ISSN-2815-5823
Ánh Dương
Thứ bảy, 08h58 13/04/2024

“Loạn” thị trường thực phẩm chức năng: Coi chừng “tiền mất tật mang”

(KDPT) - Với những lời quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm với các cụm từ: “Đặc trị”, “thần dược”… dẫn dụ người tiêu dùng “sập bẫy” và kết quả là “tiền mất tật mang”.
Người tiêu dùng cần thận trọng, hãy là những người tiêu dùng thông minh, tránh để “tiền mất tật mang”.
Người tiêu dùng cần thận trọng, hãy là những người tiêu dùng thông minh, tránh để “tiền mất tật mang”.

Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) nhằm tăng cường sức khỏe, làm đẹp... của người dân có xu hướng tăng nhanh khiến kẻ xấu lợi dụng để trà trộn, sản xuất, bán những sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí còn dán mác nhập ngoại hòng lừa đảo, trục lợi.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay trên một số trang mạng và trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định.

"Một số sản phẩm được chào bán như: Xương khớp; sinh lý nam; tiểu đường; kích thích mọc tóc; trị mất ngủ... Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát", TS. Phong nói rõ.

Với hình thức này, cá nhân hoặc tổ chức bán hàng không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, họ thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần thận trọng, hãy là những người tiêu dùng thông minh, tránh để “tiền mất tật mang”.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển địa chỉ trụ sở chính (trên Giấy đăng ký doanh nghiệp): Điểm công nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội bị xử phạt 11 tỷ đồng do sử dụng chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và nhiều lỗi vi phạm  trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, các sản phẩm thực phẩm có chất cấm là: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bổ hoàn dương plus (số lô: 02.2022, NSX: 11/05/2022, HSD: 10/05/2025); Sản phẩm Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý (số lô: 03.2022, NSX: 12/05/2022, HSD: 11/05/2025); Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo (số lô: 01.2022, NSX: 26/02/2022, HSD: 25/02/2025).

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên.

Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, thuốc, TPCN giả được phát hiện ở nước ta bao gồm cả tân dược và đông dược, sản xuất ở trong nước và nhập khẩu.

Trên thực tế, thuốc giả được sản xuất khá tinh vi và người bệnh khó có thể phát hiện được điểm khác nhau so với thuốc thật. Nếu sử dụng phải thuốc và TPCN giả sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người, gây nhiều tác dụng không mong muốn. Sử dụng thực phẩm chức năng vô tội vạ có thể khiến người khỏe mạnh thành ốm yếu, thậm chí rước bệnh nguy hiểm vào người.

Tại Việt Nam, TPCN trong những năm gần đây trở thành một từ khoá 'hot' thu hút nhiều người. Đặc biệt những thực phẩm giúp giảm cân cường dương… nhanh chóng được nhiều người chọn lựa với mong muốn nâng cao sức khoẻ cho bản thân và người nhà.

Tuy nhiên, giữa cả núi sản phẩm chức năng được bày bán tràn lan, chỉ những loại sản phẩm được các cơ quan kiểm duyệt chất lượng thì mới có tác dụng hỗ trợ sức khoẻ. Nếu dùng phải hàng kém chất lượng, dùng sai cách cũng để lại hậu quả khó lường.

Sản phẩm TPCN của Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển tiếp tục bị phát hiện có chứa chất cấm lưu hành trên thị trường.
Sản phẩm TPCN của Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển tiếp tục bị phát hiện có chứa chất cấm lưu hành trên thị trường.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình quảng cáo và tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiện nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo nhiều nội dung sai sự thật.

Chưa kể, có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học đóng giả bác sĩ, dược sĩ thực hiện tư vấn. 

Do đó, việc mua thuốc trên mạng rất dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có nhân viên y tế chịu trách nhiệm tư vấn và theo dõi. Nguồn gốc và hiệu quả của các thuốc này là không rõ ràng và chưa được thông qua bất kỳ sự kiểm định nào.

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “thần thánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị.

Lực lượng quản lý thị trường TP. Hà Nội đã bắt quả tang, kịp thời ngăn chặn một cơ sở sản xuất TPCN chuẩn bị
Lực lượng quản lý thị trường TP. Hà Nội đã bắt quả tang, kịp thời ngăn chặn một cơ sở sản xuất TPCN chuẩn bị "tuồn" ra thị trường.

Để kiểm soát, dẹp “loạn” quảng cáo TPCN, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN... Qua đó, khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh...

Khi mắc bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn điều trị và sử dụng thuốc một cách khoa học theo đúng phác đồ của bác sĩ, dược sĩ, không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả nghiêm trọng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024