Khi lão cao niên Minh mào đầu câu chuyện thì trời mưa sầm sập. Giọt dày đồm độp xuống mái gianh, nước chảy ồ ồ theo ống luồng, rồi võng vãnh dưới nền đất ẩm. Người làng vẫn chăm chú lắng nghe. Đám trẻ mắt to tròn ríu một góc, ngón chân chúng đằm ướt sũng. Ngồi trên cái ghế tựa nghiêng vẹt vì long mộng, lão Minh cất giọng trầm sảng, lạc vào ký ức kinh hoàng những ngày đầu tháng 7 năm 1986.

Qua lời lão Minh, tôi biết, nước đã đánh chìm hết cái góc nhỏ xứ Tuyên năm ấy, hợp thành một khối mênh mông ngăn ngắt trắng. Sầm Dương nằm xứ trũng, nên sau tuần trăng, bão lũ khiến ngôi làng trung du chỉ chừa sót vài chóp nhà lấp ló. Đê năm đó còn dày, lành lặn, khỏe như ngàn con trâu mộng. Vậy mà đất ầm ầm bóc ra từng mảng trong cơn phong hội thiên tai réo rắt. Xác người và gia cầm gia súc miên man cuồn cuộn trôi, rồi oằn lại, mắc lại, trương phềnh lên, rữa ra, nẫu ra theo nước rút. Dưới gầm trời sụt sùi phô bày cái cảnh trụi tàn trơ trẽn của vạn vật, tựa một người đàn bà không có tóc.

Làng góa từ độ ấy. Góa người, góa cảnh. Sau này, đong đếm định kỳ, những cơn lũ cứ chồng lũ, đến mức, lũ nối tiếp khiến Sầm Dương chẳng còn gì để xóa nữa. Cũng công bằng mà phán, xưa, thời chưa có phạm trù biến đổi khí hậu, chưa có vấn nạn “cát tặc” hoành hành, thì lũ vẫn về, đê vẫn vỡ, ấy là thiên tai. Nay, đê chưa vỡ, nhưng đã mất nhà, mất ruộng, người người bỏ làng phiêu dạt, ấy là “nhân tai”. Trong cơn bấn loạn mấy mươi năm đó, cả trăm thôn ổ nam tả xứ Tuyên phải gồng mình chật vật hồi sinh. Nghe chuyện Sầm Dương, tôi lại cám cảnh từng ngược nguồn Hạc Hải đến Phá Tam Giang mùa lũ Thừa Thiên – Huế, chứng kiến gom vớt xác người ngổn ngang trước cổng bia Quốc học, và ngẫm việc xứ đàng trong trị thủy như huyền thoại. Họ học cách lưu thông dòng chảy Bàu Ngược của Nội tán Nguyễn Khoa Đăng ở thế kỷ mười bảy, để phá thế nước dâng trùng vây tại cửa Hòa Duân, nhờ sự vận động từ biển. Nhưng Sầm Dương thì khác, đối lưu sông Lô chẳng thể gánh vác nhiệm vụ thay biển, lũ chỉ còn hướng trùm ám vào làng.

Gần 10 giờ đêm. Trăm phần trăm số hộ dân thôn 4, thôn 5 xã Sầm Dương được đặt trong tình trạng “báo động đỏ”. Lão niên Minh thông cáo, những nhà có đất bãi sát vùng tàu khai thác, cắt cử một người tham gia đội “phản ứng nhanh”, túc trực liên tục 24 giờ; hễ nghe hồi kẻng, toàn bộ bà con phải chạy ra bờ sông. Cuộc họp tan khi mưa dứt. Người ta xốc từng đứa nhỏ lên lưng, tản dần vào xóm. Lác đác bóng đàn ông trung niên nán lại. “Cả tháng nay, ngày nào cũng canh đê. Tàu thường hút cát rạng sáng”. Vừa châm tuần trà, lão Minh hắng giọng. “Chính quyền không có động thái gì?”, tôi hỏi. “Xã, huyện cắm phao phân định cách bờ 30m. Nhưng các tàu vẫn cố tình múc sâu vượt mốc giới. Năm ngoái, đê nứt ba vết, dài hàng trăm mét, nay toác rộng thêm, tạo thành rất nhiều hầm vách, ta luy cao bằng cả hai đầu người, mười mấy nghìn mét vuông đất canh tác của 44 hộ dân đã bị sạt lở cuốn trôi”.

Canh tư. Gió lạnh cắt từng mét không khí cô lại đặc quánh. Tiếng gà eo óc ngoài chòm. Tôi lóp ngóp ra bờ sông. Le lói đèn đuốc. Đến sáu, bảy chiếc lều dã chiến dựng lên hồi tối, kế đó là đất đá chất đống – thứ vũ khí duy nhất được huy động. Vợ chồng anh Sơn – hai người mới thay ca gác, ngồi bó gối mép chòi. “Chị tranh thủ ngủ đi, em thức với anh”, tôi bắt chuyện. “Quen rồi. Sao chú không ngủ?”. “Lạ chỗ và muỗi quá”. Gớm là muỗi, rào rào như vãi trấu. Thứ muỗi vàng vằn vện, to lô lố quãi theo đàn, tôi từng thấy trên núi Pô Sen ở Bát Xát (Lào Cai). “Nhà còn hai sào ngô, không khéo sang năm mất nốt”. Anh Sơn thở dài và kể, đứa con trai út đang sinh viên năm ba Đại học Quốc gia, học phí cho nó trông vào ruộng màu này. Cô chị cả thì theo chồng chạy tàu buôn gốm sứ dưới bến Tứ Liên (Hà Nội), nó có phận của nó rồi. Vợ anh Sơn xấp xỉ ngũ tuần, khuôn mặt nhỏ thó, dựa lưng cọc gỗ, gà gật, lúc lại ngẩng lên đón lời, “tiếc cái đồng xưa, màu mỡ, chỉ cần ném mấy hạt giống đã chồi cây, chăm bón chẳng nhọc, mà bắp cứ lặc lè mây mẩy”.

Đó là một đêm bồn chồn vắng lặng, trôi chầm chậm đến nao lòng. Sáng lập đông hanh hao, len lén vài đọt nắng loe hoe nhợt nhạt. Xao xác khuôn mặt người ngái ngủ hốc hác thò ra khỏi liếp chòi còn ẩm hơi sương. Vài cánh chìa vôi rũ là là bến sông, rồi vụt đậu trên lưng đàn trâu đen sẫm, cất tiếng hót vỡ tan vào mớ âm thanh như não bạt của những con tàu phía xa. Lão Minh bắn thuốc lào òng ọc, giọng nhua nhúa tắc trong cổ họng, bảo, từ dạo có đoàn kiểm tra, nay mới lại được ngày bình yên. Thực thì dịp đoàn tỉnh về thị sát cũng nửa năm rồi, kết quả, hầu hết doanh nghiệp khai thác cát đều chưa làm hợp đồng thuê đất, một số không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Phạt xong dừng được dăm bữa, lại thấy họ tăng cường tàu hút. Mà hút gần bờ tợn hơn”, lão Minh não nuột đánh tiếng, nhấp nhổm đi ra bãi kiểm tra. Ba tháng nay, từ dạo có thêm hai doanh nghiệp được cấp phép nạo khoét lòng sông, sáng nào, việc đầu tiên, vị “trưởng ban quản trị làng” cũng phải kiểm tra thế. Mặc dù, đêm đêm, lão vẫn cùng bà con luân phiên thức trắng canh đê. Hai hôm trước, một cán bộ Sầm Dương phàn nàn với tôi, chính quyền huyện từng có văn bản gửi tỉnh, yêu cầu tạm dừng nạo hút cát để điều tra nguyên nhân lún, nứt đê. Không hiểu lý do gì, đê chưa được gia cố, thì lại tiếp tục cấp phép khai thác cho công ty cổ phần Tân Hà.

Đại công trường khai thác cát trên sông Lô.

Bận ấy, tôi lưu lại vùng nam tả Sơn Dương bốn ngày, gặp ba chủ tịch các xã Cấp Tiến, Sầm Dương, Đông Thọ, ở đâu cũng cùng câu nói, đợi kinh phí cải tạo đê đã mấy năm rồi. Dịp đó, tôi may mắn tiếp xúc đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, họ về huyện rà soát hệ thống thủy lợi, đo đạc điểm sạt lở. Nghe phong thanh, cái cống tiêu dẫn nước xứ đồng bị tàu làm hỏng, huyện đang đề xuất rót vốn để sửa. Tôi hỏi ông Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở, về chuyện nguy cơ đê lún nứt, ông bảo, Sở sẽ tham mưu tỉnh, tổ chức cắm biển báo, hàng rào, cấm phương tiện qua khu vực xung yếu, phân luồng đường thủy, hạn chế tàu bè vào gần bờ; chúng tôi đã giao huyện chuẩn bị vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó sự cố xấu. Cứ theo lời ông Hàm, thì phương cách chống đê vỡ đã ngã ngũ.

Ai cũng tường quy luật, phòng hơn chống, chắc từ gốc mới bền. Nhưng số phận những tuyến đê ở Sơn Dương, giờ đành “thả nổi”. Các nhà công quyền chỉ còn biết lo phần ngọn, và kế tu bổ phòng hộ, có lẽ phải chờ hậu sự bàn. Dẫu sao, phía chức trách địa phương cũng làm “tròn vai” rồi, ngân sách nghèo, họ không thể vượt thẩm quyền. Trong khi, việc cấp phép khoáng sản lại là chủ trương ở trên.

…Từ bãi Dù Dì sang Cấp Tiến khoảng bảy cây số. Xưa, cái mỏm chon von này bạt ngàn lạc và măng tây, nay gần chục héc-ta hoang hóa biến dạng, khó phân định đâu là bờ sông hay cánh đồng. Thân đê ngoác ra liên miên hốc miệng sâu hoắm, lả tả ta-luy chực bở ra mỗi khi bầu nước đánh vào oàm oạp. Bữa làm việc với Chủ tịch xã Hoàng Ngọc Vinh, ông bảo, hiện không có phao tiêu xác định vị trí, tàu khai thác cách bờ khoảng 40m là yêu cầu họ ra ngoài thôi. Địa phương nằm trong khu vực hơn 57ha mỏ cát cấp phép cho doanh nghiệp, thời hạn đến 2047. Nhiều hộ dân đã mất trắng đất canh tác.

Một góc bờ kè bị sạt lở.

Tỉnh Phú Thọ nằm bên kia hữu ngạn, lòng Lô giang hẹp thắt lại, chưa thời nào đôi bờ lưu thủy gần nhau thế. Bến bãi ruộng vườn thành bình địa, mọc lên ngơm ngam núi cát sỏi, lô nhô tít tắp, nuốt chửng hành lang sông. Có người tan phiên chợ lề đường, đứng phía tả, chụm bàn tay bắc loa í ới gọi đò sang. Tôi đi dọc cái quãng lưu vực ngắn đê Cấp Tiến tới giáp Đông Thọ, có đến mười mấy tàu cuốc đang ra sức hút cát, vòi rồng sùng sục nhả khói, mặt nước tung bọt duềnh lên, ngầu ngầu sắc đỏ. Bóng người lố nhố trên boong, kìn kìn như bầy kiến.

…Chiều đó, Sự đón tôi ở bến phà Đức Bác, cách huyện Sơn Dương nửa ngày thuyền. Tuần qua, nhà Sự trúng hợp đồng vận chuyển cho một chủ mỏ từ Sơn Đông (địa phận Vĩnh Phúc) về tập kết tại cảng Tuyên Quang. Khoảng chục năm nay, cung đường thủy này trở thành đại công trường của dân buôn cát. Diện tích nhiều ngôi làng dần thay đổi rồi mất biệt trên bản đồ trích lục. Lớp lớp phận đời tha nhân đằng đẵng lạc bước cố hương. Tôi đã gặp bà con Đông Khê cùng quẫn sống màn trời chiếu đất, đồng ruộng bỏ hoang khô kiệt nơi Lập Thạch miền đá dựng, tiếng thở than rên xiết của dòng sông cứ dằng dặc, thao thiết, bất tận. Cảnh ấy, xin trở lại trong một bài phóng sự khác.

Xâm xẩm tối, chúng tôi về tới Đồng Mã, vùng hợp lưu bãi bồi giáp bờ sông Chảy. Sự bắc bếp nấu cơm, ngồi ôm đứa nhỏ dựa mạn thuyền. Lời ru cô gái Tày tan vào mặt nước tựa thảm rêu mờ trong khói sương bảng lảng. Xa xa, bóng ngôi miếu thờ bao kiếp người lạnh lẽo sau cơn đại hồng thủy năm nào, thi thoảng động lên chút vàng mã úa tàn, gió đành đạch mang đi thả lềnh bềnh cánh sóng.

Kỳ I: Cung đường trên mặt nước

Thiệu Anh