ISSN-2815-5823

Năm 2023, Đạm Cà Mau lãi ròng 1.100 tỷ, có quy mô tiền hơn 10.000 tỷ

(KDPT) - Năm 2023, Đạm Cà Mau báo lãi ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận lượng tiền mặt và tiền gửi tăng 18%, lên tới hơn 10.500 tỷ đồng
Điểm sáng của Văn Phú - Invest trong năm 2023

LTS: 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng trưởng 5,05%, tiêu dùng yếu ớt, đầu tư tư nhân suy giảm, thị trường bất động sản khủng hoảng, thị trường vốn chưa được khơi thông. Ngoại trừ một số ít ngành nghề duy trì được tăng trưởng, phần đông doanh nghiệp phải đối diện với các thách thức, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Nhìn lại năm 2023, soi chiếu vào bức tranh kinh doanh và chất lượng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết, là một cách để hiểu về sự vận động của nền kinh tế trong thời gian vừa qua, để từ đó đưa ra các dự báo về triển vọng trong năm mới 2024 với những kỳ vọng và đột phá mới.

Trên tinh thần nghiên cứu, khảo sát và trao đổi thông tin đa chiều giữa các đơn vị tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động phát triển kinh doanh, Tạp chí Kinh doanh và Phát triển thực hiện tuyến bài chuyên sâu phân tích, nhận định: “Nhìn lại một năm của doanh nghiệp niêm yết”.

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023. Theo đó, quý cuối năm, DCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.565 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng giảm 37%, đạt 866 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính quý này khá sôi nổi khi doanh thu tài chính tăng 26%, đạt 106 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm hơn một nửa, còn 10 tỷ đồng. Trong khi chi phí bán hàng biến động không đáng kể thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần 3 lần, đạt 209 tỷ đồng.

Đạm Cà Mau
Năm 2023, Đạm Cà Mau lãi ròng 1.100 tỷ, có quy mô tiền hơn 10.000 tỷ. (Ảnh: DCM)

Sau khấu trừ, DCM lãi ròng 492 tỷ đồng, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ. Theo giải trình, DCM cho biết, dù sản lượng tiêu thụ tăng hơn 19% nhưng giá bán phân bón giảm mạnh đã kéo doanh thu đi xuống. Thêm nữa, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do bổ sung thêm quỹ Khoa học công nghệ làm giảm lợi nhuận trong kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, DCM đạt doanh thu gần 13.000 tỷ đồng, giảm 21% so với năm trước. Lãi ròng đạt gần 1.110 ngàn tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch được giao, công ty mới thực hiện được 94% kế hoạch doanh thu và hơn 80% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Dù kết quả kinh doanh giảm sâu, nhưng kết quả quý IV cũng cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực khi chiếm gần 45% lợi nhuận ròng của cả năm. Trên thực tế, mức nền lợi nhuận năm 2022 của Đạm Cà Mau là rất cao với khoản lợi nhuận kỷ lục nhờ hưởng lợi từ cơn sốt phân bón đột biến trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Về tài sản, tại thời điểm kết thúc quý IV/2023, tổng tài sản của DCM tăng 8% so với đầu năm, đạt 15.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên tới 10.500 tỷ đồng, tăng 18% và chiếm 68% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của DCM đạt 5.285 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm; chủ yếu là nợ ngắn hạn. (4.500 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn là 846 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 2,6 tỷ đồng đầu năm nay.

Năm 2024, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 841 tỷ và 794,8 tỷ đồng.

Riêng với công ty mẹ, tổng doanh thu 11.081 tỷ đồng, lãi sau thuế 793,6 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 10%. DCM cũng đặt kế hoạch vốn đầu tư trong năm 2024 là 1.582,5 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 911 tỷ đồng và vốn vay khác 672 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, DCM vừa được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - cơ sở Bình Định.

Dự án có diện tích hơn 2,97 ha tại Khu công nghiệp Long Mỹ, TP. Quy Nhơn; tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng (100% vốn từ nhà đầu tư); dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2025./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine