19 tập đoàn, tổng công ty thể hiện rõ vai trò nòng cốt của nền kinh tế

Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển KTXH.

Lợi nhuận của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng đến gần 16.000 tỷ đồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023-năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Thông tin về tình hình hoạt động và đầu tư phát triển của doanh nghiệp trực thuộc, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh sau 5 năm thành lập Uỷ ban, các doanh nghiệp tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp. cơ bản các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hằng năm đều tăng trưởng. Riêng trong năm 2022, tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 nghìn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 nghìn tỷ đồng); tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83.167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67.478 tỷ đồng) và tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191.781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177.211 tỷ đồng).

"Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội", Phó Chủ tịch Uỷ ban nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng
Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng

Cùng với đó, hoạt động đầu tư được các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh thực hiện; trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng có tính kết nối, lan tỏa, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban đã kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam,...

Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban cũng chỉ ra một số điểm cần tập trung khắc phục trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đơn cử như: Chưa phát huy hết nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt; năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu; một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị,… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Để phát huy hiệu quả hơn hoạt động của các doanh nghiệp, lãnh đạo Uỷ ban đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian tới.

Thứ nhất, xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển gắn với phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật của tập đoàn, tổng công ty và quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, trong đó, tập đoàn, tổng công ty có thế mạnh, điều kiện thuận lợi phải phấn đấu vượt kế hoạch được giao.

Thứ ba, chủ động đầu tư theo chiến lược, kế hoạch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phát triển bền vững, phù hợp cơ chế thị trường.

Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua đẩy mạnh tiết kiệm trong các khâu sản xuất; nghiên cứu phương án kỹ thuật, công tác cải tiến sử dụng nguyên phụ liệu thay thế phù hợp vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hạ giá thành.

Thứ sáu, tiếp cận có hiệu quả hơn các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để bảo đảm nguồn vốn đầu tư dài hạn, có chi phí thấp.

Cùng với các giải pháp trên, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng, Uỷ ban và các tập đoàn, tổng công ty cần tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích, cảnh báo, phòng ngừa rủi ro; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ; nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế; phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp; vai trò của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Từ thực trạng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị là để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đánh giá kỹ lưỡng những việc đã làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm và giải pháp sắp tới để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, phải nghiên cứu kết luận của Bộ Chính trị về đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng. Vì vậy cần tìm ra mô hình tổ chức hoạt động của ủy ban để hiệu quả hơn.

Trong đó tập trung các vấn đề như: vấn đề quản trị kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu…

Các giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trên mỏ Bạch Hổ (Ảnh: TTXVN)
Các giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trên mỏ Bạch Hổ (Ảnh: TTXVN)
Hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ).

Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoạch định chiến lược phát triển cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước để giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giải pháp thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt

Để phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của khối doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban trong phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 6 giải pháp.

Một là, cần thống nhất quan điểm về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế để trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Xác định rõ 19 tập đoàn, tổng công ty là bộ phận quan trọng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, là lực lượng nòng cốt, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo và bảo đảm mục tiêu xã hội, bền vững.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chủ lực, được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác

Ba là, đẩy mạnh áp dụng quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng: Nghiên cứu đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao; tăng cường áp dụng các biện pháp quản trị tốt theo thông lệ quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực quản trị; nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh trong khu vực doanh nghiệp nhà nước phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, thông lệ và quy tắc ứng xử quốc tế.

Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của Ủy ban, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi khung thể chế pháp lý đồng bộ để làm rõ hơn vị trí, vai trò của Ủy ban. Đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó cần có cơ chế lương, thưởng phù hợp gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được giao quản lý.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước trên cơ sở các giải pháp trọng điểm đã được nêu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội.

Cuối cùng, cần có lộ trình, kế hoạch tổng thể và nhiệm vụ của các bộ, ngành để thực hiện cam kết COP26 trong từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở lộ trình, kế hoạch này, các tập đoàn, tổng công ty chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức trong thực hiện cam kết tại COP26./.