Mua vàng cầu may, lỗ ngay 500.000 đồng đến vài triệu đồng sau ngày vía Thần Tài
Ngày vía Thần Tài năm 2024, tình trạng xếp hàng chờ đợi mua vàng vẫn diễn ra như mọi năm. Tuy nhiên do nền kinh tế khó khăn, nhiều người dân chỉ mua một cho đến vài chỉ để lấy may. Từ sáng sớm 19/2, hàng trăm người đã kéo đến các cửa hàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy để chờ đợi. Nhưng năm nay đã không còn cảnh người dân chen lấn chờ đợi nhiều giờ mới tới lượt mua vàng giống như nhiều năm trước. Nhiều cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội còn sắp sẵn ghế cho khách mua hàng ngồi chờ.
Dù kinh tế khó khăn, lượng khách mua vàng năm 2024 tính đến thời điểm này vẫn tăng từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm trước. Không riêng gì ngày vía Thần Tài, từ mùng 6 Tết trở đi, các cửa hàng vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông đã tấp nập khách tới mua vàng. Thậm chí, nhiều người còn đặt tiền lấy số trước, đợi đến đúng ngày Thần Tài mới đến để lấy hàng. Mọi người thường lựa chọn sản phẩm mà mình thích, ít người hỏi về giá cả vì họ mua để cầu may.
Dù kinh tế khó khăn, lượng khách mua vàng năm 2024 tính đến thời điểm này vẫn tăng từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa) |
Theo đại diện Phòng Kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu, lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng ngày vía Thần Tài năm nay có phần vắng vẻ là do nhiều khách đã ưu tiên lựa chọn dịch vụ đặt hàng, giao hàng tận nơi vào đúng ngày mong muốn. Cụ thể, vị này cho biết: “Sáng ngày Vía Thần Tài, ở hệ thống cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu hầu hết là các giao dịch nhỏ lẻ, người dân chỉ mua từ 1 - 2 chỉ vàng để cầu may. Dù lượng khách hàng có tăng đột biến ngay từ đầu giờ sáng, nhưng các nhân viên của công ty đã tổ chức cũng như bố trí ghế ngồi cho khách. Đồng thời, doanh nghiệp cũng bố trí chỗ gửi xe tại nhiều địa điểm, giúp khách hàng đến giao dịch thuận lợi hơn, tránh xảy ra tình trạng vi phạm trật tự công cộng hay ùn tắc giao thông”.
Còn theo đại diện Công ty Vàng Phú Quý, một số sản phẩm đặc biệt đắt khách trong ngày vía Thần Tài như nhẫn tròn trơn loại 0,5 chỉ và loại 1 - 2 chỉ. Nhiều loại vàng tài lộc khác, đặc biệt là vàng có in chữ ‘Lộc’ và vàng tạo hình rồng có mệnh giá 1 chỉ cũng nhanh chóng ‘cháy hàng’.
Ngoài số lượng lớn người mua vàng cầu may, nhiều người khác lại lựa chọn mang vàng đi bán nhằm chốt lời. Sau khi xếp từng cọc tiền vào trong ba lô, anh M. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh vừa bán xong 13 lượng vàng nhẫn tròn trơn, thu về hơn 1 tỷ đồng. Năm nay, mức giá không tăng đột biến nên lãi cũng không nhiều. Được biết, số vàng này được anh M. mua hồi cuối năm 2023 với giá nhỉnh 60 triệu đồng/lượng.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, vàng hiện tại đã không còn quá hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn (đó là những doanh nghiệp kinh doanh vàng). Hầu hết người mua vàng đều là những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc người dân mua về tiết kiệm. Sức mua trong năm yết, các tiệm vàng chỉ trông mong vào ngày vía Thần Tài để có thể bán hàng ra.
Dù sức mua yếu nhưng hệ thống cửa hàng trên phạm vi cả nước đều ghi nhận lượng vàng bán ra trong ngày khá lớn, được tiêu thụ nhiều nhất chính là vàng nhẫn. (Ảnh minh họa) |
Vị này cũng cho biết, dù sức mua yếu nhưng hệ thống cửa hàng trên phạm vi cả nước đều ghi nhận lượng vàng bán ra trong ngày khá lớn, được tiêu thụ nhiều nhất chính là vàng nhẫn. Thời điểm hiện tại, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang chênh lệch lớn, việc mua vàng đầu tư vẫn là một kênh có nhiều rủi ro.
Lỗ 500.000 đồng đến vài triệu đồng sau ngày vía Thần Tài
Năm nay, giá vàng trong nước bất ngờ giảm xuống trong ngày vía Thần Tài. Sáng 19/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào ở mức 75,4 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,4 triệu đồng/lượng. Giá bán ra được giữ nguyên trong khi giá mua vào lại giảm 400.000 đồng/lượng so với mức cuối ngày 18/2. Đến 10h sáng 19/2, giá vàng miếng SJC ở mức 74,8 - 77,8 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào - bán ra, giảm hơn nửa triệu đồng/lượng so với mức giá đầu ngày. Đến trưa và đầu giờ chiều, giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh từ 900.000 đến 1,3 triệu đồng/lượng, trong đó giá mua vào của các đơn vị kinh doanh đã ghi nhận tốc độ xuống nhanh hơn.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới so với kết phiên trước đó đã tăng 3,2 USD, dừng chân ở mức giao dịch 2.016,4 USD/ounce. Dễ dàng thấy được, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá thế giới 19 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào bán ra cũng tiếp tục được nới rộng lên đến 3 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, hiện tượng này vẫn tồn tại đối với thị trường vàng trong nước. Một khi nhu cầu mua vàng tăng cao, các nhà kinh doanh vàng sẽ nhanh chóng tăng giá đối với chiều bán ra và ngược lại, nếu lực bán vàng mạnh, các nhà kinh doanh vàng lại giảm mạnh giá đối với chiều mua vàng.
Không chỉ giảm giá, giá cả ở nhiều doanh nghiệp vàng cũng khác nhau. Vào lúc 9h45 sáng 19/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 75,4 triệu đồng/lượng với chiều mua vào, chiều bán ra là 78,4 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc giá bán được giữ nguyên nhưng giá mua vào lại giảm 400.000 đồng/lượng so với giá cuối ngày hôm trước. Công ty Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm cũng niêm yết vàng miếng SJC còn 75,40 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào và 77,90 triệu đồng/lượng bán ra. Giá mua vào và bán ra của vàng SJC đã giảm 150.000 đồng/lượng. Tính đến 14h ngày 19/2, Tập đoàn Doji đã giảm mạnh giá mua vàng miếng SJC ở mức 1,25 triệu đồng/lượng, xuống còn 74,5 triệu đồng mua vào; giá bán ra cũng giảm 850.000 đồng xuống còn 77,5 triệu đồng…
Một khi nhu cầu mua vàng tăng cao, các nhà kinh doanh vàng sẽ nhanh chóng tăng giá đối với chiều bán ra và ngược lại. (Ảnh minh họa) |
Theo giới kinh doanh vàng, nhu cầu của khách hàng có nơi thì đông đúc, nơi lại thưa thớt nên giá vàng SJC cùng vàng nhẫn ở mỗi điểm bán hàng sẽ biến động tùy theo sức mua của khách hàng. Cũng vì thế mà giá vàng của các doanh nghiệp cũng có sự khác biệt.
Thực tế, giá vàng lao dốc cộng thêm chênh lệch mua vào và bán ra rất cao vào tuần trước khiến cho nhà đầu tư thua lỗ nặng nề chỉ sau vài ngày. Ước tính, nếu như mua vàng tại Tập đoàn DOJI vào phiên 11/2 với mức giá 78,85 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên 19/2, nhà đầu tư sẽ phải chịu khoản lỗ lên đến 2,8 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, nếu mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, nhà đầu tư cũng lỗ 2,9 triệu đồng/lượng. Thậm chí, dù có mua vào và bán ra ngay trong ngày cũng bị lỗ nặng.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trào lưu mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài đã xuất hiện trong khoảng 10 năm gần đây. Ngày vía Thần Tài xuất phát từ văn hóa Trung Quốc nhưng ở quốc gia này lại không có tập quán mua vàng để cầu may. Khi kinh tế khá giả, các doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng sẽ đưa ra thông điệp nhằm kêu gọi người dân mua vàng cầu may đầu năm, từ đó giá vàng bị đẩy lên cao khiến thị trường xáo trộn.
Do đó, vị này khuyến nghị: “Nếu như mua bán vàng lấy may thì chỉ cần số lượng ít đã may mắn. Nếu nhà đầu tư lao vào mua vàng sẽ gặp cảnh mua giá cao rồi bán giá thấp, điều này chỉ làm lợi cho doanh nghiệp trong khi người mua chịu thiệt ngay trong ngày vía Thần tài vì chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra vẫn luôn tăng cao. Đồng thời, người dân đừng quá tin tưởng vào truyền thông của doanh nghiệp vàng để tạo xu hướng cũng như hưởng lợi”. Ông Thịnh bổ sung, chênh lệch giá mua vào - bán ra cao khiến doanh nghiệp vàng lãi đơn, lãi kép.
Nhiều chuyên gia khẳng định, ngày vía Thần Tài những năm gần đây, người dân xếp hàng mua vàng có liên quan đến niềm tin xin vía cầu may, tương tự như việc không quét rác trong ngày Tết, lì xì năm mới để lấy may, cúng lễ ở chùa. Trong đó, hình thức cầu may ngày càng tăng bởi chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn, người dân muốn có thêm điểm tựa tinh thần và động lực phấn đấu. Đương nhiên, hành động này cũng sẽ có hệ lụy nhất định./.