Thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung: Luật hoá tài chính phi tập trung và thúc đẩy đổi mới công nghệ
Trước đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025.

Việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa đồng thời thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh.
Luật hoá tài chính phi tập trung, thúc đẩy đổi mới công nghệ
Trên tinh thần đối thoại đa chiều, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo đã chia sẻ về lợi ích của việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung và các vấn đề cần tháo gỡ trước khi triển khai thí điểm sàn giao dịch trên các góc độ Pháp lý - Tài chính - Công nghệ. Ở góc độ nhà đầu tư và doanh nghiệp, các vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất là Thuế, Bảo vệ người dùng, Cấp phép sàn giao dịch và Tuân thủ pháp lý. Các mối quan tâm này cũng phù hợp với khung đánh giá của Hội đồng Đại Tây dương và cam kết tuân thủ quy định Phòng chống rửa tiền nhằm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách xám” của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Thượng tá Dương Đức Hùng - Phó trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an đánh giá hội thảo là cơ hội để lực lượng công an cập nhật thông tin và tìm kiếm sự đồng thuận với cộng đồng blockchain, cùng xây dựng một hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam. Theo Thượng tá Hùng, dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng.

Đại diện Bộ Công an đề xuất, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hoá, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện còn cần sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép.
“Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời, công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này”, Thượng tá Hùng nhấn mạnh.
TS. Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh việc cần thiết phải có Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hoá, stablecoin, sàn giao dịch tài sản mã hoá; Cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá; Quy định về kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, tin cậy và minh bạch của thị trường. 3 vấn đề này cần được quy định trong các văn bản pháp lý mà trước mắt là Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung.
Chia sẻ về dự thảo quy định thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung đang rất được quan tâm trong thời điểm này, ông Tô Trần Hoà - Phó Trưởng ban Phát triển Thị trường Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo được xây dựng dựa trên các nghiên cứu từ các thị trường tài sản mã hoá được đánh giá là tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật, UAE, Thái Lan và tuân thủ hệ thống các quy định chung của quốc tế về tài chính, công nghệ. “Đặc biệt, các sàn giao dịch cần tự đánh giá, lựa chọn các tài sản có giá trị, có tính thanh khoản cao để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư”, ông Hoà cho biết.
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý quản lý các sàn giao dịch đặt ra yêu cầu phức tạp về việc quản trị rủi ro do tính chất ẩn danh, xuyên biên giới, phi tập trung của tài sản mã hoá. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới cho thấy chi phí phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cũng là một chi phí lớn đối với các đơn vị vận hành các sàn giao dịch.
“Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu, đề xuất quy định các sàn giao dịch phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên cơ sở quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ này”, bà Thơ cho biết.

Theo TS. Wayne Huang - Đồng sáng lập, CEO XREX, đơn vị tư vấn dịch vụ theo dõi phòng chống rửa tiền cho Chính phủ Đài Loan và chính phủ Singapore, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá trên thị trường tài chính phi tập trung nhờ mức độ chấp nhận và sự phổ biến của tài sản mã hoá trong cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc sự cân bằng, tránh quy định quá chặt chẽ sẽ khiến các doanh nghiệp khó hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và các quy định pháp lý khác.
Ông Wayne bày tỏ, khi được luật định rõ ràng, thị trường tài sản số sẽ được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ an ninh hệ thống tiên tiến, bao gồm sự giám sát của chính phủ, kiểm toán độc lập, chứng nhận chuyên nghiệp và bảo hiểm để giảm thiểu các rủi ro an ninh mạng. Lớp hỗ trợ hệ thống mới này sẽ giúp giảm rủi ro và tăng cường sự tin tưởng của người dân.
Đánh giá chung về bức tranh pháp lý thị trường tài sản số hiện nay, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 5/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
“Việc luật hoá tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hoá, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hoá đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của chính phủ”.
Tuy nhiên, đối với các đơn vị vận hành sàn giao dịch, ông Trung cho rằng, các quy định pháp lý chặt chẽ có thể đặt ra áp lực chi phí lớn đối với các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực tài chính vì chi phí tuân thủ là vấn đề lớn, cần quan tâm khi vận hành sàn giao dịch chứ không chỉ là vốn điều lệ hay phí cấp phép.
Đại diện của hơn 10 sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung lớn trên thế giới và có người dùng tại Việt Nam như Binance, OKX, Bybit, BingX, Bitget, MEXC, CoinEx... cũng quan tâm và gửi nhiều câu hỏi về quy trình cấp phép, bảo vệ danh tính người dùng, bảo mật hệ thống và tuân thủ quy định phòng chống rửa tiền. Đối với các cá nhân, mối quan tâm lớn nhất là các vấn đề về Thuế, truy thu thuế và trải nghiệm người dùng.
Thúc đẩy tuân thủ pháp lý và hợp tác quốc tế
Trong bối cảnh thị trường tài sản số đang được quan tâm mạnh mẽ, nhằm góp phần thúc đẩy việc tuân thủ quy định pháp lý, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tiên phong và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hợp tác với Hiệp hội Các chuyên gia phòng chống rửa tiền (ACAMS) về đào tạo và cấp chứng chỉ tuân thủ quy định pháp lý phòng chống rửa tiền. ACAMS (Certified Anti-Money Laundering Specialist) là chứng chỉ quốc tế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, được công nhận tại hơn 180 quốc gia, không chỉ đòi hỏi thành viên chứng minh năng lực chuyên môn mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đạo đức nghề nghiệp và các chuẩn mực toàn cầu về tuân thủ.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Blockchain Việt Nam công bố hợp tác chiến lược với CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam, một trong những công ty quản lý quỹ uy tín, đang quản lý khoảng 6 tỷ USD tài sản. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Dragon Capital đang nỗ lực đa dạng hoá danh mục sản phẩm và tối ưu trải nghiệm khách hàng bằng những sản phẩm mới như Chứng chỉ quỹ ETF được token hoá thông qua việc công bố nghiên cứu tại hội thảo./.
- Ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng Blockchain
- Tăng cường ứng dụng Blockchain vào đấu giá trực tuyến