghiệp tính toán chi phí phù hợp, đưa ra sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán hợp lý, đảm bảo về thiết kế, chất lượng, thẩm mỹ và lợi nhuận hài hòa với lợi ích của người dân, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển một thị trường bất động sản lành mạnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024