ISSN-2815-5823
TS Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương
Thứ ba, 10h14 11/06/2024

Định hướng Chiến lược chuyển đổi xanh của Việt Nam, vai trò và trách nhiệm thực thi ESG của doanh nghiệp trong bối cảnh mới

(KDPT) - Chính sách phát triển bền vững, chuyển đổi xanh chỉ có thể có hiệu lực nếu nó được cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hưởng ứng. Chuyển đổi xanh phải bắt nguồn đầu tiên từ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân...

LTS

Có thể thấy rằng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là một tham vọng rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới để có thể hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của mình theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trước yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đang dần thay đổi cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải...

Các nước phát triển đã dựng các hàng rào về phát thải carbon, có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026 để thúc đẩy các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, thực hiện giảm phát thải. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa trong doanh nghiệp sản xuất.

Do đó, để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín doanh nghiệp đồng thời đáp ứng các điều kiện về hàng rào thuế quan vào các thị trường đòi hỏi "xanh" như EU và Hoa Kỳ.

Kinh doanh và Phát triển gửi tới quý bạn đọc bài viết "Định hướng Chiến lược chuyển đổi xanh của Việt Nam, vai trò và trách nhiệm thực thi ESG của doanh nghiệp trong bối cảnh mới" của T.S. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương.

T.S. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
T.S. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Định hướng chiến lược chuyển đổi xanh của Việt Nam

Phát triển bền vững không chỉ là quan điểm phát triển xuyên suốt của Đảng ta từ trước tới nay mà còn là triết lý sống của người Việt Nam từ xưa đến nay. Triết lý sống của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đều đề cao lối sống thuận thiên, hòa hợp xã hội được gói gọn trong triết lý: Thiên – Địa – Nhân. Triết lý này khẳng định tính thống nhất và mối liên hệ khăng khít của con người xã hội và vạn vật trong vũ trụ. “Trời, Đất và Người là nguồn gốc của vạn vật. Trời sinh ra vạn vật, Đất nuôi chúng, Người hoàn thành chúng.” Con người Việt Nam tuân theo triết lý Thiên - Địa – Nhân là phải biết kính Trời, tức tôn trọng, hòa hợp và bảo tồn môi trường thiên nhiên. Đồng thời đã từ lâu cha ông ta cũng dạy chúng ta phải tôn trọng, tuân thủ đạo Đất cũng như đạo Người. Mọi sự phát triển đúng nghĩa phải toàn diện, tương xứng, hài hòa, cân đối giữa các chiều kích kinh tế, văn hóa - nhân văn, xã hội, môi trường. Đối tượng và tiêu chí đích thực của phát triển bền vững phải chính là những con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải là những con số trần trụi, dù thực hay ảo. Muốn vậy, việc hoạch định phát triển phải thuận lòng người, hài hòa xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Có lẽ thấm nhuần triết lý sâu xa mà cha ông để lại, Đảng ta ngay từ Đại hội VI lúc nền kinh tế đang gặp vô cùng khó khăn đã nêu bật quan điểm đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới tư duy về phát triển đất nước theo hướng bền vững: “Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội,…”, “bảo vệ môi trường sống”.

Tới Đại hội VII, lần đầu tiên Đảng đưa ra quan điểm phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội. Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về phát triển bền vững ở Việt Nam, phù hợp với quan niệm chung của thế giới. Tại Đại hội VIII thì khái niệm “phát triển bền vững” được chính thức sử dụng, đó là sự phát triển, trong đó có kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường với phát triển bền vững về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và củng cố an ninh - quốc phòng.

Các kỳ đại hội sau này mục tiêu phát triển bền vững luôn được nhấn mạnh và làm rõ hơn. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Vấn đề phát triển bền vững, chuyển đổi xanh không chỉ được nêu trong các Văn kiện Đại hội mà còn được Trung ương cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI. Đây là những định hướng chỉ đạo quan trọng để Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong các giai đoạn 2011-2020 (quyết định 1393/QĐ-TTg) và giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 (Quyết định 1658/QĐ-TTg).

Việt Nam cũng đã phê duyệt và tham gia Thoả thuận Paris vào năm 2016 và đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) lên Công ước khung về BĐKH (UNFCC) năm 2020, trong đó cam kết cắt giảm phát thải KNK đạt 9% bằng nguồn lực trong nước tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ, lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế, tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ so với kịch bản phát triển thông thường (Business as usual – BAU) trong giai đoạn 2021-2030. Mức cam kết này tại NDC cập nhật năm 2022 đã nâng lên là giảm 15,8% bằng nguồn lực trong nước và 43,5% với sự hỗ trợ quốc tế. Tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt net Zero vào năm 2050.

Để thực hiện các mục tiêu tham vọng này, Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã đưa ra các định hướng cụ thể, tập trung thúc đẩy xanh hóa quá trình sản xuất, tiêu dùng và lối sống: (i) Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; (ii) đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia; (iii) phát triển mạnh các ngành sản xuất hiện đại, ít phát thải; (iv) Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới, các ngành kinh tế tuần hoàn; (v) Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi bền vững nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển kinh tế; (vi) thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức và thay đổi lối sống của cộng đồng hướng tới một nền kinh tế xanh như: Xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh; Thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh...; đẩy mạnh mua sắm công xanh.

Định hướng Chiến lược chuyển đổi xanh của Việt Nam, vai trò và trách nhiệm thực thi ESG của doanh nghiệp trong bối cảnh mới - ảnh 2

Phát triển bền vững từ góc độ vi mô

Mọi chủ trương chính sách vĩ mô chỉ có thể có tác dụng nếu nó có thể ảnh hưởng đến các thực thể vi mô trong nền kinh tế. Chính sách phát triển bền vững, chuyển đổi xanh chỉ có thể có hiệu lực nếu nó được cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hưởng ứng. Chuyển đổi xanh phải bắt nguồn đầu tiên từ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân. Theo một nghiên cứu Dựa trên dữ liệu khảo sát 1.183 hộ gia đình tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai và Vĩnh Phúc của tác giả Phan Đức Nam thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam cho thấy 84,7% nông dân Việt Nam thể hiện thái độ rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó trên 95% người dân cho rằng bảo vệ môi trường để cuộc sống tốt hơn, sức khỏe cộng đồng tốt hơn và môi trường sống lành mạnh hơn. Mặc dù vậy nhưng mức độ hiểu biết về quy định môi trường của DN Việt Nam đang rất hạn chế. Khảo sát DN của VCCI cho thấy, mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh song mức độ hiểu biết của DN về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% DN tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% DN cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Những con số trên đây cho thấy, hầu hết ai cũng cảm nhận được tầm quan trọng của vấn đề môi trường, nhận thức được ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với hoạt sản xuất kinh doanh và đời sống của mình. Tuy nhiên, để thực sự chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường thì còn khá thấp. Để cải thiện vấn đề này thì thúc đẩy nhận thức và thực hiện các chuẩn mực ESG trong cộng đồng doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng.

Quan điểm mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu. Kinh tế học dựa trên quan điểm này đã không giải thích được tại sao các tỷ phú lại dành phần lớn các lợi nhuận của mình cho các dự án cộng đồng. Tại sao các ông chủ có tài sản hàng tỷ đô sao không tận hưởng cuộc sống xa hoa mà vẫn phải lao tâm khổ tứ với những dự án lớn đầy rủi ro để có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người. Rõ ràng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp phải là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng chứ không chỉ là mục tiêu lợi nhuận thô kệch. Tìm kiếm lợi nhuận dựa trên tổn hại lợi ích của người khác, của thế hệ khác đó không phải là lợi nhuận chân chính. Do đó các chuẩn mực ESG chính là thang đo về giá trị chân chính của một doanh nghiệp. Thực hiện ESG không chỉ làm cho doanh nghiệp cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn, và bao trùm hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao.

Trong một báo cáo ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN” được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường (Moore, 2022). Số liệu mới nhất từ báo cáo Edelman Trust Barometer (2022) cho thấy cách doanh nghiệp đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hiệu đó nữa. Khi được hỏi về tầm quan trọng của ESG đối với tiếp cận đầu tư trong năm 2022, 26% nhà đầu tư toàn cầu cho biết, ESG là “trọng tâm” trong cách tiếp cận đầu tư của họ.

Có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu như tăng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý, tối ưu hóa đầu tư và nắm giữ tài sản, v.v...Những kết quả nghiên cứu này mặc dù có thể chưa đầy đủ nhưng nó cũng phản ánh một xu hướng khó thể đảo ngược trong hoạt sản xuất kinh doanh ngày nay đó là sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm không chỉ với cộng đồng, với nhân viên với xã hội mà cả với các thế hệ tương lai.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì việc ứng dụng ESG không chỉ phù hợp với văn hóa và triết lý Á Đông mà còn là hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu nghiêm trọng, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều bất định thì ứng dụng ESG hoặc ít nhất là thấm nhuần tư tưởng của bộ tiêu chí ESG trong điều hành doanh nghiệp sẽ là một hướng tiếp cận quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

     



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/10/2024