ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 03h47 24/04/2020

Mặt tối của hoạt động đấu giá, do đâu?

(KDPT) – Những góc tối của hoạt động đấu giá tại nhiều vụ án vừa qua, đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng chính những lỗ hổng ngay trong các quy định về đấu giá hiện hành, lại là cơ hội cho sự “lách luật” và “khuất tất” lên ngôi, và theo đó là tài sản Nhà nước chui vào túi cá nhân.

Để làm rõ những bất cập trong hoạt động đấu giá, phóng viên Kinh doanh & Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI).

* Việc định giá tài sản mang ra đấu giá là do đơn vị thẩm định giá thực hiện, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, người đấu giá thắng có thể bán lại để thu lợi rất cao, như vậy rõ ràng là cơ quan thẩm định giá đã tính giá tài sản rất thấp trước khi mang đấu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Gia Cường: Xét về logic, nhận định này là đúng trong một số trường hợp. Ví dụ đối với hoạt động đấu giá đất, tôi cho rằng, đấu giá đất chỉ bị lũng đoạn khi định giá khởi điểm bán đấu giá quá thấp so với giá trị thực của tài sản. Định giá thấp làm tăng sức hút đối với người tham gia đấu giá, khả năng phiên đấu giá thành công nhưng đồng thời cũng dễ dẫn tới gia tăng vi phạm do lợi nhuận quá cao.

Việc định giá thấp còn dẫn đến hệ luỵ là số tiền chủ tài sản (chủ yếu là tài sản Nhà nước) thực thu về quá thấp so với giá trị tài sản nếu bị “quây”. Theo quy định tại Thông tư 45/2017/TT-BTC về đấu giá đất, nếu bán được giá cao thì đơn vị tổ chức đấu giá (tổ chức trung gian) được trích thưởng 3% trên phần chênh lệch giá trị tài sản. Như vậy rõ ràng cũng có thể dẫn tới việc định giá thấp để đảm bảo có người tham gia đấu giá và tổ chức phiên đấu giá thành công nhưng sẽ tạo ra chênh lệch và số tiền được trích thưởng lớn gây thiệt hại cho chủ tài sản (chủ yếu là ngân sách).

Nếu định giá sát với giá thị trường tức là lợi nhuận của người trúng đấu giá không còn nhiều, đảm bảo tài sản cần đấu giá đến với người sử dụng (không qua trung gian) thì chắc chắn sẽ bớt vi phạm trong hoạt động này và hoạt động đấu giá cũng không phải mảnh đất màu mỡ để “xã hội đen” lũng đoạn như báo chí đang phản ảnh những việc sảy ra tại tỉnh Thái Bình như hiện nay nữa. Cái khó của việc định giá quá sát với giá thị trường là tính mức lợi nhuận đủ bù đắp cho chi phí, công sức của người tham gia đấu giá, điều đó cũng làm giảm sự thu hút của người có nhu cầu vì họ còn phải thực hiện rất nhiều thủ tục (thậm chí là chấp nhận va chạm) để được trúng đấu giá, dễ dẫn tói phiên đấu giá không thành do không có người tham gia.

Ông Ngô Gia Cường – Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI).

* Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường mạnh hơn việc công bố thông tin công khai hoặc tìm giải pháp nào đó để đảm bảo nhiều người có thể tham gia các hoạt động đấu giá hơn, thưa ông?

Ông Ngô Gia Cường: Hiện nay việc công bố thông tin vẫn còn nhiều hạn chế, hoạt động đấu giá chủ yếu đang áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp. Khi đấu giá trực tiếp, người tham gia đấu giá phải trực tiếp mua hồ sơ, xem tài sản, đặt cọc và trực tiếp đến phiên đấu giá để trả giá. Đây là điểm hạn chế nhất, tạo cơ hội để các nhóm “xã hội đen” có cơ hội thao túng phiên đấu giá. Mặc dù hình thức đấu giá trực tuyến (đấu giá qua mạng internet) đã được đã được nhắc đến trọng Luật Đấu giá nhưng việc triển khai lại quá chậm chạp và cho đến nay hầu như chưa được thực hiện trên phạm vi cả nước. Đẩy mạnh đấu giá trực tuyến trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay chắc chắn sẽ giúp nhiều người tiếp cận hơn, thông tin dễ tra cứu, minh bạch hơn, vi phạm cũng sẽ có ít đất sống hơn.

* Hoạt động đấu giá cũng đã được Luật hoá từ năm 2017, tuy nhiên có vẻ như nó vẫn khó đi vào thực tế?

Ông Ngô Gia Cường: Hoạt động đấu giá được luật hoá tại Luật số 01/2016/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/7/2017 thay thế cho Nghị định 17/2010/NĐ-CP đã đưa các quy định của hoạt động đấu giá chi tiết, cụ thể hơn để đảm bảo cho các dịch vụ vụ này được công khai, minh bạch hơn, khắc phục được rất nhiều nhược điểm của các quy định trước đây.

Tuy nhiên vì tài sản dễ cân đong được lợi nhuận, thủ tục đơn giản nên thành phần tham cũng phức tạp hơn, không loại trừ việc hình thành các “băng nhóm” chuyên nghiệp tham gia các phiên đấu giá, có thể cát cứ theo địa bàn hoặc loại tài sản thường đem đấu giá. Các hình thức chi phối phiên đấu giá được thực hiện theo nhiều hình thức: đơn giản thì chặn cửa khống chế để giới hạn người mua hồ sơ; mua được hồ sơ nhưng bị gây khó khăn, không nộp được tiền cọc, không vào được phòng để tham dự phiên đấu giá nếu chưa “thoả thuận” được giá ăn chia, … nhiều trường hợp các nhóm không thống nhất được có rất nhiều hình thức phá đám như quậy phá phòng đấu giá, ôm hòm phiếu bỏ chạy để không thể thực hiện phiên đấu giá đúng quy trình, thậm chí hành hung, đâm chém nhau ngay tại phiên đấu giá, đe doạ hành hung người điều hành (đấu giá viên) nếu không đúng ý … đã có vụ đâm chết người vì không “thống nhất” được mức chia chác tại Thái Bình năm 2008; Quy mô hơn thì khống chế thành phần Hội đồng đấu giá hoặc tổ chức đấu giá để bịt thông tin đấu giá tiết lộ ra bên ngoài … Thực tế này gần đây cũng được báo chí nhắc đến nhiều và đang được điều tra xác minh đối với vụ việc liên quan đến “Đường Nhuệ” ở Thái Bình. Ở mức độ vi phạm cao nhất, hành vi vi phạm có thể bắt đầu sớm từ khâu định giá, thẩm định giá tài sản để khống chế giá khởi điểm bán đấu giá thấp đồng thời sử dụng các hình thức để khống chế cả phiên đấu giá.

Việc tài sản công bị định giá thấp, người thắng đấu giá chỉ trả giá cao hơn giá khởi điểm một chút nhưng ngay sau đó bán lại với giá cao hơn rất nhiều khiến những nghi ngại trên trở thành có lý và nó cũng là lý do chính để người thực sự có nhu cầu không muốn tham gia đấu giá để cho một hoạt động dịch vụ tư vấn vốn xuất phát từ yêu cầu công khai minh bạch trở nên thiếu công khai minh bạch.

* Vậy có thể khắc phục các vấn đề trên như thế nào, thưa ông?

Ông Ngô Gia Cường: Để hạn chế tối đa các yếu điểm của hoạt động đấu giá tài sản, nhất thiết phải có các biện pháp tương ứng để khắc phục các nhược điểm tồn tại như:

Thứ nhất: Ví dụ như đất là loại tài sản có giá trị lớn, luôn nổi cộm về tính minh bạch trong đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, cần thiết có quy định trên toàn quốc về thuê tổ chức thẩm định giá độc lập thực hiện thẩm định giá xác định giá khởi điểm của tài sản thuộc sở hữu Nhà nước để tăng tính minh bạch, tôi nhấn mạnh là để tăng tính độc lập, chuyên môn, minh bạch, Nhà nước vẫn đứng vai trò quyết định giá khởi điểm qua Hội đồng định giá đất các cấp tương tự như quy định về xác định giá đất cụ thể khi chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Quy định về định giá khởi điểm bán đấu giá đất hiện nay đang thực hiện theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Mặc dù theo NĐ này, không bắt buộc phải thuê thẩm định giá song tại Hà Nội và một số nơi vẫn tiến hành thuê thẩm định giá, tôi cho rằng đây là điểm cần phát huy.

Tuy nhiên NĐ 01/2017/NĐ-CP cũng có một số điểm cần nghiên cứu để điều chỉnh như việc quy định việc xác định giá đất khởi điểm bán đấu giá thực hiện theo phương pháp hệ số và do Hội đồng định giá các cấp thực hiện theo phân cấp, yêu cầu là không thấp hơn hệ số điều chỉnh cùng loại đất, là chưa phù hợp với yêu cầu về chuyên môn trong công tác định giá đất đối với từng vị trí đất cụ thể. Việc sử dụng cùng phương pháp định giá đất là hệ số chỉ phù hợp với việc định giá chung theo khu vực, vùng, tuyến đường mà chưa phù hợp cho việc định giá đất đấu giá cho vị trí đất cụ thể do các yếu tố điều chỉnh giá khác nhau.

Thứ hai: Mặc dù có nhiều văn bản yêu cầu các hình thức công khai thông tin đấu giá của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp trên các trang điện tử của ngành nhưng cốt lõi vẫn cần sớm có hướng dẫn, quy định chi tiết về việc đấu giá tài sản phải thực hiện đồng thời cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Như vậy sẽ khắc phục được những hạn chế về khả năng tiếp cận của cộng đồng đến những người muốn tham gia đấu giá. Nếu phiên đấu giá trực tuyến, thông tin công khai, các thủ tục hầu hết thực hiện gián tiếp bằng công nghệ thông tin, chuyển khoản thì gần như không thể có sự can thiệp của các cá nhân hay tổ chức nào vào kết quả đấu giá, tương tự như luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã đặt ra lộ trình từ năm 2020 các hoạt động đấu thầu dần phải được đấu thầu qua mạng và những gói thầu được đấu qua mạng về cơ bản đã hạn chế được tình trạng “quân xanh – quân đỏ”.

Như vậy để hoạt động đấu giá được minh bạch, giảm thất thoát chỉ cần định giá tài sản đấu giá sát với thị trường, minh bạch thông tin và tăng cường đấu giá qua Internet để nhiều người có thể tiếp cận hơn thì Nhà nước sẽ thu được nhiều tiền hơn và tất nhiên “xã hội đen” tự nhiên không còn đất sống trong hoạt động này nữa.

Xin cảm ơn ông!

MINH GIÁC – DUY KHƯƠNG (thực hiện)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/05/2024