ISSN-2815-5823
Nguyễn Văn Đỉnh
Thứ sáu, 07h01 13/09/2024

KATINAT và "nguyên lý ly nước vơi"

(KDPT) - Theo “nguyên lý ly nước vơi”, khi ở trước mặt là một ly nước đã uống cạn một nửa, người tiêu cực sẽ nhìn vào phần nước vơi và chán nản vì "ly nước đã vơi đi một nửa", người tư duy tích cực, lạc quan sẽ nhìn vào phần đáy và tự nhủ "ly nước vẫn còn đến một nửa".

KATINAT có vẻ khá vụng về trong truyền thông khi thông điệp ban đầu của họ là khi bán được mỗi ly nước sẽ ủng hộ 1.000 đồng để khắc phục hậu quả sau thiên tai. Ta nghĩ gì về thông điệp ấy? Nhóm người có thói quen nhìn vào phần nước vơi sẽ nổi khùng “Uống ly nước 70.000 đồng thì đồng bào mới được 1.000 đồng thì thà chuyển thẳng 70.000 đồng cho đồng bào, khỏi uống nước”. (New Feeds của tôi tràn ngập những bài post này). Nhưng nhóm người quen nhìn vào phần nước còn trong ly sẽ nghĩ: Thật tốt quá, lại có một nhà hảo tâm hỗ trợ đồng bào, thôi thì của ít lòng nhiều.

Tôi thuộc nhóm thứ hai.

Nhưng dù bạn thuộc nhóm nào đi chăng nữa, chúng ta cùng tư duy và debate nhé. Nào, hãy cùng tôi trả lời câu hỏi mấu chốt ở đây: KATINAT có vận động, khuyến khích, mời gọi bạn mua nước của họ, giúp họ có doanh thu để ủng hộ đồng bào không?

Không phải đúng không?

Ảnh: KATINAT
Ảnh: KATINAT

Dưới góc độ Luật học, thông báo của KATINAT vào lúc 20h00 ngày 11/9 là một giao dịch dân sự tồn tại dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương. Khi đưa ra thông báo ấy, KATINAT đã tự nguyện tham gia vào một giao dịch dân sự, làm phát sinh nghĩa vụ dân sự với chính mình và chịu trách nhiệm pháp lý về “lời hứa” ấy (tương tự như các hình thức Hứa thưởng, Thi có giải). Đó không phải là một hợp đồng (giao dịch dân sự tồn tại dưới 2 dạng: hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương), nên KATINAT không được hưởng quyền gì từ thông báo ấy. Và như đã nêu, họ không khuyến khích, mời gọi người tiêu dùng mua nước của họ.

Tôi không tìm thấy bất kỳ lý do gì để phải chỉ trích họ. Chúng ta nhìn vào phần nước vơi và nghĩ rằng đó là cách họ PR, đánh bóng hình ảnh nhằm lôi kéo khách hàng. Sao chúng ta không nghĩ theo một hướng khác đi: KATINAT dựa trên số liệu bán hàng, họ dự báo được doanh số bán hàng cho 20 ngày và tạm tính được một con số kha khá nhằm ủng hộ vào quỹ thiện nguyện; và họ đưa ra thông điệp ấy dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương để các nhà quản lý, nhân viên của họ thêm quyết tâm gia tăng doanh số để có thể ủng hộ được nhiều hơn cho đồng bào?

Chuỗi đồ uống KATINAT khủng hoảng truyền thông khi làm thiện nguyện
Chuỗi đồ uống KATINAT khủng hoảng truyền thông khi làm thiện nguyện

Đương nhiên, bộ phận truyền thông của KATINAT đã khá vụng về, kể cả trong thông báo ban đầu cũng như ứng xử sau đó. Nếu là tôi, tôi sẽ thiết kế một “điều khoản thương mại” theo hướng: ủng hộ trước một số tiền (fix) + tiếp tục ủng hộ 1.000 đồng/ly nước trong 20 ngày. Như vậy, nhóm người có thói quen nhìn vào phần nước vơi sẽ nhìn vào số tiền ủng hộ trước đã fix. Hoặc một cách thức khác là ủng hộ 1.000 đồng/ly nước trong 30 ngày của tháng 9, trong đó 10 ngày đã đạt doanh số… ly nước, ủng hộ luôn… đồng; phần còn lại sẽ thống kê và ủng hộ sau.

Đây có lẽ cũng là 1 bài học về truyền thông cho KATINAT cũng như các doanh nghiệp trong tình huống tương tự. Bởi làm kinh doanh ở Việt Nam sẽ đối mặt với một tỷ lệ đa số những người có thói quen nhìn vào phần nước vơi./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine