ISSN-2815-5823

Loạt tài sản kéo nhau tăng mạnh, các nhà đầu tư nên ‘rót tiền’ vào đâu?

(KDPT) - Trong số các kênh đầu tư, có lẽ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh đầu tư ảm đạm nhất lúc này. Dù lãi suất đang cao gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm,song thị trường TPDN vẫn kém nhộn nhịp.

Nhiều tài sản kéo nhau tăng phi mã

Giá vàng thế giới giữa tuần này đã lập đỉnh lịch sử, ở mức 2.141 USD/ounce. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 6/2024 đã đẩy giá vàng đi lên. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, giá vàng sẽ sớm chạm mốc 2.300 USD/ounce.

Đối với thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC cũng lập kỷ lục ở mức 81 triệu đồng/lượng. Cụ thể, vào lúc 9h30 sáng 8/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,65-81,65 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào và bán ra, so với chốt phiên hôm qua đã giảm 100 nghìn đồng/lượng với cả 2 chiều. Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,7-81,22 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra), tương ứng giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước. 

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, giá vàng trong nước không chỉ tăng theo giá vàng thế giới mà còn bị ảnh hưởng tăng bởi một số yếu tố khác. (Ảnh minh họa)
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, giá vàng trong nước không chỉ tăng theo giá vàng thế giới mà còn bị ảnh hưởng tăng bởi một số yếu tố khác. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm đang niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 67,78-68,98 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào - bán ra, tăng 100 nghìn đồng/lượng với cả 2 chiều so với chốt phiên hôm qua. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn giá 67,7-68,95 triệu đồng/lượng lần lượt với chiều mua vào - bán ra, tương đương giảm 50 nghìn đồng/lượng đối với 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Liên quan đến giá vàng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, giá vàng trong nước không chỉ tăng theo giá vàng thế giới mà còn bị ảnh hưởng tăng bởi một số yếu tố khác như trào lưu mua vàng, lãi suất giảm sâu trong khi thị trường bất động sản vẫn ảm đạm…

Không riêng gì vàng, loại tiền ảo lớn nhất trên thế giới là Bitcoin (BTC) cũng ghi nhận sự phục hồi vượt trội trong thời gian qua. Đầu tuần này, Bitcoin đã đạt mức giá kỷ lục mọi thời đại, ở mức 69.200 USD/BTC. Đến giữa tuần, động thái chốt lời mạnh đã khiến Bitcoin giảm xuống còn 63.400 USD/BTC, nhưng so với hồi đầu năm vẫn tăng 50%. Với mỗi BTC, nhà đầu tư từ đầu năm đến nay đã ‘bỏ túi’ hơn nửa tỷ đồng. Điều đáng nói, dù tiền số có tỷ lệ sinh lời siêu cao, nhưng kênh đầu tư này lại khá rủi ro và không phù hợp với đại đa số các nhà đầu tư. 

Không riêng gì vàng, loại tiền ảo lớn nhất trên thế giới là Bitcoin (BTC) cũng ghi nhận sự phục hồi vượt trội trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)
Không riêng gì vàng, loại tiền ảo lớn nhất trên thế giới là Bitcoin (BTC) cũng ghi nhận sự phục hồi vượt trội trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói, theo nhận định của ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không có Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, vàng và tiền mã hóa hiện tại là hai nhóm tài sản khác nhau, vừa cạnh tranh nhưng lại vừa hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, vị này khẳng định: “Sự trỗi dậy của thị trường tiền mã hóa trong khoảng thời gian gần đây không hề ảnh hưởng đến vị thế của vàng. Các nhà đầu tư có thể sẽ nắm giữ nhiều về tiền số; nhưng nếu xét tổng thể thì vàng vẫn là kênh đầu tư lớn. Hầu hết các nhà đầu tư sẽ chọn lựa mua vàng thay vì tiền mã hóa. Đồng thời, ngân hàng trung ương của các nước cũng sẽ không mua tiền mã hóa. Dù tiền mã hóa có tăng lên nhưng đây là tài sản khác biệt với vàng, không thể đe dọa đến vị thế của vàng”.

Chuyên gia này còn bổ sung, vàng trong năm nay khá ‘sáng cửa’ đến từ khả năng giảm lãi suất của Fed, ngoài ra còn có lực mua ròng mạnh mẽ từ khối ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia được dự báo vẫn tiếp diễn sẽ đẩy triển vọng của vàng tăng lên. 

Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, vàng không phù hợp với việc đầu tư ngắn hạn. Vì thế, các nhà đầu tư chỉ nên giữ vàng trong trung và dài hạn, cần cẩn trọng với vàng miếng SJC vì mặt hàng này chênh lệch quá nhiều so với giá vàng thế giới. 

Bên cạnh vàng và tiền ảo, ‘đồng bạc xanh’ (USD) cũng đang trên đà tăng nóng trong thời gian qua. Ngay thời điểm đầu tuần, giá USD bán ra ở các ngân hàng đã đạt mức 25.000 đồng/USD còn giá USD trên thị trường tự do cũng vọt tăng lên 25.600 đồng/USD. Tỷ giá trong nước so với đầu năm chỉ tăng nhẹ 1,7% - mức biến động siêu nhỏ khi so sánh với các kênh đầu tư khác. Chính vì thế, USD cũng không phải là một kênh đầu tư hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.

Nên ‘rót tiền’ vào đâu? 

Trong số các kênh đầu tư, có lẽ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh đầu tư ảm đạm nhất lúc này. Dù lãi suất đang cao gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm, song thị trường TPDN vẫn kém nhộn nhịp. Theo thông tin từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 2 năm nay chỉ có 3 đợt phát hành TPDN, tổng giá trị ước tính 1.165 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường TPDN phải đến nửa cuối năm nay mới có thể khởi sắc. 

Trong số các kênh đầu tư, có lẽ TPDN là kênh đầu tư ảm đạm nhất lúc này. (Ảnh minh họa)
Trong số các kênh đầu tư, có lẽ TPDN là kênh đầu tư ảm đạm nhất lúc này. (Ảnh minh họa)

Trong một diễn biến khác, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, giá vàng thế giới đã tăng liên tục trong 34 năm qua, mức tăng vào khoảng 40 lần. Nếu xét trong dài hạn, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng giá. Cũng trong khoảng thời gian này, giá bất động sản đã tăng trung bình 120 lần. Vàng và bất động sản đều được coi là những tài sản chủ chốt để giữ tiền. Hai kênh này trong ngắn hạn có thể lúc tăng lúc giảm, nhưng xét trong dài hạn sẽ luôn đi lên. 

Ngược lại, thị trường chứng khoán trong thời gian qua lại rất sôi động. Kể từ đầu năm, VN-Index đã tăng gần 12% khi niềm tin của nhà đầu tư đã được củng cố sau động thái của Chính phủ về việc tung ra nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường lẫn doanh nghiệp. Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ bởi mức lãi suất thấp kỷ lục, nền kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu phục hồi; sản xuất kinh doanh ở một số ngành đang có xu hướng tăng…

Còn theo ông Phan Dũng Khánh, chứng khoán từ tháng 12 năm ngoái bắt đầu đi lên, trở thành một trong những kênh đầu tư tốt nhất thời điểm hiện tại. Theo dự báo của một số lãnh đạo các công ty chứng khoán, VN-Index trong năm nay có thể đạt hơn 1.300 điểm. 

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường (CTCP Chứng khoán VPBankS) cũng chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ sự hồi phục của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, bao gồm: Thị trường chứng khoán quốc tế tăng điểm, khả năng hạ lãi suất của Fed, Ngân hàng Nhà nước sẽ tung ra chính sách nới lỏng lãi suất tâm hơn cùng quyết tâm nâng hạng thị trường…

Xét về thị trường bất động sản, mảng này từ cuối năm 2023 bắt đầu ghi nhận sự phục hồi nhưng chỉ ở một vài phân khúc, đặc biệt là căn hộ chung cư. Ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đều tăng liên tục. Trong khi đó, giá căn hộ tại TP.HCM cũng bước vào chu kỳ tăng trở lại. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, nguồn cung sụt giảm là nguyên nhân chính đẩy giá căn hộ chung cư tăng mạnh.

Xét về thị trường bất động sản, mảng này từ cuối năm 2023 bắt đầu ghi nhận sự phục hồi nhưng chỉ ở một vài phân khúc, đặc biệt là căn hộ chung cư. (Ảnh minh họa)
Xét về thị trường bất động sản, mảng này từ cuối năm 2023 bắt đầu ghi nhận sự phục hồi nhưng chỉ ở một vài phân khúc, đặc biệt là căn hộ chung cư. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2023, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội đã giảm khoảng 31% so với năm 2022 và tại TP.HCM đã giảm hơn 50%. Số lượng dự án bất động sản được phê duyệt ngày càng ‘heo hút’ khiến giá nhà càng tăng phi mã. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn trong ngắn hạn vẫn tiếp tục đà tăng, đặc biệt là phân khúc bình dân và trung cấp.

Nhận xét về các kênh đầu tư hiện nay, TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trước, sau đó là bất động sản. Thị trường địa ốc cần ít nhất 2-3 năm nữa mới có thể hồi phục hoàn toàn, hồi phục đầu tiên là các phân khúc có nhu cầu thực điển hình như nhà phố trung tâm, căn hộ chung cư ở trung tâm. Sau đó là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền ngoại thành hoặc tỉnh lẻ, phải mất 3-5 năm những phân khúc này mới sôi động trở lại./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024