ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ tư, 11h19 27/12/2023

Lừa đảo trẻ em trên không gian mạng và các biện pháp phòng ngừa

(KDPT) - Lừa đảo trẻ em trên không gian mạng và các biện pháp phòng ngừa; Ngăn chặn chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt gần 90 triệu đồng qua mạng xã hội; Chiêu trò lừa đảo bán hàng qua mạng; Tạo lập công ty giả danh bác sĩ lừa bán thuốc thu lợi bất chính... là những thông tin nổi bật về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa thực hiện chuỗi nội dung “Điểm tin tuần” tổng hợp những thông tin nổi bật về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam qua đó giúp đông đảo người dân có thêm kiến thức, nhận diện được các hình thức lừa đảo giúp tự bảo vệ mình an toàn khi tham gia môi trường số.

Lừa đảo trẻ em trên không gian mạng và các biện pháp phòng ngừa

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra một mô hình lừa đảo trực tuyến đáng lo ngại, trong đó tin tặc lợi dụng sự say mê của trẻ em đối với các trò chơi điện tử nổi tiếng như Fortnite và Roblox để thực hiện hành vi lừa đảo. Điều đó đặt ra bài toán đối với cha mẹ và người giám hộ trong việc luôn phải giám sát chặt chẽ hoạt động trên Internet của con mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những đối tượng lừa đảo đang lợi dụng sự tăng trưởng theo cấp số nhân số lượng trẻ em trong ngành kinh doanh trò chơi trực tuyến để tạo ra một phương thức lừa đảo xoay quanh việc sử dụng các ưu đãi hấp dẫn (hứa hẹn tiền tệ hoặc đặc quyền trong các trò chơi phổ biến như Fortnite và Roblox). Đối tượng phát tán, dẫn dụ trẻ em nhấp vào liên kết hoặc tải xuống tệp đính kèm (thường là các đường link trang web, tệp PDF hoặc email) có nội dung "truy cập vào các giao diện quý hiếm, tiền ảo hoặc vật phẩm độc quyền cho trò chơi yêu thích" mà không hề biết đó là những các địa chỉ liên kết và phần mềm độc hại. Thông qua phương pháp này, đối tượng có thể dễ dàng sử dụng các trang web lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc sử dụng các phần mềm độc hại tấn công thiết bị điện tử và dữ liệu người dùng.

Nhằm ngăn chặn trẻ em trở thành nạn nhân của những hành vi lừa đảo này, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, điều quan trọng đối với cả trẻ em và người lớn là đều phải có đủ hiểu biết và sự chủ động. Phụ huynh cần phải quan tâm, nhấn mạnh cho trẻ về tầm quan trọng của việc không chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng; trò chuyện và dạy cho trẻ kỹ năng nhận biết, đánh giá tình huống và tính xác thực của những lời dụ dỗ, các trang web và đường dẫn lạ trên không gian mạng. Đồng thời, khuyến khích trẻ có ý thức thường xuyên chia sẻ bất kỳ tin nhắn đáng ngờ nào mà trẻ gặp phải.

Bên cạnh việc giáo dục cho trẻ về kỹ năng sử dụng không gian mạng, các phụ huynh cũng cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tương tác trực tuyến, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống của trẻ em cũng như cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín để có thể kịp thời phát hiện các liên kết và phần mềm độc hại trên thiết bị của trẻ

Ngăn chặn chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt gần 90 triệu đồng qua mạng xã hội

Nhận được tin nhắn chuyển tiền từ Facebook mạo danh con trai, người phụ nữ ra tiệm vàng nhờ chuyển khoản, nhưng được chủ tiệm vàng và công an kịp thời ngăn chặn.

Theo đó, sáng 19/12, bà Đ.T.H. (SN 1971, trú tại Kỳ Tiến, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận được tin nhắn Facebook của con trai đang làm việc nước ngoài với nội dung nhờ chuyển tiền vào số tài khoản lạ cùng lý do giúp đỡ bạn đang gặp khó khăn tài chính. Do tin tưởng đó là con trai mình nhờ chuyển tiền nên bà H. đã tới một cơ sở vàng bạc trên địa bàn để làm thủ tục chuyển tiền vào số tài khoản mà đối tượng giả danh yêu cầu. Tuy nhiên, tại đây, chủ cơ sở vàng bạc nhận thấy bà H. có biểu hiện tâm lý bất an, lo lắng nên đã dò hỏi mục đích chuyển tiền của bà H. và thông báo cho Công an xã Kỳ Phong.

Trước thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết điều quan trọng nhất là người dân cần hết sức cảnh giác. Khi có hoạt động vay mượn, chuyển khoản cho người thân, nhất là ở nước ngoài, người dân cần phải gọi điện thoại xác thực để tránh mất tiền oan.

Chiêu trò lừa đảo bán hàng qua mạng

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Công an TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vừa triệt phá nhóm đối tượng chuyên lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc và đưa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đàm Văn Tuyên (33 tuổi, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời mở rộng điều tra, làm rõ đối tượng liên quan.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin ban đầu, từ đầu năm 2021, đối tượng lừa đảo đã lập rất nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo khác nhau rồi đăng thông tin các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng khác lên hội, nhóm, trang mạng xã hội để rao bán. Để tăng uy tín và tạo niềm tin cho khách hàng, đối tượng lấy những hình ảnh liên quan đến các mặt hàng rao bán trên mạng rồi gửi cho khách hàng. Khi khách có nhu cầu mua hàng, đối tượng sẽ yêu cầu họ chuyển tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền cọc, đối tượng bắt đầu viện ra lý do mình hoặc người thân đang bị bệnh phải đi cấp cứu ở bệnh viện để yêu cầu khách hàng tiếp tục chuyển tiền và hẹn ngày giao hàng cho khách. Trong trường hợp khách hàng không hợp tác chuyển tiền đối tượng sẽ ngay lập tức chặn liên lạc.

Với thủ đoạn này, từ đầu năm 2021 đến nay, đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền đặt cọc của 3.109 người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với số tiền gần 12 tỷ đồng.

Tạo lập công ty giả danh bác sĩ lừa bán thuốc thu lợi bất chính

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Công an Bắc Giang vừa phá chuyên án lớn đấu tranh với một nhóm đối tượng giả danh y, bác sĩ tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng của thuốc chữa bệnh để đánh vào tâm lý người bệnh. Trong hơn 1 năm, nhóm đối tượng này đã bán trót lọt khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng cho hơn 20.000 bị hại, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.

Trước đó, một phụ nữ 57 tuổi, trú tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang đến Công an huyện Tân Yên trình báo sự việc, được một đối tượng tự giới thiệu Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội lừa, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán nấm linh chi. Theo đó, người phụ nữ được đối tượng này tư vấn mua rất nhiều loại thuốc, vì trong người có bệnh nên nạn nhân rất tin tưởng mua về sử dụng nhưng càng uống thuốc càng thấy mắt sưng to. Sau một thời gian sử dụng không thấy có tác dụng, nạn nhân phản ánh nhưng lại bị đối tượng mời chào những loại thuốc “đắt nhưng hiệu quả nhanh”. Tin tưởng, tổng nạn nhân đã chuyển 237 triệu đồng cho các số tài khoản mà đối tượng lừa đảo cung cấp, sau đó bị chiếm đoạt.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ đã xác định được đối tượng là nhân viên Công ty TNHH Bảo Long Dược, có địa chỉ tại Hà Nội chuyên đi quảng cáo giả làm bác sĩ để lừa bán thuốc. Sau khi tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc và những nơi liên quan của Công ty TNHH Bảo Long Dược, cơ quan chức năng đã thu giữ 287 thùng carton chứa các loại thuốc, 68 bộ máy tính và laptop các loại, 267 điện thoại và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Chỉ tìm đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám, hướng dẫn chữa trị và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định, để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Cảnh báo dịch vụ làm CCCD gắn chíp để đánh cắp thông tin

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT): Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm quảng cáo dịch vụ “nhận làm căn cước công dân giả” hoặc “làm CCCD giả gắn chip phôi chuẩn 2023"... thu hút một lượng lớn người tham gia và tương tác vào các bài viết.

Theo đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các đối tượng tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải bài viết quảng cáo với nội dung quảng cáo dịch vụ nhận làm nhanh CCCD giả gắn chip phôi chuẩn 2023. Tiếp đó, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đặt cọc, sau đó chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc. Ngoài ra, còn có trường hợp trả CCCD nhưng không giống quảng cáo, có hình dạng, mẫu mã đơn giản, dễ dàng phân biệt thật, giả bằng mắt thường.

Tuy nhiên, mục đích chính của các đối tượng là tìm kiếm nạn nhân cung cấp thông tin CCCD thật để áp dụng kỹ thuật như: Ghép ảnh chân dung, sử dụng công nghệ in, gắn miếng kim loại... làm giả CCCD để đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt khác hoặc thực hiện hành vi chiếm quyền điều khiển và khai thác dữ liệu cá nhân của nạn nhân từ hình thức trên.

Để phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lộ, mất thông tin cá nhân trên CCCD, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần có những biện pháp bảo mật đối với những thông tin cá nhân quan trọng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân trên CCCD, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu; không chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội hay dưới bất kỳ hình thức nào.

Nếu người dân sử dụng những thiết bị thông minh có lưu trữ hình ảnh, thông tin cá nhân hết sức lưu ý khi cài đặt các ứng dụng trên mạng, chỉ tải từ nguồn chính thống trên App Store (hệ điều hành IOS) và CH Play (hệ điều hành Android).

Thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số

Thời gian gần đây, hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, một loại tài sản có giá trị điện tử); mua - bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối… với lãi suất cao gấp nhiều lần và cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến tiền kỹ thuật số tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Một trong số các sàn đầu tư lừa đảo là ứng dụng có tên Token Pocket. Bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu app này đã lôi kéo và thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư, rồi bất ngờ đóng tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo này là những doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hoa hậu, người đẹp, hay thậm chí là cả các cán bộ hưu trí… Hình thức chung mà các đối tượng sử dụng là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Các tên miền của những sàn giao dịch này thường chỉ tồn tại trong một thời gian, thường sẽ ngừng hoạt động sau khi đã lừa được một lượng người nhất định sẽ chuyển sang một tên miền khác để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào đặc biệt là không gian mạng. Đồng thời tìm hiểu kỹ về các sàn giao dịch, công ty đầu tư tiền kỹ thuật số, nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên cẩn trọng với các khoản phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.


Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024